Có bao giờ bạn nghẹn lòng khi nghe thấy bố mẹ hay người thân so sánh mình với một ai khác? Có bao giờ bạn cảm thấy tự ti, mặc cảm khi tự so sánh mình với những người bên cạnh? Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta không tránh được những phút giây chạnh lòng khi ai đó vô tình đặt mình lên bàn cân để đối chiếu với một người nào đó.
Một đứa trẻ được coi gần như hoàn hảo về mọi mặt nhằm mục đích răn đe, đốc thúc con mình cố gắng không còn xa lạ với nhiều ông bố bà mẹ đó chính là nhân vật có biệt danh “con nhà người ta”. Và đến nay, nhân vật "con nhà người ta" vẫn là một điều bí ẩn, không có tên gọi rõ ràng, không có thông tin cha mẹ, càng không có địa chỉ sống, mà chỉ đơn giản tồn tại là cái cân để so sánh với nhiều người.
Bố mẹ chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn, luôn muốn con mình giỏi hơn nữa, hơn nữa và…hơn nữa. |
Với quá nhiều khát khao kỳ vọng vào con cái, bố mẹ chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn, luôn muốn con mình giỏi hơn nữa, hơn nữa và…hơn nữa. Có lẽ vậy mà nhiều phụ huynh thường không nhìn nhận được cái khác biệt, nổi trội từ con. Mỗi đứa trẻ là một cá nhân, có tài năng và sở thích riêng. Chẳng có đứa trẻ nào tốt hơn đứa trẻ khác một cách toàn diện. Ấy vậy nhưng cha mẹ lại luôn so sánh con ở mức cao hơn mà con không đạt đến được. Họ không biết rằng chính con cái mình cũng có những tài năng rất riêng, những cái thông minh rất riêng mà nhiều phụ huynh khác cũng ao ước con họ có được điều đó.
Bố mẹ thường hay đem "con người ta" ra để so sánh với con mình. |
Cha mẹ thường chạy theo những cái được mặc định là “xuất sắc” trong xã hội, và đáng tiếc thay, đây chỉ là một cuộc đua không có hồi kết. Định nghĩa của xuất sắc, của “con người ta” thật ra là một thứ vô hình rất mông lung, trong khi khả năng con người thì lại có hạn. Những phụ huynh có con học trung bình thì mong con mình học giỏi, những phụ huynh có con học giỏi thì mong con mình đủ trình độ học xuất sắc hơn, và cái vòng luẩn quẩn này cứ tiếp tục, so sánh chồng chất so sánh, cho đến khi cả bố mẹ và con cái đều kiệt sức. Ít khi nào, bố mẹ dừng lại và tự mình nghĩ rằng: “Hôm nay con làm tốt lắm - tốt theo cách của riêng con, và cha mẹ rất tự hào vì điều đó”.
Chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu TS. Phan Thị Huyền Trân cho rằng: “Cha mẹ không cần phải biến thành một ai khác để nuôi con thành công. Tất cả chỉ cần bắt đầu với một niềm tin rằng con của mình có thể làm được và làm rất tốt. Hãy để những gì ta nói ra sẽ trở thành nguồn năng lượng nuôi nấng sự tự tin và niềm tin vào bản thân của con, thay vì dập tắt hi vọng của con bằng những câu so sánh. So sánh con của mình với “con nhà người ta” không những làm con trẻ cảm thấy mệt mỏi, áp lực mà còn khiến cho con ngại tương tác với mọi người hơn.”
Đừng tạo áp lực cho trẻ, hãy để trẻ được phát triển là chính mình. |
Trên thực tế, thay vì khuyến khích con cố gắng hơn, vô tình cha mẹ lại góp phần tạo ra những đứa trẻ rụt rè, tự ti về chính khả năng của mình. Nếu chính bản thân con trẻ không tự tin rằng mình giỏi, mình có thể làm được thì sao có thể chứng minh với người khác rằng mình là những nhân tài xuất chúng? Nếu cha mẹ cứ mải chạy theo những tiêu chuẩn của người khác, thì làm sao tìm ra được con đường phù hợp và đúng đắn cho con? Thay vì nhìn vào những điểm yếu để chê trách con, hãy nuôi nấng những điều tốt đẹp, khen ngợi con và từ từ uốn nắn những điểm chưa được để giúp con hoàn thiện bản thân trọn vẹn.
Có một sự thật hiển nhiên rằng, dù ngoan hay hư, dù giỏi hay chưa tốt thì không ai phủ nhận rằng đó không phải con bạn, một trăm “con nhà người ta” đi nữa cũng không thể đổi chỗ cho sinh linh do chính mình mang nặng đẻ đau và giáo dưỡng. Vậy tại sao, các bậc làm cha mẹ không dạy con tích cực, dạy con thật tốt, mà lại so sánh và khiến con thêm phần nhút nhát mất niềm tin?
Hãy để trẻ phát triển sở thích và khả năng của mình. Hãy để trẻ cảm thấy rằng chúng không cần phải trở thành một ai khác, không cần giống với người anh chị em nào, hoặc đối tượng “con người ta” mà bố mẹ hay nhắc đến. Nhưng giá mà bố mẹ biết rằng, so sánh không bao giờ làm con cái giỏi giang hơn, cố gắng hơn, nó chỉ làm con trẻ cảm thấy tổn thương, sụt giảm tự tin. Nếu có vươn lên thì cũng là vươn lên trong ganh ghét và đố kỵ.
Mỗi người đều có cái tôi cá nhân đầy kiêu hãnh, và con trẻ cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Xin đừng làm tổn thương con vì những phép so sánh khập khiễng và không hề công bằng ấy. Bởi lời nói ra ấy có thể sát thương và dập tắt một chồi non sắp nhú mầm thành cây.
XEM THÊM
Tranh thủ giai đoạn nhạy cảm, mẹ nuôi dưỡng niềm đam mê vũ trụ và địa lý cho con
Ngoài vũ trụ và địa lý, bất cứ thứ gì con yêu thích, chị Hằng đều muốn “tranh thủ” giai đoạn nhạy cảm của con ... |
Muốn con tự giác, bố mẹ hãy hạn chế thưởng phạt
Chị Vũ Thị Phương Ánh khẳng định muốn con tự giác bố mẹ hãy hạn chế thưởng phạt. |
TS Vũ Thu Hương: 11 sai lầm của bố mẹ hủy hoại cá tính của con
Liệu chúng ta có hủy hoại cá tính của con? Con của chúng ta có còn là chính nó sau quá trình dạy dỗ của ... |