Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà đã được sử dụng để ướp xác hàng nghìn năm trước bởi những công dụng của nó trong việc hút mùi, hút ẩm.
Cụ thể, Sokushinbutsu là thuật ướp xác khá phổ biến của Phật giáo được thực hành bởi các nhà sư khổ hạnh từ thế kỉ 11-20 ở Nhật Bản, Nga, Mông Cổ và Thái Lan.
Những nhà sư đi theo con đường Sokushinbutsu tin rằng dục vọng, sự ham muốn thể xác sẽ dẫn đến đau khổ, chỉ cần vượt qua những ham muốn tầm thường đó thì sẽ đến được con đường dẫn đến giác ngộ và hạnh phúc.
Một xác ướp của nhà sư tại Nhật Bản được thực hiện theo con đường Sokushinbutsu. (Ảnh: Ken Jeremiah).
Quá trình tự ướp xác này được coi là một cách để các nhà sư đánh bại đau khổ và đạt được giác ngộ thông qua thiền định và khổ hạnh.
Các nhà sư phải trải qua 3.000 ngày khổ hạnh và phải tuân thủ chế độ ăn uống vô cùng thanh đạm, kham khổ để thực hiện nghi thức ướp xác này.
Ở giai đoạn 1.000 ngày đầu tiên, các nhà sư chủ động loại bỏ lượng mỡ cũng như thịt trong cơ thể (nguyên nhân chính gây ra tình trạng phân hủy và thối rữa ở các xác ướp). Các nhà sư phải thay đổi hoàn toàn quá trình ăn uống bằng cách chỉ ăn các loại ngũ cốc có sẵn và các loại hạt được tìm thấy từ khu rừng xung quanh chùa.
Song song với chế độ ăn uống, các nhà sư phải thực hiện một loạt những hoạt động thể chất với cường độ mạnh nhằm làm tiêu hao toàn bộ nguồn năng lượng tích trữ và những năng lượng mới sinh.
Đến khi cơ thể trở nên teo tóp còn da bọc xương và chỉ đủ sức để duy trì sự sống thì giai đoạn một đã thành công và bước sang giai đoạn hai khắc nghiệt hơn nhằm loại bỏ nước trong cơ thể vào 1.000 ngày sau đó.
Đây được coi là giai đoạn tự "sấy khô". Các nhà sư chỉ ăn vỏ và rễ cây đến khi cơ thể họ gần như cạn kiệt nước. Quá trình này giúp cho cơ thể sẽ khó bị phân hủy hơn.
Sokushinbutsu là một thuật ướp xác khá phổ biến của Phật giáo được thực hành bởi các nhà sư khổ hạnh từ thế kỉ 11-20 ở Nhật Bản, Nga, Mông Cổ và Thái Lan. (Ảnh: apholidaytours.com).
Đến giai đoạn 1.000 ngày cuối cùng, quá trình này được gọi là "tự tẩm độc", các nhà sư chỉ uống nước trà và nước được được làm từ cây urushi, cây dầu bóng, còn được gọi là cây sơn mài Trung Quốc để cơ thể họ tồn đọng lại một lượng chất độc đủ làm các loại côn trùng thường ǎn xác chết phải tránh xa.
Thứ nước này chứa một chất rất độc, gây nôn mửa, đổ mồ hôi và tǎng cường bài tiết nước tiểu. Bằng cách này, một lần nữa các nhà sư tự làm khô cơ thể mình.
Ngoài ra, thi thể của các nhà sư cũng được tẩm các loại hương liệu cũng như lá trà để tránh tình trạng hư hại và bốc mùi nếu như sau khi chết, cơ thể không thể tự thành xác ướp.
Cuối cùng, sau 3.000 ngày, các nhà sư sẽ tự nhốt mình vào một chiếc quan tài bằng đá ngồi thiền cho đến lúc chết.
Xác ướp nhà sư Daijuku Bosatsu Shinnyokai-Shonin của Đền Dainichi-Boo tại Nhật Bản. (Ảnh: Atlas Obscura).
Chiếc quan tài đá này có một ống thở thông ra bên ngoài để cung cấp oxy và cũng là con đường để nối dây ở bên trong với một chiếc chuông ngay bên ngoài chiếc quan tài đá.
Mỗi ngày các nhà sư sẽ rung chuông một lần để những đệ tử bên ngoài biết rắng mình vẫn còn sống.
Quá trình này diễn ra và kết thúc khi một ngày chiếc chuông không rung nữa, lúc này những đệ tử ở bên ngoài sẽ rút ống thở ra và niêm phong chiếc quan tài đá trong 1.000 ngày. Sau đó, người ta sẽ tiến hành mở mộ để xem nhà sư có đạt được đến trạng thái sokushinbutsu hay không.
Nếu thành công, nhà sư sẽ được coi như Phật và được mang về chùa để thờ cúng. Ngược lại, nhà sư sẽ được tán dương vì những nỗ lực của mình và chôn lại trong mộ.
Sokushinbutsu đã bị chính phủ Nhật Bản ngăn cấm từ thế kỉ 19 nhưng có những bằng chứng cho rằng nghi lễ vẫn được bí mật thực hiện cho đến thế kỉ 20.
Ngày nay người ta có thể ghé nhiều ngôi chùa tại Nhật Bản để chiêm ngưỡng 16 trong tổng số 24 xác ướp đặc biệt này.