Toàn cảnh mặt tiền của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại phố Hạ Đình và khu vực kho bị cháy đang được nhân viên quây kín bằng bạt. (Video: Minh Anh).
Thông tin về các kết quả quan trắc sau sự cố cháy ở Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã CK: RAL) cho thấy phạm vi, vùng có nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân trong bán kính đến 500m tính từ hàng rào của kho Công ty Rạng Đông đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có trụ sở, nhà máy và kho hàng ở địa chỉ số 87- 89 phố Hạ Đình (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có diện tích khoảng 5,7 ha. Đây cũng khu vực đông dân cư sinh sống của quận Thanh Xuân, cách khu Cao - Xà - Lá (một phần đã có qui hoạch xây dựng tổ hợp văn phòng, TTTM và nhà ở trước đó) không xa.
Trụ sở Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại Hạ Đình. (Ảnh: Minh Anh).
Với những thông tin này, không ít người nhớ đến báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, của TP Hà Nội năm 2016. Cụ thể, đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Trên cơ sở đó, năm 2016, TP Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở và quận Long Biên 17 cơ sở.
Căn cứ theo Quyết định 86/2010/QĐ-TTg năm 2010 về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo qui hoạch xây dựng đô thị cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, khu đất nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có thể chuyển đổi mục đích để đầu tư dự án khác thông qua việc liên doanh, hoặc thành lập pháp nhân mới…
Trước đó, tháng 9/2018, RAL đã thông qua phương án bổ sung hai ngành nghề kinh doanh vào hệ thống ngành nghề kinh doanh sẵn của công ty, đó là: Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.
Quyết định bổ sung ngành nghề kinh doanh của RAL. (Ảnh: Quyết nghị của HĐQT RAL).
Tại thời điểm đó, trao đổi với báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đao Hội đồng quản trị RAL cho biết, mục đích của việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản không phải là để phát triển theo mô hình đa ngành nghề, mà nó xuất phát từ qui hoạch của Thành phố là không được sản xuất các sản phẩm trong nội đô. RAL đang sở hữu khu 'đất vàng' 5,7 ha tại số 87 – 89 Hạ Đình, TP Hà Nội, đây cũng chính là trụ sở và nhà máy của công ty, sau này sẽ được qui hoạch thành văn phòng, tòa nhà làm việc hỗn hợp.
Một khu vực tiếp giáp với kho hàng bị cháy của RAL. (Ảnh: Minh Anh).
"Để làm được việc này, doanh nghiệp phải bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh bất động sản, cũng như đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, RAL cũng đã mua thêm quyền sử dụng đất ở cơ sở 2 (Quế Võ – Bắc Ninh), hiện Công ty mới xây một nửa diện tích và đang chuẩn bị xây dựng để chuyển đổi bộ phận sản xuất theo đúng quy định của Thành phố.
Một góc kho hàng bị cháy của RAL trước khi được quây bạt. (Ảnh: Minh Anh).
Lãnh đạo RAL cho biết, công ty vẫn tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất các sản phẩm bóng đèn, phích nước theo đúng định hướng ban đầu", báo Đầu tư Chứng khoán viết.
Cụ thể, theo thông tin từ RAL, từ năm 2006 đến cuối năm 2008, RAL đã thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp xây dựng cơ sở 2 tại khu công nghiệp Quế Võ – Bắc Ninh với diện tích 6,2 ha.
Cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. (Ảnh: RAL).
Năm 2015, thực hiện chiến lược phát triển, tái cấu trúc toàn diện công ty giai đoạn 2011-2015, tái cấu trúc về tổ chức sản xuất, công ty đã quyết định đầu tư thêm 20.000 m2 đất tại khu công nghiệp Quế võ, Bắc Ninh, nâng diện tích tại cơ sở 2 lên thành 82.000 m2.
Trao đổi với chúng tôi về việc liên quan đến quyết tâm di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành sau sự cố của RAL, một lãnh đạo văn phòng HĐND TP Hà Nội cho hay Thường trực HĐND Thành phố đang giao cho Ban Đô thị nghiên cứu, tham mưu.
Theo thông tin từ Bộ TN&MT, ngày 3/9, Bộ này đã chủ trì họp với các Bộ: Y tế, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và đại diện Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông để đánh giá tổng thể về vấn đề an toàn hóa chất và ô nhiễm môi trường, đề xuất giải pháp xử lý tiếp tục sau sự cố cháy nổ.
Tổng hợp kết quả lấy mẫu quan trắc, phân tích, đánh giá về chất lượng môi trường không khí, nước, đất, chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) của Sở TN&MT Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường), từ ngày 30/8/2019 - 1/9/2019 cho thấy rõ hiện trạng môi trường sau sự cố cháy nổ của Công ty.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ điều hành cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ
Kết quả so sánh với giá trị nồng độ thủy ngân với các quy chuẩn của Việt Nam (QCVN) hiện hành về môi trường cho thấy, có 1/2 mẫu nước mặt có giá trị Hg vượt QCVN 08-MT:2015 1,3 lần tại thời điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5km.
1/8 mẫu nước thải có giá trị Hg vượt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) 2,76 lần tại điểm quan trắc Hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty.
12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị Hg vượt QCVN 43:2017/BTNMT.
Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1 km có giá trị Hg cao nhất, vượt QCVN 43:2017/BTMNT 6,1 lần; 1/6 mẫu không khí có giá trị Hg vượt QCVN 06:2009/BTNMT 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của Công ty.
Kết quả so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR - Mỹ, Canada cho thấy: Các điểm quan trắc chất lượng không khí xung quanh: Tổng cục Môi trường đã bố trí 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ Hg (bằng bẫy vàng theo công nghệ của Nhật Bản) theo hướng phát tán của dòng khí tại vị trí hàng rào của kho sản phẩm bị cháy, tại khoảng cách 200m, 500m và 1.000m tính từ hàng rào kho sản phẩm bị cháy. Kết quả cho thấy, trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).
Các điểm quan trắc trong không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy (trạm Oxy) và trong nhà kho bị cháy có giá trị Hg trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR - Mỹ từ 10 - 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người). Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị Hg nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO ảnh hưởng đến sức khỏe con người đó là điểm NM-HĐ 02 (Hồ Hạ Đình) và điểm TL 05 (sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5km về phá hạ lưu).
Nồng độ Hg quan trắc được trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của Công ty có hàm lượng Hg cao hơn các vị trí khác.
Kết quả quan trắc một số kim loại nặng khác cũng phát hiện thấy có giá trị vượt ngưỡng QCVN. Cụ thể, có 1/8 mẫu nước thải có giá trị Chì vượt QCVN 40:2011/BTNMT 1,96 lần tại hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty; 9/13 mẫu trầm tích, bùn đáy (trên sông Tô Lịch) có giá trị Cadimi vượt QCVN 43:2017/BTNMT (trầm tích nước ngọt).
Điểm quan trắc có giá trị Cadimi cao nhất vượt QCVN 43:2017/BTNMT 1,98 lần là điểm cống xả số 1 cạnh ngõ 320 Khương Đình trước khi đổ ra sông Tô Lịch; 2/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị Asen vượt QCVN 43:2017/BTNMT (trầm tích nước ngọt ).
Điểm quan trắc có giá trị Asen cao nhất vượt QCVN 43:2017/BTNMT 1,13 lần là điểm trên sông Tô Lịch cách ngõ 320 Khương Đình 1km về phía hạ lưu.
Tuy vậy, nguồn gốc các kim loại nặng như Cadimi, Asen có do Công ty xả thải ra môi trường hay không, cần tiếp tục được nghiên cứu, điều tra làm rõ.
Đô thị 20:43 | 12/11/2019
Đô thị 09:58 | 28/09/2019
Đô thị 20:00 | 20/09/2019
Đô thị 07:04 | 18/09/2019
Đô thị 17:59 | 17/09/2019
Đô thị 15:56 | 17/09/2019
Đô thị 09:27 | 16/09/2019
Nhà đất 09:08 | 16/09/2019