Nhiều đơn vị sử dụng ứng dụng điều vận xe của Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Thời gian gần đây, "cuộc chiến taxi" có phần trầm lắng sau thương vụ Grab mua toàn bộ hoạt động của Uber ở Đông Nam Á.
Trong bối cảnh này, Đại học Quốc gia Hà Nội đã "bất ngờ" giới thiệu nền tảng và mô hình mới về điều vận xe trực tuyến, có thể phục vụ nhiều loại hình vận tải mang tên EMDDI.
Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, EMDDI là hệ thống được thiết kế để dùng đồng thời cho nhiều đơn vị vận tải trên cùng hệ thống mà không làm mất tính chủ động của các đơn vị vận tải.
Các đơn vị sử dụng EMDDI có thể tự cấu hình hệ thống của mình một cách độc lập với các đơn vị khác như tự thiết lập các loại dịch vụ (xe máy, xe 4 chỗ xe 7 chỗ, xe đường dài, taxi, giao hàng), chế độ tính cước, phương thức chọn đường đi, chính sách khuyến mại…
"Việc thiết lập cấu hình này chỉ mất dưới 10 phút cho một công ty. Mặc dù được sử dụng cho nhiều công ty nhưng người dân đi xe chỉ cần cài đặt một app (ứng dụng) duy nhất", Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin.
Một ứng dụng... cho tất cả?
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Kiến Quốc, nguyên Phó Viện trưởng Viện CNTT, Giảng viên CNTT trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - đại diện nhóm nghiên cứu phần mềm EMDDI cho biết ở Hà Nội có hàng chục ứng dụng taxi khác nhau.
Sau "cuộc chiến taxi", hầu hết các hãng taxi có tên tuổi ở Hà Nội đều có ứng dụng gọi xe riêng. Thậm chí, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng còn cho biết ngay đơn vị nhỏ nhất của hiệp hội là taxi Phù Đổng cũng có ứng dụng đặt xe. |
"Nhưng anh có thấy người dân nào cài vào điện thoại di động cả chục app để đi xe taxi của mọi công ty chưa?", ông Quốc đặt câu hỏi.
Theo vị này, phần lớn người dùng chỉ cài ứng dụng Grab. Và cơ bản Grab đã chiếm xong thị phần ở các TP lớn và taxi truyền thống làm càng nhiều ứng dụng thì càng loãng.
Trong khi đó, ông Quốc cho biết, EMDDI có thể nhận diện chính xác các khu vực địa lý và khi người dân ở địa phương nào.
Từ đó, ứng dụng này sẽ kết nối với các đơn vị vận tải ở đó và người dân không cần quan tâm đến ai phục vụ mình.
"EMDDI không kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp chỉ thuê dịch vụ kết nối", ông Quốc cho biết thêm.
Đáng chú ý là ông Quốc cho biết ứng dụng điều vận xe nêu trên có thể hoạt động khi mất 3G tạm thời và đã tính đến việc Google mặc định là chọn theo thời gian ngắn nhất (xe dễ bị điều đi đường cao tốc) hay ở các tỉnh, không có bản đồ đường đi đầy đủ.
"Đối tượng của chúng tôi không chỉ là các công ty taxi. Tất cả các đơn vị phục vụ vận tải hành khách hoặc giao hàng ví dụ các HTX huy động chạy xe nhàn rỗi (như kiểu của Uber)... đều có thể tham gia", ông Quốc chia sẻ.
Vụ 'tài xế Grab' bắt khách phải chào: Khách hàng của Grab lên tiếng |
Điều taxi bằng EMDDI thế nào?
Theo thông tin từ phía Đại học Quốc gia Hà Nội, đối với ứng dụng trên, các đơn vị hoạt động taxi ngoài cách gọi và điều vận qua điện thoại truyền thống sẽ có thêm 3 cách điều vận khác.
Thứ nhất là dùng app gọi xe của EMDDI. Thứ hai là dùng EMDDI để điều xe trong trường hợp khách gọi qua điện thoại.
Với cách này, đài viên khi nhận được điện thoại sẽ ấn định địa chỉ của khách trên bản đồ số, EMDDI sẽ chọn lái xe thích hợp nhất phục vụ. Phương pháp này tránh được sự thiên vị của đài viên cũng như hạn chế được tình trạng tranh giành khách của lái xe.
Thứ ba là sử dụng đồng hồ điện tử của EMDDI khi bắt khách giữa đường.
Được biết, ứng dụng này cũng có một số tiện ích như tìm kiếm địa danh sẽ ưu tiên theo địa phương hoặc tranh thủ đón khách cùng đường khi lái xe di chuyển với mục đích riêng.
Cũng theo Đại học Quốc gia Hà Nội, EMDDI đã được Bộ GTVT cấp phép tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng và đã triển khai ở nhiều nơi.
Theo đơn vị cung cấp, ứng dụng điều vận xe EMDDI đã kết hợp với VNPAY (đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Thanh toán điện tử tại Việt Nam) để tích hợp các chức năng thanh toán điện tử trong hệ thống.
Như vậy, ngoài tiền mặt hoặc ví EMDDI Pay, khách hàng có thể dùng app Mobile Banking của các ngân hàng để thanh toán thông qua hình thức QR Pay - quét mã QR trên app của lái xe. |
'Tài xế Grab' và hành khách cãi nhau: 'Không có quy chế buộc khách hàng phải chào tài xế'
Tài xế được cho là của Grab đã tranh cãi với hành khách về việc "ai phải chào ai" khi lên xe. |