Facebook bất ngờ rót tiền vào công ty mẹ GoViet

Gojek, công ty mẹ của GoViet bất ngờ được ông lớn truyền thông xã hội Facebook rót vốn trong một thương vụ không được tiết lộ về giá trị, kênh truyền hình CNBC đưa tin.

Theo CNBC, Facebook đã đầu tư vào công ty cung cấp và giao hàng thực phẩm Gojek của Indonesia.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ không muốn tiết lộ quy mô đầu tư của mình khi được CNBC liên hệ. Trong một bài đăng trên blog vào tối hôm qua (2/6), Facebook cho biết họ đang nỗ lực để giúp đưa việc kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ lên mạng xã hội.

“Khoản đầu tư này sẽ hỗ trợ mục tiêu chung của Facebook và Gojek là trao quyền cho các doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế tại đất nước vạn đảo”, Matt Idema - Giám đốc điều hành của WhatsApp, viết trong blog.

“WhatsApp sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ giao tiếp với khách hàng và bán được hàng. Cùng với Gojek, chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đưa hàng triệu người tiếp cận với nền kinh tế kĩ thuật số đang phát triển của Indonesia”, Idema cho biết.

Gojek cũng từ chối tiết lộ giá trị của thương vụ này.

Facebook bất ngờ rót tiền vào công ty mẹ GoViet - Ảnh 1.

Facebook đã đầu tư vào công ty cung cấp và giao hàng thực phẩm Gojek của Indonesia. (Ảnh: CNBC).

Trước đó, Facebook đã chi 5,7 tỉ USD để đầu từ vào Jio Platforms - một công ty kĩ thuật số của Tập đoàn Reliance Industries, Ấn Độ. Khoản đầu tư đã mang lại cho Facebook 9,99% cổ phần trong Jio Platforms, với mức giá trị doanh nghiệp là 65,95 tỉ USD.

Cả Ấn Độ và Indonesia đều có lượng người tham gia vào môi trường trực tuyến lớn. Họ mang đến cơ hội quý giá cho các công ty công nghệ toàn cầu như Facebook, trong mục tiêu xây dựng các nền tảng dịch vụ thương mại cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đặc biệt, thông qua dịch vụ nhắn tin phổ biến WhatsApp.

Trong thời gian qua, Gojek được nhiều tổ chức xếp hạng đánh giá cao, trong đó bao gồm cả Google của Mỹ và Temasek của Singapore. Công ty khởi nghiệp Indonesia hiện đang được định giá 10 tỉ USD, theo CB Insights. 

Gojek là công ty kì lân đầu tiên của Indonesia, được thành lập từ năm 2010, và đạt con số 1 triệu tài xế vào tháng 5/2018.

Ứng dụng Gojek ra mắt vào tháng 1/2015, trong vòng chưa đầy hai năm đã ghi nhận gần 30 triệu lượt tải xuống. Hiện Gojek nằm trong top 10 thương hiệu mạnh nhất Indonesia, cùng với đó là top 3 doanh nghiệp giao nhận, vận chuyển mạnh nhất nước này.

Khởi đầu hành trình gọi vốn từ tháng 12/2014, tuy nhiên phải đến vòng gọi vốn D, tháng 8/2016, Gojek mới có thể huy động được tổng số tiền giá trị 550 triệu USD từ 10 nhà đầu tư.

Trong năm 2018, Gojek huy động số tiền khổng lồ 1,5 tỉ USD từ 11 nhà đầu tư tại vòng gọi vốn E. Đáng chú ý, các nhà đầu tư là những cái tên quen thuộc đến từ Trung Quốc, như gã khổng lồ tìm kiếm Tencent Holdings, hay đối thủ của Alibaba: hãng thương mại điện tử đình đám JD.com.

Hiện Tencent là một trong 4 nhà đầu tư chính của Gojek.

Gojek là đối thủ với Grab - một hãng gọi xe có trụ sở tại Singapre. Grab cũng kinh doanh trên các lĩnh vực tương tự Gojek như gọi xe, thanh toán điện tử và giao đồ ăn. Cả hai công ty đều tuyên bố sẽ trở thành “siêu ứng dụng” của khu vực Đông Nam Á.

Trong tháng 2/2020, dẫn thông tin từ The Information, tờ Dealstreet Asia cho biết hai gã khổng lồ Grab và Gojek đang đàm phán để thảo luận về khả năng sáp nhập trong tương lai.

Báo cáo cho biết, Chủ tịch Grab Ming Maa và Giám đốc điều hành Gojek Andre Soelistyo đã gặp nhau hồi đầu tháng 2, trong một vòng đàm phán mới nhất. Tuy nhiên khoảng cách đến cái bắt tay giữa hai gã khổng lồ vẫn còn rất xa. 

Cả Gojek và Grab đều không có câu trả lời chính thức trước thông tin này.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.