Chọn “xe công nghệ” làm phương tiện di chuyển chính trong thành phố, chị Như Ý (nhân viên kinh doanh một công ty dược tại TP HCM) cho biết để “lợi” nhất, chị sử dụng cùng lúc nhiều app đặt xe. “Tôi đang dùng cùng lúc cả Grab, Be và Go-Viet. Cái nào rẻ hơn, cộng khuyến mãi vào giá cuối cùng thấp nhất cho cùng quãng đường thì chọn", chị cho biết.
Chị Như Ý không phải là trường hợp hiếm hoi ưu tiên về giá cả, khuyến mãi khi chọn dịch vụ đặt xe.
Chị Mỹ Hạnh (35 tuổi, Quận Bình Thạnh, TP HCM) thậm chí còn cài tất cả các ứng dụng đặt xe có trên thị trường để tiện đọ giá, hưởng khuyến mãi khách hàng mới. Theo kinh nghiệm của chị, các ứng dụng mới ra mắt sẽ có giá rất rẻ để thu hút khách hàng.
“Sau thời gian ổn định, ứng dụng mới có thể sẽ tăng giá nhưng mình tận dụng được lúc nào, hay lúc đó", chị nói.
Chính tâm lí này của khách hàng đã đẩy cuộc cạnh tranh ưu đãi giữa các ứng dụng gọi xe lên cao trào. Dù là tân binh hay lão làng, các ứng dụng đặt xe chưa bao giờ bỏ qua chiêu thức thu hút người dùng bằng giá ưu đãi và khuyến mãi. Điển hình, các tên tuổi như Be hay Go-Viet khi mới vào thị trường đều cắn răng chịu lỗ để đi theo chiến lược “đốt tiền” khuyến mãi hòng đổi lấy thị phần.
Grab dù đã qua “giai đoạn đầu” thu hút khách hàng, ông lớn này cũng “mạnh tay chi tiền” cho những khuyến mãi khủng mà không phải hãng nào cũng đủ sức đuổi theo.
Mới nhất, trong dịp cuối năm, Grab đã tung khuyến mãi đồng giá 9k, áp dụng cho GrabCar khi người dùng di chuyển đến quận trung tâm, cùng hàng loạt ưu đãi đồng giá 9k cho các dịch vụ khác.
Trước đó và gần như là mỗi ngày, ứng dụng này cũng “chăm chỉ” tặng khách hàng khuyến mãi liên tục.
Một thực tế cần phải nhìn nhận là cuộc đua này không dành cho những kẻ ít tiền, và thực tế cũng cho thấy rằng, chiến lược "đốt tiền" giành thị phần của Grab đã chứng minh tính hiệu quả của nó, khi ông lớn này gần như không thể đánh bại.
Mới đây, gã khổng lồ này còn cho biết sẽ tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới - khoản tiền đầu tư khiến bất kì đối thủ nào cũng phải… rùng mình.
Trên thực tế, giá cả, khuyến mãi vẫn chưa phải là yếu tố để khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ gọi xe lâu dài. Nhiều người sẵn sàng gỡ bỏ app vì nhiều lí do. Lí do thường gặp nhất là khó đặt xe, tài chế đến chậm…
“Thú thật mình cài nhiều app đặt xe, ngoài Grab, Be hay Go-Viet còn có cả Vato, Fastgo, Aber… nhưng cũng chỉ để so sánh hoặc dùng “sơ cua” mỗi khi không gấp thôi. Nhiều khi app mở lên chẳng tìm thấy tài xế nào, giao diện lại chậm thì khuyến mãi tốt cỡ nào cũng… ức chế. Thế nên để cho chắc, đặc biệt vào những lúc vội, tôi thường chọn ứng dụng nào đông tài xế để khỏi rơi vào cảnh dài cổ chờ đợi xe đến", chị Mỹ Hạnh cho biết.
Thời gian đặt xe thành công là một trong những tiêu chí quyết định đến lựa chọn của khách hàng. Muốn đáp ứng nhanh yêu cầu của khách phải có lượng xe lớn. Trên thị trường, Grab, Go-Viet, Be tạm thời là những doanh nghiệp sở hữu số lượng đối tác tài xế đáng kể.
FastGo, Vato, thậm chí MyGo gần đây đều vào cuộc với các tuyên bố khá ầm ĩ nhưng thực tế gần như khó lòng mà bắt được xe với các ứng dụng này, dù ở trung tâm thành phố. Nếu tính trên số đầu xe, độ phủ và mức độ sẵn sàng của tài xế thì Grab vẫn đang là đối thủ đáng gờm, khi sở hữu lực lượng đối tác tài xế có thể nói là đông nhất thị trường.
Mặt khác, các số liệu thống kê quan trọng nhất gần đây được công bố theo kết quả nghiên cứu của ABI Research cũng phản ánh vị thế giữa các bên.
Cụ thể, trong 200 triệu chuyến xe hoàn thành thông qua các ứng dụng tại Việt Nam (6 tháng đầu năm 2019) thì Grab áp đảo với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần. Thứ hai là Be, 31 triệu cuốc xe. Thứ ba là Go-Viet, với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, tương ứng 10% thị phần. 1% còn lại thuộc về FastGo và các ứng dụng khác.
Để giữ chân khách hàng, việc mang đến cho họ những trải nghiệm tốt nhất là điều các ứng dụng phải tính đến. Nếu mãi “say sưa” với cuộc chiến “đốt tiền” cho khuyến mãi mà bỏ qua trải nghiệm khách hàng thì cũng không phải là chiến lược khôn ngoan.
Chỉ cần app không mượt mà, thái độ tài xế không niềm nở, chính sách chăm sóc khách hàng không thoả đáng…, ứng dụng có thể mất khách.
Quay trở lại với cuộc cạnh tranh của 3 ứng dụng đặt xe chiếm lĩnh thị trường hiện nay: Grab, Be và Go-Viet (chiếm 90% thị phần theo báo cáo của ABI Research) thì Grab đã phát triển được 1 hệ sinh thái dịch vụ đa dạng.
Người dùng Grab có thể trải nghiệm các dịch vụ liền mạch như thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab, tích điểm thưởng qua GrabRewards để hưởng nhiều ưu đãi như ăn uống, giải trí, mua sắm... Trong khi đó, Go-Viet cũng đang tập trung đẩy mạnh dịch vụ giao đồ ăn và giao hàng. Tuy nhiên, Go-Viet hiện không có dịch vụ đặt xe 4 chỗ.
Be cũng không kém cạnh khi dù là kẻ đến sau nhưng đã có trong tay dịch vụ đặt xe 4 bánh, cũng như mới ra mắt beLoyalty nhằm cạnh tranh GrabRewards của Grab...
Nhiều khách hàng sử dụng song song các dịch vụ đặt xe cũng đã đưa ra phép so sánh: “Tôi thấy khuyến mãi của các hãng gọi xe mới ra thường nhất thời, nên tôi nghiêng về ứng dụng cho mình trải nghiệm tốt, sử dụng được nhiều dịch vụ cùng lúc. Hơn nữa, nếu sử dụng thường xuyên, dùng điểm thưởng đổi khuyến mãi cũng rất có lợi", anh Đình Hưng (Nhân viên kinh doanh, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) nói.
Có thể nói, thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu người dùng chưa bao giờ là điều dễ dàng với các doanh nghiệp. Riêng trong thị trường đặt xe, bên cạnh những tuyên bố rầm rộ, những cuộc đối đầu mang tính sống còn, những chiến lược đốt tiền không khoan nhượng, các doanh nghiệp phải “tĩnh tâm” xem xét lại, khách hàng cần, muốn và chuộng gì?