Cuộc đua dẫn đầu chuỗi cho vay cầm cố

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết,gần 50% số người trưởng thành tại Việt Nam chưa sở hữu tài khoản ngân hàng. Tập khách hàng này tạo ra sức hút lớn đối với thị trường cho vay cầm cố tài sản, vốn không cần thông qua một bên trung gian cho vay.

Trung tuần tháng 9, F88 thông báo thành lập cửa hàng giao dịch thứ 100, thành chuỗi cho vay cầm cố tài sản phát triển nhanh và có quy mô lớn nhất thị trường tính đến thời điểm hiện tại. Đây cũng là chuỗi cầm đồ được Mekong Capital và quỹ ngoại Granite Oak rót vốn đầu tư.

Cuộc đua dẫn đầu chuỗi cho vay cầm cố - Ảnh 1.

F88 quảng bá mạnh cho dịch vụ cầm cố xe hơi, xe máy. (Ảnh: Tuyết Ân).

Hơn 50% cửa hàng của chuỗi này đặt tại TP HCM, còn lại phân bổ ở các tỉnh thành trọng yếu phía Bắc. 

Ông Phùng Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO F88, cho biết sẽ mở thêm 30 chi nhánh mới trong năm 2019 này trong mục tiêu đạt chuỗi 300 cửa hàng vào năm 2020. "Đồng Nai, Bình Dương ở miền Nam cùng với Thanh Hoá, Hải Phòng, Nghệ An ở miền Bắc sẽ là những điểm đến tiếp theo của chúng tôi trong những tháng cuối năm nay", ông Tuấn chia sẻ với báo chí.

Cho đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng ước có đến hàng chục ngàn cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ trên khắp cả nước. F88 không phải tay chơi duy nhất nhìn thấy tiềm năng của thị trường này. 

Ở miền Nam, đặc biệt là TP HCM và Bình Dương, Vietmoney, Camdonhanh.vn hay Người Bạn Vàng cũng là những mô hình tương tự đang tìm cách chiếm lĩnh thị phần, dù số cửa hàng còn khiêm tốn hơn nhưng đang đầu tư chuỗi nhanh hơn.

Vốn đi từ mô hình trực truyến, hiện Vietmoney đã tiến đến mở chuỗi giao dịch trực tiếp với hơn 10 cửa hàng tại TP HCM và Bình Dương. Cuối năm 2018, công ty này nhận đầu tư từ Indochine Investment để mở rộng. Điểm khác biệt của Vietmoney là phát triển bằng hình thức nhượng quyền với tham vọng phủ khắp 63 tỉnh thành.

Người Bạn Vàng là một cái tên mới nhưng đáng chú ý trong cuộc đua giành thị phần cho vay cầm cố với chuỗi 15 cửa hàng ở TP HCM và Bình Dương sau khoảng một năm hoạt động, theo kế hoạch công bố nhân rộng lên 200 cửa hàng trong năm 2019 này. Doanh nghiệp này với sự hậu thuẫn chiến lược của Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tập trung vào nhóm khách hàng cầm cố trang sức. 

Các cửa thuộc chuỗi này chủ yếu nằm trong các trung tâm kim hoàn PNJ.

Đối với các danh mục tài sản cầm cố, cả Người Bạn Vàng và Vietmoney chấp nhận các loại tài sản như vàng miếng, đồng hồ, đồ điện tử, thiết bị văn phòng... Tuy nhiên, Người Bạn Vàng tỏ rõ thế mạnh cầm cố các loại trang sức quý, và đây là đơn vị duy nhất trên thị trường chấp nhận cầm cố cả kim cương làm tài sản vay (nhưng chỉ tiếp nhận trang sức vàng trắng nếu đó là sản phẩm PNJ).

F88 cung cấp sản phẩm phổ rộng, cho vay cầm cố hầu hết các loại tài sản, từ laptop, máy tính bảng, điện thoại di động, máy ảnh tới cà vẹt xe máy, ô tô... có giá trị khoản vay từ 500.000 lên tới vài chục triệu đồng, với hợp đồng có thời hạn đến 12 tháng.

Nhân viên của một cửa hàng Người Bạn Vàng tại khu chợ An Đông cho biết trung bình một ngày cửa hàng xử lí gần 20 giao dịch, chủ yếu gia hạn hợp đồng, cầm cố tài sản hoặc chuộc lại tài sản. Khách hàng tới đây đa số cầm cố trang sức, vàng miếng hoặc kim cương, số ít có nhu cầu cầm laptop hay các thiết bị điện tử. 

Các khoản vay dao động khá lớn, từ vài trăm ngàn đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng đối với kim cương.

Cuộc đua dẫn đầu chuỗi cho vay cầm cố - Ảnh 2.

Người Bạn Vàng đặt trong một chi nhánh của PNJ. (Ảnh: Linh Chi).

Ghi nhận của phóng viên Forbes Việt Nam khi giao dịch cửa hàng F88 và Người Bạn Vàng ở TP HCM là khá đơn giản, từ thẩm định và báo giá trị món hàng, làm hợp đồng đến niêm phong tài sản và giải ngân trong vòng khoảng 20-30 phút. Một chiếc xe máy Vision đã qua hai năm sử dụng đưa đi cầm cố được cho vay bằng 60% giá trị, tương đương với khoản vay lên đến 14 triệu đồng.

Mỗi khoản vay F88 cung cấp các gói bảo hiểm đi kèm. Cụ thể với vay cầm cố bằng cà vẹt xe máy, chi phí cho hai loại bảo hiểm về tài sản (xe máy) và người sử dụng tài sản (khách hàng) là 4,912% tính trên tổng khoản vay.

Nhìn chung, nếu so sánh với các hình thức cho vay tiêu dùng khác, lãi suất tại các cửa hàng cầm cố khá cao so với mặt bằng chung khi vay từ ngân hàng. Mức lãi vay cầm cố trung bình ở F88 là 1,1%/tháng; ở Người Bạn Vàng là 3%/tháng. Tuy nhiên có nhiều mức áp theo các khoản vay khác nhau, chẳng hạn lãi suất thực tế phải trả khi cầm xe máy ở F88 bao gồm các khoản được niêm yết chi tiết trên hợp đồng có thể xấp xỉ 5%/tháng.

Xuất phát điểm là một trang web cầm đồ trực tuyến, Vietmoney đưa ra quy trình cung cấp thông tin và định giá tài sản trên website, sau khi duyệt hồ sơ, nhân viên đến nhà niêm phong tài sản, ký hợp đồng và giao tiền.

Bên cạnh dịch vụ cốt lõi cho vay cầm cố tài sản, khách hàng có thể nạp tiền vào ví điện tử, thanh toán các loại hoá đơn tiện ích thông qua các cổng thanh toán đối tác đặt tại các chuỗi cửa hàng cầm cố. Chẳng hạn tại cửa hàng Vietmoney việc thanh toán hóa đơn tiện ích cho các hộ dân thông qua đối tác ViettelPay.

Với phương thức cho vay như trên, các chuỗi cửa hàng cầm cố hướng tới tập khách hàng không tiếp cận được hoặc không muốn tiếp cận ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng, nhu cầu cần món tiền nhỏ, khẩn hoặc tần suất không thường xuyên...

Ưu điểm giải ngân nhanh và thủ tục đơn giản đi kèm với những rủi ro cho cả hai bên, đặc biệt với khách hàng không tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin. Đối với bên cung cấp dịch vụ, lo ngại rủi ro khách không chuộc lại tài sản buộc phải thanh lí món hàng. Trong khi với khách vay, nếu không cẩn thận tìm hiểu, phải thanh toán thêm nhiều loại chi phí ngoài lãi vay và phí quản lý tài sản mà không tính toán được.

Trả lời cho câu hỏi về quản trị rủi ro khi cho vay, đại diện F88 khẳng định mô hình của F88 là cầm cố tài sản, không cho vay tín chấp, hợp đồng đi theo bao gồm thông tin tài sản. "Khoản vay nhỏ nên rủi ro được đa dạng hóa và không bị tập trung. Hàng thanh lý món nhỏ và tính thanh khoản cao, có thể xử lí trong vòng 30 ngày," theo đại diện F88.

Cuộc đua dẫn đầu chuỗi cho vay cầm cố - Ảnh 3.

Tăng trưởng của các dịch vụ tài chính bao gồm ngân hàng, các công ty tài chính và toàn thị trường trong vòng 4 năm. (Nguồn: Fiin Group).

Theo báo cáo thị trường tài chính tiêu dùng do Fiin Group thực hiện, sau giai đoạn phát triển vượt bậc 2013-2017, mức độ tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng đã chững lại. So với mức tăng trưởng 59% hàng năm của 5 năm trước, năm 2018 đã hạ nhiệt, nhưng vẫn tăng trưởng cao với 30,4%.

Tăng trưởng của các công ty tài chính (Fincos) cũng không duy trì tốc độ mạnh như trước, giảm từ 38% năm 2017 xuống còn 15% năm 2018, theo Fiin Group. Fiin Group cho rằng các sản phẩm cho vay tiêu dùng gần như đã bão hòa đồng thời nhu cầu vay khoản lớn (mua bất động sản) lại đang gia tăng.

Công ty này cũng chỉ ra, tỉ lệ tăng trưởng của các dịch vụ cho vay cầm cố, đặc biệt là các phương tiện đi lại (tăng trưởng 62% hàng năm, tính đến 2018) hoặc vay thông qua thẻ tín dụng (73%/năm tính đến 2018), đang tích cực hơn so với các loại hình cho vay truyền thống khác.

Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, với quy mô gần 100 triệu dân nhưng hơn một nửa dân số hiện chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua ngân hàng. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, ước quy mô thị trường tài chính tiêu dùng chiếm khoảng 23,7% quy mô GDP năm 2018, tăng từ tỉ trọng 8,46% của năm 2014.


chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.