Sửa điện thoại, đi ship hàng, xuống tận địa đầu Móng Cái nhập hàng về bán, hay trước đó đi miền Tây, lên Mường Nhé, ra các đảo lớn nhỏ như Tuần Châu, Quan Lạn (thuộc Quảng Ninh) thời còn đi diễn xiếc..., nơi đâu trên dải đất hình chữ S hầu như cũng có dấu chân của chàng lùn Nguyễn Văn Thu, người đàn ông chỉ cao bằng đứa trẻ lên một, còn cân nặng chỉ dao động từ 25 đến 28 kg bao năm nay.
Ông bố không có sức bế nổi con gần 2 tuổi. Việc duy nhất anh làm được là trông con, hoặc vợ bế con lên xe, rồi anh chở đi dạo. Ảnh: Phan Dương. |
Tới xã Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) hỏi nhà anh Thu, hầu như người nào cũng biết, nhiệt tình chỉ dẫn: "Chú lùn ảo thuật chứ gì. Cậu ấy xây nhà to lắm. Ngôi nhà 3 tầng chưa quét sơn ấy". Len lỏi vào một con ngõ sâu, ngôi nhà của anh Thu hiện ra, bề thế đến mức ngỡ như bước nhầm vào nhà một vị đại gia nào.
Chủ nhân nhỏ bé nghểnh cổ nhìn qua cửa sổ. "Tôi cũng xem mình là đại gia. Tôi sinh ra không lành lặn nhưng cũng có một gia đình trọn vẹn, một vợ, hai con như bao người khác. Giờ đây tôi tự hào lắm", anh tâm sự, đôi mắt ngời hạnh phúc nhìn sang người vợ trẻ đang cho con trai 2 tháng tuổi bú. Trong lòng anh, một bé gái bụ bẫm dụi bím tóc vào mặt bố. Với anh, có được gia đình trọn vẹn này còn hơn cả "trúng số".
Chịu di chứng chất độc da cam, anh Thu sinh ra đã khiếm khuyết cơ thể, chân tay còng queo, đầu to hơn người, có lớn mà không cao. Bố mẹ nghèo, suốt ngày phơi mặt ngoài đồng để nuôi các con, chẳng có thời gian nào đưa đón Thu đến trường. Cậu bé "sọ dừa" ấy phải nghỉ học từ khi lên cấp hai. Suốt ngày quanh quẩn xó nhà, nghĩ đến viễn cảnh xa hơn muốn có đồng tiền để tiêu mà không được, Nguyễn Văn Thu quyết tâm trốn nhà ra đi. Năm đó anh mới chừng 16 tuổi.
Lần đầu tiên một mình đi ra khỏi huyện nhưng Thu chẳng sợ gì mà mua ngay một vé tàu Nam tiến. Những ngày đầu vào Sài Gòn, anh chơi công viên, ngủ ghế đá, ai cho gì thì ăn. Có lần mua đồ nghề đánh giày thì bị những đứa trẻ đường phố bắt nạt lấy sạch. Vào đó được chục ngày, Thu hết nhẵn 250.000 đồng tiền hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam mang theo. May thay đúng lúc đó, anh được một đoàn xiếc nhận vào dạy nghề.
"Tôi học rất nhiều môn nhưng có năng khiếu với môn ảo thuật và xiếc", anh cho hay. Sau ba năm bôn ba ở đây, Thu nhớ nhà quá nên quyết định về quê. Lúc này, ở tuổi 19, anh đã có một sổ tiết kiệm hơn 100 triệu giắt lưng.
Ngày anh trở về, cả gia đình vui quá đỗi. Thấy con rắn rỏi lên trông thấy, vợ chồng ông Thi vui lắm, song thương con nên họ khuyên không đi làm nữa. Anh Thu cũng nghe theo, suốt vài tháng liền chỉ quanh quẩn bốn bức tường và trông trẻ hộ.
Một ngày đầu tháng 8/2004, đoàn xiếc trung ương về đây diễn. Bị ánh đèn sân khấu thu hút, anh đã xin được đi theo. Kể từ đó, cái tên chú lùn Minh Thu cũng dần được nhiều người biết đến với các tác phẩm như nuốt lưỡi dao lam, ấp trứng nở thành gà, thổi lửa nuốt lửa…
Cách đây 3 năm, anh Thu được một nhà hảo tâm tài trợ một khoá học sửa chữa đồ điện tử. Kể từ đó, "chú lùn ảo thuật" bỏ nghề để làm một công việc ổn định hơn. Mùa thu năm ngoái, anh chính thức trở thành ông chủ cửa hàng buôn bán và sửa chữa đồ điện tử tại thị trấn Yên Viên (Hà Nội).
Nghị lực vươn lên của anh đã chinh phục được trái tim cô thiếu nữ xinh đẹp tên Ngọc Mai, kém anh tới 9 tuổi. Chị Mai tuy không thể nghe, nói, nhưng có nước da rất trắng và khuôn mặt ưa nhìn. Bao lần cô thiếu nữ thướt tha đi bên chàng lùn, chân tay queo quắp đã bị ví như "Sọ dừa" và "Bạch tuyết".
Thậm chí, khi chị Mai dẫn anh Thu về quê mình ở Hoài Đức (Hà Nội) ra mắt, gia đình chị từng nói: "Đũa mốc mà đòi mâm son", rồi kịch liệt phản đối, bắt chị Mai bỏ đàn hát ở gánh xiếc về nhà, hòng chia tách đôi trẻ.
Gia đình anh Thu cũng không khá hơn. Lúc anh xin được cưới chị, bố mẹ nói: "Hai đứa đều là khuyết tật thì nuôi nhau sao được. Bố mẹ nay sống, mai chết, lúc đó thì ai nuôi hai đứa".
Chú lùn chinh phục được "nàng Bạch tuyết" bởi tài khéo ăn nói, diễn xiếc hay, chăm chỉ làm lụng. Ảnh: NVCC. |
Tình yêu dẫn lối, họ đã bắt sóng để đồng cảm, yêu thương nhau thì cũng cùng nhau thuyết phục được gia đình. Cuối năm 2009, đám cưới nhỏ mà vui được tổ chức. Nhiều đồng nghiệp ở đoàn xiếc cũng tới chung vui.
Chia sẻ về vợ, anh Thu nói, ngày anh vào đoàn xiếc nhân đạo năm 2007 thì chị Mai đã ở đó. Chị đẹp nên thường có nhiều chàng trai trong đoàn để ý. Có lẽ nhờ sự quan tâm nhỏ của anh, hoặc cũng có thể do tài ăn nói, dần dần chị đáp lại bằng việc chuẩn bị giúp anh trang phục khi đi diễn. "Để hiểu được cô ấy, tôi đăng ký đi học một khóa ngôn ngữ ký hiệu", anh Thu kể. Sau đó, anh còn xin đổi lịch để được làm chung giờ với người yêu.
Đến sinh nhật chị vào năm thứ hai yêu nhau, Thu mang đến cho bạn gái một bất ngờ. Bữa đó họ đi diễn ở Mai Châu (Hòa Bình), Thu tặng Mai một chiếc hộp, khi mở ra chị đã ngạc nhiên lắm vì đó là một chiếc nhẫn. "Tôi hỏi cô ấy đồng ý làm vợ không và cô ấy gật đầu", anh cười kể.
Sau khi cưới một năm thì họ có con đầu lòng. Nhưng đến năm 2014 thì bé qua đời vì căn bệnh hen ác tính. "Đó là quãng thời gian khó khăn nhất trong đời tôi. Con bệnh, ốm, mất. Tôi thì nghỉ việc xiếc để theo học ngành điện tử. Vợ tôi đau buồn, chỉ một mình ở nhà thui thủi", giọng anh trầm hẳn xuống.
Như cây cỏ vẫn gượng dậy sau bão táp, hai vợ chồng quyết định sinh thêm con để vui cửa, vui nhà. Tháng 8/2016 họ sinh được bé một gái và cách đây 2 tháng, lại đón tiếp một bé trai.
Cửa hàng đang trên đà phát triển, dù rất bận, nhiều thứ bất tiện vì cơ thể và sức lực không cho phép, song anh Thu không để vợ ra làm do chị không nghe nói được. Tuy thế, chị Mai cũng có thu nhập ổn định từ nghề may, học được từ lúc lấy chồng.
Anh Thu mãn nguyện đã có một gia đình đầm ấm, không phải sống cô đơn, côi cút. Ảnh: NVCC. |
Năm ngoái, anh Thu nói kế hoạch xây nhà 3 tầng với bố mẹ. Vợ chồng ông Thi suýt ngả ngửa: "Con ơi, con lấy tiền đâu mà xây nhà to vậy?". Họ lo con mang nợ vào người. Song, anh Thu tự tin nói: "Bố mẹ không phải lo. Bố mẹ chỉ cần sống khoẻ trông nhà, trông cháu là con yên tâm kiếm tiền".
Ngôi nhà bề thế lên một tầng, hai tầng rồi cao nữa, trong sự ngỡ ngàng của bao người hàng xóm. Một bà cụ sát nhà anh Thu cho biết: "Nó nhỏ người vậy mà nó giỏi. Cái chí của nó thì không ai bì được".
Bữa nay bố mẹ đi đám, anh Thu đóng quán, trở về nhà sớm giúp vợ trông hai con. Cuối giờ chiều, anh cẩn thận dắt con gái nhỏ từng bậc, từng bậc, chắc chắn xuống cầu thang. Cũng rất khó khăn anh mới nhấc được con lên chiếc xe máy ba bánh của mình, rồi chở bé đi ăn cháo...
Mọi việc với chàng lùn đều khó khăn như vậy, nhưng từng bước trở nên êm đẹp trong sự nỗ lực của anh.