Cưỡng chế thuế Uber gặp khó

Cục Thuế TP.HCM vẫn đang chờ Tổng cục Thuế rà soát và hướng dẫn để thực hiện cưỡng chế thuế của Uber.
cuong che thue uber gap kho
Ảnh: Ngọc Thắng

Ngày 5.2, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết Cục Thuế vẫn đang chờ Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể để tiếp tục xử lý thuế tại Công ty Uber B.V (Hà Lan).

Sau khi Cục Thuế TP.HCM ra quyết định truy thu thuế và phạt đối với Công ty Uber B.V 66,68 tỉ đồng. Công ty đã thực hiện nộp 13,3 tỉ đồng và số thuế còn lại phía công ty không chấp nhận nộp nên đã kiện cơ quan thuế ra tòa án nhân dân TP.HCM.

Ngày 4.1, tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện với lý do đơn kiện do ông Chu Xuân Bình (đại diện pháp luật của Công ty TNHH Uber VN) gửi không hợp lệ. Theo giấy ủy quyền được chứng thực ngày 7.11.2016 và hợp thức hóa lãnh sự ngày 9.11.2016, thì không có nội dung Uber B.V ủy quyền cho Công ty TNHH Uber VN đại diện khởi kiện và tham gia tố tụng tại tòa án.

Sau đó, Cục Thuế TP.HCM tiếp tục thực hiện quyết định cưỡng chế thuế gửi đến các ngân hàng đề nghị khấu trừ toàn bộ số tiền khách hàng có tài khoản ngân hàng tại VN chuyển vào tài khoản của Công ty Uber để thực hiện cưỡng chế thuế.

Ông Nguyễn Nam Bình cho biết do phía Công ty Uber B.V không mở tài khoản tại các ngân hàng VN nên cũng gặp lúng túng trong xử lý cưỡng chế thuế đối với Uber. Cục Thuế TP.HCM hiện đang chờ Tổng cục Thuế rà soát và hướng dẫn để thực hiện.

Các cá nhân kinh doanh hợp tác với Uber, Grab hiện nay chịu thuế 4,5% trên doanh thu được hưởng (khoảng 80% tổng doanh thu), trong đó thuế giá trị gia tăng là 3%, thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.

Uber nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp 5% trên phần doanh thu được hưởng (khoảng 20%), trong đó thuế giá trị gia tăng 3% và thuế thu nhập doanh nghiệp 2%. Còn các doanh nghiệp vận tải truyền thống hiện đang nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai.

Trước việc cưỡng chế thuế Uber gặp nhiều lúng túng, luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC, cho rằng Uber B.V có phát sinh thu nhập tại VN thì phải đóng thuế. Trích tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp là một trong những biện pháp cưỡng chế của cơ quan thuế. Trong trường hợp này, tài khoản Uber B.V ở nước ngoài thì vụ việc có thể kiện ra tòa án để xử lý.

Có 2 yếu tố để có thể khởi kiện tại tòa án VN đó là các hợp đồng mà tài xế Uber và người tiêu dùng thực hiện trên lãnh thổ VN; yếu tố nữa là Uber có công ty đại diện tại VN. Luật sư Nguyễn Duy Hùng cho biết: “Trong quá trình khởi kiện, tòa án có thể dùng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng các hoạt động Uber tại VN để tránh phát sinh những vấn đề về thuế có thể xảy ra”.

Theo luật sư Nguyễn Duy Hùng, Uber hay Grab đều là taxi công nghệ, vậy tại sao Grab quản lý được và thực hiện nghĩa vụ thuế mà Uber lại không. Điều này sẽ tạo sự không công bằng trong môi trường cạnh tranh taxi, đó là chưa kể với các hãng taxi truyền thống. Uber có thể lựa chọn hình thức quản lý giống Grab đang thực hiện, các tài xế taxi có thể là thành viên của hợp tác xã taxi.

Vinasun kiện Grab

Theo kế hoạch, sáng nay (6.2), TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương VN - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi VN (gọi tắt là Grab).

Theo đơn, Vinasun kiện, đòi phía Grab bồi thường đối với khoản lợi nhuận mà Vinasun bị sụt giảm hơn 40 tỉ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Lý do đòi bồi thường số tiền trên, Vinasun cho rằng khoản lợi nhuận bị sụt giảm này là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật ở VN của Grab gây ra.

Trong đơn khởi kiện, Vinasun nêu suốt thời gian qua, Grab đã có những phương thức cạnh tranh trong kinh doanh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá… gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống như Vinasun.

Về cơ sở pháp lý chính cho nội dung khởi kiện, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc điều hành Taxi Vinasun, cho biết phía Vinasun dựa trên quy định của Nghị định 37/2006/NĐ-CP. Chẳng hạn như, trường hợp cạnh tranh thông qua hình thức phá giá, nghị định này có quy định rõ về việc khuyến mãi không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày.

Tuy nhiên, theo ông Hỷ, Grab liên tục khuyến mãi, sáng có, trưa có, chiều cũng có khuyến mãi là không đúng. Ngoài ra, theo đơn khởi kiện, phía Vinasun cũng đưa ra một số vấn đề và cho rằng Grab đã vi phạm pháp luật VN.

Đánh giá về vụ kiện, nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng cho hay việc thắng thua của vụ án phụ thuộc vào các chứng cứ, pháp lý các bên cung cấp tại tòa. “Song, tôi hoàn toàn ủng hộ các doanh nghiệp VN khởi kiện nếu thấy quyền lợi của mình bị vi phạm, đây là một cách hành xử văn minh trong kinh doanh”, ông Hùng nói.

Phan Thương

cuong che thue uber gap kho Ngày mai (6/2) xét xử vụ taxi Vinasun kiện Grab

Theo lịch dự kiến của TAND TPHCM, ngày mai (6.2) sẽ mở phiên tòa dân sự, xét xử vụ kiện giữa hãng taxi Vinasun với ...

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.