Sau gần 1 năm ký kết Biên bản ghi nhớ triển khai, được sự phối hợp tích cực của các sở ngành thành phố Đà Nẵng, đoàn tư vấn JICA đã hoàn thành dự thảo Báo cáo cuối kỳ dự án. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố xem xét, triển khai các bước tiếp theo của dự án.
Trong báo cáo của JICA, các chuyên gia tư vấn đã xây dựng, xác định quy hoạch khu đô thị xung quanh cảng Liên Chiểu, phương án kết nối giao thông, phương án xác định vị trí các bến cảng phù hợp; tính khả thi dự án PPP; mô hình quản lý khai thác hiệu quả cảng Liên Chiểu và phương án đầu tư phù hợp, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và khu vực tư nhân.
Cụ thể, báo cáo đã nêu những lý do cấp thiết để sớm xây dựng cảng Liên Chiểu. Theo nghiên cứu, lượng hàng hóa tại cảng Tiên Sa đang gia tăng trung bình 13%/năm đối với tổng sản lượng và 20%/năm đối với hàng hóa container trong 10 năm gần đây và sẽ đạt tối đa công suất của cảng trong vòng vài năm tới.
Theo kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn, tổng sản lượng sẽ đạt 20 triệu tấn vào năm 2030 và 33 triệu tấn vào năm 2040.
Trong đó, hàng hóa khu vực và trung chuyển miền Trung tăng cao nhất. Về phương án phát triển cảng Liên Chiểu, đơn vị tư vấn đã đưa ra 2 trường hợp có thể di dời chức năng cảng hàng hóa từ Tiên Sa lên Liên Chiểu: trường hợp 1 sẽ bắt đầu di dời từ năm 2031; trường hợp 2 sẽ bắt đầu di dời từ năm 2041.
Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn cũng kiến nghị thành phố Đà Nẵng nên nghiên cứu năng lực vận chuyển bao gồm hiện trạng cải tạo đường bộ, cần thống nhất về giai đoạn chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa đến cảng Liên Chiểu, nghiên cứu chuẩn bị di dời chức năng cảng Tiên Sa...
Đồng thời, đơn vị tư vấn cũng cho rằng Đà Nẵng cần tiến hành một số nghiên cứu bổ sung đối với phương án bố trí cho đê chắn sóng, cát thải và đất bồi lắng ở cửa sông để có được phương án bố trí cảng tối ưu; cần chốt quy hoạch mạng lưới đường sắt mới và quy hoạch ga hàng hóa mới để nghiên cứu cụ thể hơn mạng lưới đường sắt đến cảng Liên Chiểu.
Đối với phương án phát triển theo hình thức liên kết công tư (PPP), đơn vị tư vấn kiến nghị khu vực công gồm các công trình đê chắn sóng, kè, tôn tạo, cải tạo đất, nạo vét luồng, cấp điện, cấp nước và đường kết nối. Đối với khu vực tư nhân, các doanh nghiệp sẽ tiến hành đầu tư bến, mặt bãi, thiết bị xếp dỡ hàng hóa và các công trình tòa nhà.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh các bến cảng bảo đảm công khai, minh bạch tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các quy định liên quan.
Do đó, công tác chuẩn bị kêu gọi nhà đầu tư cho dự án cảng Liên Chiểu cũng là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, cần thực hiện song song với hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung. Vì vậy, sự tham gia và hỗ trợ của JICA đến thời điểm này là thật sự cần thiết, tạo tiền đề cho sự phát triển của cảng Liên Chiểu.
Sau khi ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA cho biết: Cảng Liên Chiểu cần được đưa vào khai thác càng sớm càng tốt. Đối với những đề xuất của thành phố Đà Nẵng, nhóm tư vấn sẽ ghi nhận để tiếp tục làm việc và hoàn thiện dự án trong thời gian tới. Trong đó, việc kết nối giữa Đà Nẵng, Việt Nam với các nước lân cận là rất quan trọng.
"Tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ của chính quyền thành phố trong thời gian tới", ông Shimizu Akira nhấn mạnh.
Dự án Bến cảng Liên chiểu (hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25/3/2021.
Theo đó, mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung bến cảng Liên Chiểu tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Dự án có tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 3.400 tỷ đồng, được triển khai trong giai đoạn 2021-2025.