Đà Nẵng không còn Hội đồng nhân dân từ cấp quận trở xuống nếu thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Phương án xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng là mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã).

Ngày 6/9, UBND TP Đà Nẵng cho biết, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng đã họp để khẩn trương xây dựng Đề án trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.

Theo đó, phương án được đề xuất để xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng là mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã). 

Anh

Một góc đô thị Đà Nẵng hiện nay. (Ảnh: Văn Luận).

Trong đó, tổ chức chính quyền cấp thành phố gồm có HĐND, UBND như hiện nay; các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố sẽ căn cứ qui định khung theo Nghị định của Chính phủ, đồng thời, trong quá trình nghiên cứu sẽ đề xuất bổ sung một số cơ quan phù hợp tình hình thực tế và yêu cầu quản lí nhà nước ở đô thị. Tại quận, huyện và phường, xã, đề xuất không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Lộ trình triển khải thực hiện dự kiến như sau: Tổ chức các hội thảo khoa học phục vụ nghiên cứu, xây dựng đề án vào tháng 9 hoặc 10/2019; tổ chức lấy ý kiến chính thức của các Bộ, ngành Trung ương tháng 11/2019; báo cáo dự thảo với Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, HĐND thành phố tháng 12/2019. 

Sau khi hoàn thiện sẽ báo cáo Chính phủ vào tháng 1/2020; báo cáo Đảng đoàn Quốc hội tháng 1/2020 và Bộ Chính trị tháng 2/2020. Sau khi được sự chấp thuận của Bộ Chính trị, sẽ hoàn thiện đề án báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì để chuẩn bị những văn bản cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm vào kì họp Quốc hội tháng 5/2020.

Ông Trương Quang Nghĩa, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng đề nghị, trong thời gian đến, tất cả các cơ quan Đảng, các sở, ngành, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND, Văn phòng Thành ủy tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ đề ra, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan trong quá trình xây dựng đề án.

bi-thu-truong-quang-nghia-15670758280321306359935

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung Ương về Nghị quyết số 43-NQ/TW. (Ảnh: UBND TP Đà Nẵng).

Trước đó, ông Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung Ương về Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Theo ông Nghĩa, hiện nay, Đà Nẵng đang khẩn trương điều chỉnh qui hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay cần được tháo gỡ để Đà Nẵng có thể phát triển bứt phá trong tương lai nằm ở vấn đề cơ chế, chính sách.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng mong muốn được triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, địa phương được phép xây dựng một số chính sách riêng đặc thù, được quyền quyết định một số vấn đề có tính chất chiến lược để thu hút nhà đầu tư vào các dự án trọng điểm, động lực. Bởi Đà Nẵng là thành phố có đầy đủ điều kiện thuận lợi để triển khai thí điểm chính quyền đô thị trên toàn thành phố.

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.