Đà Nẵng lên 'kịch bản' chống ùn tắc tại 39 nút giao thông

Sở GTVT TP Đà Nẵng đề xuất phương án phân luồng theo hướng tổ chức giao thông một chiều trên một số tuyến đường trung tâm nhằm chống ùn tắc.

Theo khảo sát của Sở GTVT TP Đà Nẵng, hiện trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố xảy ra chủ yếu vào giờ cao điểm (6h45-7h45, 11h00-12h00 và 16h30-18h30), tập trung tại 39 nút giao thông, trục giao thông chính khu vực trung tâm. 

Vị trí ùn tắc thường xuất phát từ nút giao với các trục đường có lưu lượng giao thông vào nút lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc tiếp đoạn đường trước đó.

Ham chui cau tran thi li da nang

Hiện trạng khu vực đường 2/9 ùn tắc giao thông vào sáng sớm, chiều tối. Nơi đây đã được phê duyệt quy hoạch xây hầm chui, 4 làn xe. (Ảnh: Văn Luận).

Một số nguyên nhân gây ùn tắc giao thông Đà Nẵng hiện nay như: hiện trạng hạ tầng giao thông khu vực trung tâm nhỏ hẹp, tỉ lệ đất giao thông thấp, khó khăn trong việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng; nhiều khu vực được quy hoạch xây dựng cao tầng, tập trung nhiều trung tâm thương mại, nhiều khu vực phân lô, tạo nên nhiều nút giao thông với mật độ lớn và khoảng cách gần...

Sở GTVT TP Đà Nẵng đề xuất phương án phân luồng theo hướng tổ chức giao thông một chiều trên một số tuyến đường, nhằm phân bổ lại hợp lí lưu lượng giao thông trên mạng lưới, giảm lưu lượng tập trung vào một số tuyến chính, giảm xung đột tại các nút giao, tăng khả năng thông hành, tối ưu hóa năng lực cơ sở hạ tầng đường hiện có.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, tổ chức giao thông 1 chiều hai trục dọc và 4 trục ngang: trục dọc Lý Thái Tổ - Hùng Vương, đoạn từ nút giao Phan Thanh đến Nguyễn Chí Thanh, hướng từ Tây sang Đông; trục dọc Hải Phòng, hướng từ Nguyễn Chí Thanh về Điện Biên Phủ; trục ngang Ông Ích Khiêm, từ Hùng Vương đi Hải Phòng; trục ngang Hoàng Hoa Thám, từ Hải Phòng đi Lý Thái Tổ; trục ngang Lê Độ, từ Điện Biên Phủ đi Nguyễn Tất Thành; trục ngang Hà Huy Tập, từ Nguyễn Tất Thành đi Điện Biên Phủ.

Giai đoạn đến năm 2022, bổ sung tổ chức giao thông một chiều xen kẽ giữa các tuyến đường ngang kết nối đường Trần Phú và đường Bạch Đằng, phạm vi từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hoàng Văn Thụ. Đồng thời, đầu tư xây mới thêm đoạn đường Hoàng Văn Thụ nối dài, kết nối từ đường Trần Phú đến đường Bạch Đằng.

Dự báo, đến năm 2020, tổng nhu cầu giao thông trên toàn TP Đà Nẵng trên 4,8 triệu chuyến đi/ngày đêm; năm 2022 khoảng gần 5,2 triệu chuyến đi/ngày đêm; năm 2025 khoảng trên 6,2 triệu chuyến đi/ngày đêm. Trong đó, khu vực quận Hải Châu có nhu cầu trên 1,4 triệu chuyến đi/ngày đêm vào năm 2020; trên 1,5 triệu chuyến đi/ngày đêm vào năm 2022; và gần 1,9 triệu chuyến đi/ngày đêm vào năm 2025.

Giai đoạn đến năm 2025, bổ sung tổ chức 1 chiều tuyến đường Hoàng Diệu (từ Trưng Nữ Vương về Nguyễn Văn Linh), tuyến đường Nguyễn Hoàng theo hướng Ông ích Khiêm về Lê Đình Lý. Đồng thời, mở rộng kiệt K338 thành tuyến đường ngang kết nối giữa đường Hoàng Diệu và Nguyễn Hoàng. Giai đoạn sau năm 2025, đề xuất bổ sung thêm công trình cầu vượt sông Hàn và hầm qua sân bay.

Trước đề xuất trên, theo Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đã thống nhất về mặt chủ trương thông qua phương án phân luồng giao thông khu vực trung tâm. 

Do việc phân luồng này sẽ làm tăng chiều dài chạy xe và ảnh hưởng trực tiếp đến tính tiếp cận của các hộ dân sinh sống, buôn bán dọc theo các tuyến đường nên giao Sở GTVT đánh giá các tác động kèm theo và tuyên truyền để có được sự ủng hộ của người dân.

Dap xe cong cong Da Nang

Đà Nẵng đang xúc tiến thí điểm dự án đạo xe công cộng để giảm ùn tắc giao thông trong thời gian tới. (Ảnh: Văn Luận).

Đà Nẵng thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng giảm ùn tắc giao thông

Theo dự báo, giai đoạn 2016-2020 tại TP Đà Nẵng vấn đề ùn tắc giao thông sẽ xuất hiện và sau năm 2020 sẽ gia tăng nhanh chóng.

Để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí phát thải và giảm lượng tiêu thụ xăng dầu cho toàn thành phố. Sở GTVT đang xúc tiến nghiên cứu dự án "Thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm thành phố" nhằm cung cấp một loại hình giao thông giá rẻ và thuận tiện, tăng tính kết nối, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận xe buýt được thuận lợi hơn.

Sau khi khảo sát mô hình xe đạp từ các nước phát triển và tham vấn nhiều đơn vị và thực trạng của thành phố, Sở GTVT chọn quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà để áp dụng thí điểm hệ thống xe đạp công cộng. Ưu tiên vị trí các điểm đặt xe đạp trên các tuyến đường trọng điểm, gần trạm chờ xe buýt để kết nối về với hệ thống vận tải công cộng, kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn thành phố và khu vực đông dân cư.

Các trục đường ưu tiên đặt điểm đặt xe đạp và xây dựng hạ tầng, làn đường dành riêng cho xe đạp gồm: Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại.

Tại giai đoạn đầu, tùy thuộc vào nhu cầu dự kiến sẽ đầu tư khoảng 30 đến 40 điểm đặt xe đạp, mỗi điểm đặt 5 đến 10.

Hiện việc thí điểm dự án đạo xe công cộng đang được Sở GTVT TP Đà Nẵng xúc tiến nghiên cứu.

Đà Nẵng xây hầm chui, 4 làn xe 520 tỉ đồng

Đầu tháng 5/2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ kí quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, có xây hầm chui dài 14,5m với 4 làn xe.

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch, nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý thuộc địa bàn hai phường Hòa Cường Bắc và Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu với ranh giới nghiên cứu quy hoạch gồm phía bắc giáp đường Bình Minh 6, phía nam giáp Quảng trường 29 Tháng 3, phía đông giáp sông Hàn, phía tây giáp cơ quan quân đội và dân cư hiện trạng. Quy mô tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch là 131.521m2.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng đã kí tờ trình lên HĐND TP để quyết định thông qua việc thu hồi đất triển khai dự án nút giao thông trên trong kì họp HĐND ngày 9-10-11/7 tới.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.