Đà Nẵng 'sờ gáy' đến đâu, sai phạm xây dựng đến đó

Hàng loạt công trình xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng bị kiểm tra, phát hiện không phép, xây dựng vượt giấy phép được cấp.

Thanh tra, kiểm tra xây dựng tới đâu, sai phạm tới đó

Theo báo cáo của Sở TN&MT Đà Nẵng vào ngày 12/5 đến UBND TP Đà Nẵng, đơn vị phát hiện 4 khách sạn tại quận Ngũ Hành Sơn, xây dựng số phòng lưu trú tăng thêm so với hồ sơ đánh giá tác động môi trường.

Cụ thể khách sạn Golden Star, xây dựng tăng từ 49 phòng lưu trú lên 60 phòng; Aria Grand Hotel, xây tăng từ 40 lên 73 phòng; khách sạn Aria, tăng từ 48 lên 69 phòng; khách sạn Queen's Finger Hotel; tăng từ 49 lên 54 phòng.

Đà Nẵng sờ gáy đến đâu, sai phạm xây dựng đến đó - Ảnh 1.

Nhiều khách sạn ven biển ở Đà Nẵng xây dựng tăng số phòng hàng loạt. (Ảnh: Văn Luận).

Trong khi đó, tại quận Sơn Trà, đơn vị chức năng phát hiện 9 khách sạn và 7 nhà hàng không có giấy phép xây dựng. Hầu hết, các nhà hàng này được chủ đầu tư xây dựng từ giấy phép làm nhà ở, biệt thự.

Ngoài xây dựng sai phạm, nhiều khách sạn, nhà hàng ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn có hành vi xả thải vượt phép ra môi trường và các vi phạm khác liên quan lĩnh vực môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, Sở Xây dựng thành phố cũng đã rà soát các công trình nhà hàng, quán tạm kinh doanh địa bàn quận Sơn Trà.

Báo cáo cho biết, hầu hết các công trình nhà hàng, quán tạm kinh doanh chủ yếu trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà. Trong 55 công trình có giấy phép xây dựng là 38 và không phép là 17.

Đa số các nhà hàng, quán tạm đều xây dựng lấn chiếm phần diện tích khoảng lùi 4m (diện tích đậu xe) phía trước để làm trụ sắt, bạt kéo để kinh doanh, buôn bán gây mất mĩ quan đô thị. Một số công trình được chuyển đổi công năng từ nhà ở, nhà biệt thự sang nhà hàng.

Quá thời hạn và hết hạn sử dụng công trình theo giấy phép xây dựng được cấp (từ 3 đến 5 năm), và một số công trình không đáp ứng mĩ quan chung tại khu vực.

Đà Nẵng sờ gáy đến đâu, sai phạm xây dựng đến đó - Ảnh 2.

Một nhà hàng xây dựng có sai phạm đã được Sở Xây dựng điểm mặt, chỉ tên. (Ảnh: Văn Luận).

Chính quyền ra hạn tháo dỡ sai phép, tiếp tục rà soát mở rộng để xử lí

Văn phòng UBND TP Đà Nẵng ngày 11/6, cho biết, ngày 31/5 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành văn bản số 3582/UBND-ĐTĐT chỉ đạo rà soát công trình nhà hàng, quán tạm trên địa bàn thành phố.

Theo đó, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở TN&MT và các đơn vị liên quan tiến hành liệt kê đầy đủ các công trình nhà hàng, quán tạm và các công trình khác xây dựng tạm khác phục vụ hoạt động kinh doanh. 

Trong đó thực hiện phân loại theo các tiêu chí: xây dựng có phép, không phép, thời hạn sử dụng tạm, mục đích sử dụng đất, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường nước, tiếng ồn, mùi hôi.., khu vực, vị trí có nguy cơ cao về mất an ninh trật tự. 

Trước mắt, tập trung rà soát tại khu vực quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, các tuyến đường ven sông, ven biển; đề xuất hướng xử lú cụ thể cho từng điểm, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Sở Xây dựng tiến hành chấm dứt hoạt động các công trình xây dựng cấp phép tạm làm nhà hàng ăn uống đã hết thời hạn cấp phép cũng như các cơ sở ăn uống xây dựng không phép, gây ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả xử lí cho UBND thành phố trong tháng 6/2019.

UBND TP Đà Nẵng cũng giao UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện việc xử lí nghiêm các điểm, khu vực trên địa bàn quản lí.

Đồng thời, thống kê chi tiết các địa điểm xây dựng tạm phục vụ kinh doanh trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khu vực có tập trung đông người, có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến môi trường và phát sinh các tệ nạn xã hội khác.

Về vấn đề nhiều khách sạn xây dựng tăng số phòng, Sở TN&MT Đà Nẵng đã đề nghị UBND thành phố có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn xem xét, xử lí vi phạm theo thẩm quyền, thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2019.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.