Sáng 8/12, tiếp tục Kỳ họp thứ 3, khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại hội trường về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022.
Theo đại biểu Đàm Văn Huân (tổ đại biểu huyện Gia Lâm), thực hiện đầu tư công trên địa bàn thành phố còn hạn chế do giải phóng mặt bằng. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thử nghiệm tách hạng mục giải phóng mặt bằng riêng ra khỏi dự án đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ.
Lấy ví dụ về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng như Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, đại biểu Đàm Văn Huân đề nghị thành phố cần kiến nghị với Chính phủ để thực hiện thí điểm việc tách hạng mục giải phóng mặt bằng riêng với dự án đầu tư để tăng hiệu quả.
Cùng với đó, ông Huân nêu ý kiến thành phố cần công bố sớm giá vật liệu xây dựng, nếu chậm công bố giá vật liệu xây dựng trong tình hình lạm phát hiện nay cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bích Thủy (tổ đại biểu quận Cầu Giấy) cũng bày tỏ lo ngại đến việc các dự án đầu tư bị chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng. Ngoài đồng tình với các nguyên nhân trên, bà Thủy cho rằng còn cả nguyên nhân một số thủ tục hành chính còn bất cập, vì thế, thành phố cần có đánh giá về việc thích ứng linh hoạt trong công tác cải cách hành với tình hình dịch.
Liên quan đến việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đại biểu Lê Anh Quân (tổ đại biểu huyện Gia Lâm) đề nghị thành phố quan tâm đến việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách để các huyện chuẩn bị lên quận có thể bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách.
Trong phân cấp nguồn thu, ông Quân đồng tình về việc HĐND TP đưa các dự án chuyển tiếp trước đây thuộc huyện, nay chuyển chủ quyền về thành phố là hợp lý. Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh công tác đầu tư công, đại biểu đề nghị thành phố cần giao cho các huyện những dự án mà địa phương có khả năng đảm nhận được, nhằm tránh chậm tiến độ.
Cùng với đó, đại biểu Quân kiến nghị thành phố cần cải tiến về giá bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ thẩm định giá, để phù hợp với thực tiễn. Đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đến tỷ lệ phân cấp nguồn thu cho địa phương để có thêm nguồn vốn đầu tư cho phát triển của địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (tổ đại biểu quận Hà Đông) cho rằng nguồn thu chủ yếu của các địa phương đều từ đấu giá quyền sử dụng đất, vì vậy, việc phân chia tỷ lệ nguồn giữa thành phố và quận, huyện, thị xã cần phù hợp với tình hình thực tế, để thúc đẩy phát triển hạ tầng khung.
Đối với các dự án ngoài ngân sách do thành phố giao cho các quận, huyện, thị xã, đại biểu đề nghị thành phố có kế hoạch cụ thể về tiến độ thực hiện, giá quy định nhằm bảo đảm nguồn thu cho thành phố.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đánh giá cao 40 ý kiến thảo luận tại tổ chiều 7/12 và 10 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường, sáng 8/12.
"Các ý kiến của đại biểu thẳng thắn, trách nhiệm và đi thẳng vào những vấn đề của thành phố cũng như đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, để tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2022", ông Hải nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, các đại biểu phát biểu tập trung vào các nhóm vấn đề lớn của thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu năm 2022; việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của thành phố; định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của thành phố năm 2022.
Cùng với đó là một số nội dung hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021; kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố.
Trả lời kiến nghị của các đại biểu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết trong năm 2021, Chính phủ phân bổ, giao cho thành phố nguồn vốn sau điều chỉnh là 41.688,2 tỷ đồng.
Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của thành phố từ đầu năm đến ngày 26/11/2021 là 21.329 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ông Hải cho biết trong báo cáo của UBND thành phố đã đề cập đến các nguyên nhân, hạn chế liên quan đến công tác cải cách hành chính và thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm nội dung này trong báo cáo.
"Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài việc giao rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, cơ quan chuyên môn trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thành phố cũng xác định việc đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, cấp bách" ông Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ và coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm.