Cuối tháng 7 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã công bố dự thảo về bảng giá đất tại TP HCM dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/12. Tuy nhiên sau đó ít ngày, thành phố đã thông báo hoãn và chưa áp dụng bảng giá đất điều chỉnh này do cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố.
Tại hội thảo do Tạp chí Thương gia tổ chức sáng nay, vấn đề này đã được các chuyên gia đưa ra bàn luận thêm.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), với luật mới ban hành và có hiệu lực, các nghị định hướng dẫn đã quy định rất chi tiết, đầy đủ.
Tuy nhiên, cũng vì là chính sách mới nên các cơ quan và địa phương hiện nay vẫn trong quá trình nghiên cứu thực hiện, không thể tránh được lúng túng khi áp dụng. Do đó, cần sớm tập huấn cho cán bộ chính quyền các địa phương về việc phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến giá đất - vốn là công việc rất khó khăn và phức tạp.
"Bảng giá đất của TP HCM mới là dự thảo, chưa chính thức, mọi người khi nhìn thấy những con số đã rất giật mình, ngạc nhiên vì quá cao. Còn tại Hà Nội thì bảng giá đất thấp quá, trong khi có phiên đấu giá trên thực tế thì lại ghi nhận mức giá cao. Tôi cho rằng chúng ta đừng quá nóng vội mà hãy để tất cả diễn ra theo tự nhiên, thuận theo quy luật thị trường.
Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống chỉ số về giá bất động sản. Luật Kinh doanh bất động sản đã có đề cập đến vấn đề này và các cơ quan chuyên môn cũng đang nghiên cứu. Tôi hy vọng quy định này sẽ sớm có và trở thành cơ sở tham chiếu tốt nhất, bởi chỉ số đó chính là con số bình quân của các giao dịch được ghi nhận thường xuyên, hàng ngày", ông Đính nói.
Theo ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP HCM là thành phố đầu tiên công bố thông tin về bảng giá đất mới và ngay lập tức đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều về mức giá tăng cao.
Ông Chính nhận định: "Mức giá này phản ánh đúng thị trường hiện nay và cũng theo nguyên tắc của thị trường. Về cơ bản, mức giá đất mới áp dụng cần phải đáp ứng những yếu tố thị trường và đảm bảo quyền lợi của người dân có quyền sử dụng đất. Giá đất phải được giải quyết đồng bộ, đảm bảo sự rạch ròi, minh bạch giữa mức thu về và mức giá bồi thường cho người dân".
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, thời gian qua, nhiều dự án bất động sản không triển khai được do bị ách tắc từ công tác định giá đất. Thực tế, giá đất được tính từ thời điểm giao đất cho người dân và hoạt động thuê đơn vị định giá cũng không hề dễ, nên việc định giá dễ chậm triển khai.
Do đó, cơ quan làm luật đã đưa những khó khăn này để vào nghiên cứu, tìm ra giải pháp. Về mặt giá phải thực hiện đúng nguyên tắc thị trường thể hiện qua sự thu thập các thửa đất trên địa phương đó, nhằm đảm bảo định giá đất đúng. Cần đảm bảo hài hoà, vì giá đất còn để căn cứ thu thuế sử dụng đất của người thuê đất.
"Những quy định theo luật mới đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của người dân. Các doanh nghiệp bất động sản cần lưu tâm đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để chủ đầu tư trực tiếp làm việc với người dân nắm quyền sử dụng đất, kể cả trường hợp diện tích đất này thuộc phạm vi thu hồi của Nhà nước. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải đảm bảo về giá trị thu hồi đất với người dân một cách công khai, minh bạch và sòng phẳng.
Ngược lại, Nhà nước cũng tạo điều kiện để chủ đầu tư được linh hoạt lựa chọn phương án bồi thường cho người dân bằng loại đất có mục đích sử dụng giống hoặc khác với loại đất thu hồi", ông Chính lưu ý.
Một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 so với Luật Đất đai 2013 là bỏ quy định về Khung giá đất của Chính phủ 5 năm/lần, thay vào đó là UBND công bố định kỳ hàng năm vào đầu năm.
Cụ thể, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định Bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.