Đại diện WHO nói về mức độ ảnh hưởng từ vụ cháy tại Công ty Rạng Đông

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - TS Kidong Park cho rằng, với mức độ thủy ngân trong các mẫu môi trường được thu thập từ vụ cháy ở Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, hiện không thể so sánh trực tiếp với các tiêu chuẩn của WHO - tiêu chuẩn an toàn về không khí của WHO chỉ đưa ra mức độ trung bình năm, trong khi con số mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lại xét đến ở một thời điểm nhất định. Mức tiêu chuẩn an toàn về nước của WHO là đối với nước uống, còn mức độ ô nhiễm thủy ngân trong nguồn nước ở vụ cháy lại không phải là nước uống.

"Xét trên khía cạnh khoa học, trong quá trình WHO phát triển các tiêu chuẩn về an toàn và căn cứ trên những thông số quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện đều trong ngưỡng an toàn nên các bạn không cần phải quá lo lắng về tác động của thủy ngân đối với sức khỏe con người", Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định.

photo-2

Cũng theo nguồn tin từ đại diện WHO tại Việt Nam, hướng dẫn của WHO về vấn đề ô nhiễm không khí do khí độc, bao gồm cả thủy ngân, đã được Văn phòng WHO tại châu Âu thực hiện từ năm 2000.

Theo hướng dẫn này, mức ảnh hưởng bất lợi thấp nhất quan sát được (LOAEL) của thủy ngân trong không khí, tức mức thấp nhất mà thủy ngân có thể gây ra những khác biệt đáng kể về mặt sinh học là từ 15 - 30 microgram/m3 trong 1 năm. WHO cũng đã xem xét đến một loạt yếu tố có thể ảnh hưởng ở nhóm người có nguy cơ cao và nhận định mức 1 microgram/m3 trong 1 năm là mức ô nhiễm trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, mức này chưa tính đến cho nhóm người trong cơ thể thiếu loại enzym có thể bảo vệ tế bào trước các tổn thương từ thủy ngân. Một nghiên cứu được thực hiện ở Thụy Sĩ và Thụy Điển cho thấy, tỉ lệ của nhóm người này là khoảng 30 - 40 người/1 triệu dân thiếu loại enzym này.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mức giới hạn trần của nồng độ thủy ngân trong nước uống nên ở mức 1 microgram/l. Ngoài ra, WHO hiện chưa có mức tiêu chuẩn đối với nồng độ thủy ngân nhiễm trong đất.

Theo TS Kidong Park, về những mối nguy hại đối với sức khỏe sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, theo chúng tôi cần thêm thời gian để theo dõi. Do số liệu thu thập được tại Việt Nam mới tiến hành trong khoảng thời gian ngắn, hiện khó so sánh với mức khuyến cáo trung hình hằng năm của WHO.

“Tuy nhiên, tôi tin rằng tại Việt Nam, các chuyên gia chống độc tại Bệnh viện Bạch Mai hoàn toàn có đủ năng lực để xử các vấn đề liên quan đến nhiễm độc. Tại Nam Phi cũng vừa xảy ra một vụ cháy nhà kho tương tự và chúng tôi cũng đang theo dõi và quan sát. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành với các cơ quan y tế của Việt Nam và hỗ trợ các bạn xử các vấn đề cần thiết nếu có", Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Trước đó, chiều 30/8, tại cuộc thông tin đến báo chí về việc nhiều người dân sống xung quanh khu vực Công ty Rạng Đông đang lo lắng vì sợ nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy tại đây, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong môi trường có sử dụng thủy ngân, khi xảy ra cháy, có nguy cơ nhiễm độc với những người tiếp xúc trực tiếp với đám cháy, hít khói kéo dài... Với những người ở xa, nguy cơ sẽ ít hơn. Nguy cơ nhiễm độc ít hay nhiều còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đơn cử như những nơi có lượng thủy ngân ở mức cao, không gian chật hẹp, không thông gió… thì nguy cơ cao hơn.

Chuyên gia này cho biết, người dân không nên quá lo lắng, cần bình tĩnh để theo dõi.

Tính đến ngày 4/9, trên 100 người đã được làm xét nghiệm thủy ngân trong máu tại đây, trong đó, một số người được lấy nước tiểu 24 giờ để xét nghiệm thủy ngân, kèm theo một số xét nghiệm khác như: Công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, một số được chụp X-quang phổi và khí máu động mạch, methemoglobin (metHb), carboxyhemoglobin (HbCO).

Xét nghiệm thủy ngân máu được gửi đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Cả 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân trong máu thấp dưới 10 mcg/L, là mức tối đa cho phép.

Ngày 30/8, trong số những người dân đến Trung tâm khám, có 10 phóng viên, 10 chiến sĩ cảnh sát cứu hỏa, những người trực tiếp làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ cháy trong nhiều giờ đồng hồ. Kết quả xét nghiệm cho thấy thủy ngân trong máu của những người này đều trong phạm vi bình thường.

Nhằm giám sát chặt chẽ những tác động, ảnh hưởng có thể gây ra đối với sức khỏe của người dân trong khu vực sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, thực hiện chỉ đạo của thành phố, bắt đầu từ ngày 6/9, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai khám sức khỏe miễn phí cho người dân sinh sống và làm việc trong khu vực bán kính 500m gần Công ty tại hai địa điểm là Trạm Y tế phường Hạ Đình và Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

Sau hai ngày, đã có 582 người dân được khám sức khỏe. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, qua quá trình tư vấn, khám sức khỏe cho người dân, chưa phát hiện các biểu hiện cấp tính bất thường.

chọn
Nam Hà Nội (NHA) trúng đấu giá khu đất sạch 2,1 ha cạnh KCN Đồng Văn 3
Khu đất 2,1 ha nằm đối diện cổng KCN Đồng Văn III tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam. Tại đây Nam Hà Nội dự kiến đầu tư khu thương mại dịch vụ với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng.