Nhìn lại vụ cháy Rạng Đông và những kế hoạch còn bỏ ngỏ

Sự cố ở công ty Rạng Đông là cơ hội để các cơ quan chức năng lật lại chủ trương di dời các xí nghiệp, nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, vốn được đề ra từ 16 năm trước.
ttxvnrangdong

Hiện trường vụ cháy phía bên trong nhà máy. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Vụ hỏa hoạn chiều 28/8 đã làm Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Động thiệt hại khoảng 150 tỉ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nguy cơ ô nhiễm môi trường và những tác động tiêu cực do ô nhiễm đến sức khỏe người dân đang sinh sống quanh khu vực đám cháy.

Sự cố ở công ty Rạng Đông cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng lật lại chủ trương di dời các xí nghiệp, nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, vốn được đề ra từ 16 năm trước.

Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (tiền thân là nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) được khởi công xây dựng từ năm 1958, là một trong 13 nhà máy đầu tiên được thành lập theo quyết định của Chính phủ, đặt nền móng cho nền công nghiệp Việt Nam thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Tháng 11/1963, nhà máy được khánh thành với sản phẩm ban đầu chủ yếu là phích nước, bóng đèn tròn, bóng đèn huỳnh quang, đèn pha ôtô phục vụ cho kháng chiến.

Trong nhiều năm không ngừng đổi mới, phát triển, từ năm 2005, Công ty chuyển đổi theo mô hình cổ phần và trở thành một trong những doanh nghiệp Việt uy tín, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng nhiều. Các sản phẩm chính của công ty là bình thủy và thiết bị chiếu sáng.

Sản phẩm phích nước của Rạng Đông chiếm đến 85% thị phần tiêu dùng trong nước, sản lượng tiêu thụ bóng đèn tròn khoảng 45-50 triệu sản phẩm, hiện dẫn đầu thị trường Việt Nam.

Sau vụ cháy ở công ty Rạng Đông, lượng thủy ngân bị phát tán chủ yếu có trong các bóng đèn huỳnh quang và bóng đèn compact đang được lưu giữ tại khu vực kho xưởng.

Theo thông tin từ các nhà khoa học, thủy ngân là kim loại có tính chất rất đặc thù, nóng chảy ở 0 độ C, hơn 30 độ C đã sôi và phát tán, bay lên, nhưng lại là kim loại nặng nên nếu gặp mưa sẽ lắng đọng lại.

Sau sự cố, trời có mưa lớn, có thể mưa đã làm lắng đọng thủy ngân tồn dư trong không khí vào môi trường đất, nước. Vì vậy, không khí tại khu vực bị ảnh hưởng đã được “thanh lọc tự nhiên,” làm giảm nồng độ thủy ngân.

Tuy nhiên, khi trời nắng nóng, lượng thủy ngân nếu còn lắng đọng tại các hố ga, tường rào hay tàn dư sau cháy sẽ tiếp tục bay hơi, phát tán ra môi trường xung quanh. Sau khi hàng chục kg thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy kho Rạng Đông, các quyết định di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô từ 16 năm trước lại được nhắc đến.

Ngày 22/4/2003, Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch xử triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không lâu sau đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có quyết định di chuyển các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường khỏi nội đô.

Nhưng đến nay, sau 16 năm, khu vực Thượng Đình (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), là nơi tập trung đông nhất các cụm nhà máy, kho xưởng gây ô nhiễm vẫn hầu như không thay đổi. Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá Thăng Long... đều nằm trong danh sách những cơ sở gây ô nhiễm nhất, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân khu vực xung quanh.

Công ty Thuốc lá Thăng Long nằm trên diện tích hơn 6,4ha được duyệt di dời 9 năm trước. Gần đó là nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng vẫn đang hoạt động, dù kế hoạch chuyển về Hà Nam cũng được lên kế hoạch từ lâu.

Ngoài ra còn có công ty Giày Thượng Đình, và cả công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông… tất cả đến nay vẫn giữ nguyên hiện trạng, cho đến khi sự cố xảy ra. Năm 2016, thành phố Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.

Trong số này, nhiều nhất là quận Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân... Tuy nhiên, đến tháng 9/2018, Hà Nội mới chỉ giảm được 4 cơ sở và vẫn còn tới 113 nhà máy hoạt động trong nội thành.

Đây là một kế hoạch khó khăn và quy mô, nhưng cần thiết để trả lại cho hàng nghìn người dân thủ đô môi trường sống lành mạnh và an toàn.

Vào lúc 18h05 ngày 28/8, một đám cháy bùng lên tại nhà kho, xưởng rộng khoảng 6.000m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tại địa chỉ số 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vụ cháy không gây thiệt hại về người. Thiệt hại tài sản khoảng 150 tỉ đồng, dưới 5% tổng tài sản công ty.

Ngày 29/8, Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) khuyến nghị người dân không sử dụng thực phẩm như rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày, đặc biệt nên tiêu hủy các loại trái cây, rau trồng trong bán kính 500m. Tuy nhiên, ngày 30/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình đã có quyết định thu hồi lại văn bản trên do ban hành không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở.

Cùng ngày 30/8, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội) thực hiện lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh khu vực cháy. Kết quả phân tích nhanh cho thấy các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... ở mức độ bình thường, an toàn với người dân.

Thông báo của Công ty Rạng Đông cho biết, công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất năm 2016. Tuy nhiên, amalgam vẫn là hỗn hợp giữa kẽm và khoảng 50% thủy ngân. Ông Đỗ Thanh Bái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam khẳng định, một khi xảy ra sự cố cháy nổ thì amalgam hay thủy ngân lỏng đều phát tán thủy ngân độc hại ra môi trường.

Ngày 4/9: Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận có gây phát tán thủy ngân ra môi trường nhưng khối lượng đã được đong đếm cụ thể. Kết quả phân tích tại một số khu vực quanh đám cháy có hàm lượng thủy ngân vượt ngưỡng an toàn, người dân sống trong bán kính 500 m tính từ hàng rào kho bị cháy có thể chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân và cần áp dụng các biện pháp vệ sinh, theo dõi sức khỏe thường xuyên, định kí.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hóa học tiến hành tẩy độc tại khu vực có nguy cơ nhiễm độc; đồng thời đề nghị Rạng Đông khẩn trương thực hiện cô lập khu vực cháy, thu gom tàn dư sau vụ cháy và xử theo quy định với các chất thải nguy hại.

Ngày 5/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu khám sức khỏe miễn phí cho người dân, nhanh chóng mời chuyên gia nước ngoài đến giám định, xác định ô nhiễm.

Ngày 7/9, Công ty Rạng Đông ra văn bản xin lỗi chính thức sau vụ cháy. Hơn 350 người dân sống quanh khu nhà máy đi khám sàng lọc, chưa có trường hợp nào phát hiện bất thường.

Chi cục Bảo vệ môi trường gửi văn bản yêu cầu Công ty Rạng Đông thực hiện các biện pháp khắc phục và khống chế ô nhiễm, như xây dựng bờ be xung quanh khu vực cháy, thu gom nước phát sinh bên trong để xử như nước thải nguy hại; lắp đặt dàn phun nước làm mát, hạn chế thủy ngân bay hơi và thu dọn hiện trường để xử ô nhiễm.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.