Dân nghèo Mekong ảnh hưởng bởi hàng loạt đập xây của Trung Quốc

Bất chấp cảnh báo về tác động tiêu cực từ những đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc dường như đang ra sức thay đổi "luật chơi" trên tuyến huyết mạch này.

Sles Hiet, ngư dân Campuchia, sống dựa vào dòng Mekong - con sông dài thứ 12 thế giới được xem là kế sinh nhai của hàng chục triệu người. Song giờ đây, dòng sông đang bị đe dọa bởi hàng loạt đập thủy điện lớn nhỏ đã và sắp được xây dựng của Trung Quốc ở thượng nguồn.

Người đàn ông 32 tuổi dân tộc Chăm, theo đạo Hồi, sống trên những chiếc thuyền ọp ẹp neo ở một khúc cong của dòng Mekong, đoạn chảy qua tỉnh Kandal. Anh nói rằng lượng cá anh đánh bắt được càng ngày càng ít đi.

"Chúng tôi không biết tại sao sông giờ có ít cá hơn trước", anh nói với AFP về "bí ẩn" khiến nhiều người như anh lâm vào cảnh khó khăn.

dan ngheo mekong anh huong boi hang loat dap xay cua trung quoc

Những ngư dân sống dọc theo sông Mekong ở Campuchia. Ảnh: Getty.

Ván cờ địa chính trị

Đó là lời than thở được nghe thấy từ những ngôi làng nằm hai bên dòng sông xuất phát từ những rặng núi ở Tây Tạng chảy xuyên qua 5 nước Đông Nam Á (Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) trước khi hòa vào Biển Đông.

Với chiều dài gần 4.800 km, sông Mekong được xem là "vựa" thủy sản nội địa tự nhiên lớn nhất thế giới, đồng thời đứng thứ hai chỉ sau sông Amazon ở Nam Mỹ về sự đa dạng sinh học. Đây là nguồn sinh kế của khoảng 60 triệu người sống trong lưu vực của sông.

Tuy nhiên, dòng chảy sông Mekong nhiều năm qua phụ thuộc vào phương bắc với những kế hoạch xây dựng thủy điện của Bắc Kinh.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ đến Phnom Penh, thủ đô Campuchia, vào ngày 10/1 để chủ trì một hội nghị khu vực có thể định hình tương lai của dòng sông.

dan ngheo mekong anh huong boi hang loat dap xay cua trung quoc

Tổ chức International Rivers cho biết Bắc Kinh vốn đã gây "ách tắc" thượng nguồn dòng Mekong (Trung Quốc gọi là Lan Thương) với 6 nhà máy thủy điện đã hoàn thành và đang đầu tư vào hơn một nửa trong tổng số 11 đập xa hơn về phía nam dòng sông theo kế hoạch.

Các nhóm môi trường đã cảnh báo việc ngăn dòng sẽ đe dọa đến môi trường sống của các loài thủy sản khi hoạt động di cư của sinh vật cũng như dòng chảy dinh dưỡng và trầm tích bị gián đoạn.

Đó là chưa kể việc hàng chục nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa để nhường chỗ làm hồ tích nước của thủy điện.

Các cộng đồng dân cư ở vùng hạ lưu sông Mekong đã phàn nàn về tình trạng sụt giảm sản lượng thủy sản trong những năm qua và cho rằng các đập thủy điện của Trung Quốc chính là nguyên nhân.

Các chuyên gia nói hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận đầy đủ vì thiếu dữ liệu cơ sở cũng như bản chất phức tạp của hệ sinh thái sông Mekong.

Tuy nhiên, điều mà họ đồng ý là Trung Quốc đang ở thế "tay trên" đối với nguồn tài nguyên được xem là huyết mạch kinh tế của nhiều nước trong lưu vực dòng sông.

Các nước ở hạ lưu sông Mekong "không thể so với Trung Quốc về mặt địa chính trị", tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok (Thái Lan), đưa ra nhận định.

Vị chuyên gia nói rằng điều đó cho phép Bắc Kinh tiếp tục "gây tổn hại đến môi trường sống và kế sinh nhai của hàng triệu người ở hạ lưu dòng sông".

dan ngheo mekong anh huong boi hang loat dap xay cua trung quoc

Một phụ nữ buôn bán bằng thuyền trên sông Hậu, một nhánh của sông Mekong (hay sông Cửu Long), đoạn chảy qua Cần Thơ. Ảnh: Getty.

Trung Quốc cố viết lại luật?

Với sự kiểm soát ở đầu nguồn sông Mekong, Bắc Kinh có thể xây đập ngăn dòng ở đoạn sông chảy qua nước này trong khi những tác động từ việc này được cảm nhận rõ rệt ở hạ lưu.

Họ cũng có thể điều chỉnh mực nước, điều đã được thể hiện hồi năm 2016 khi Trung Quốc mở cửa xả đập để đưa nước về vùng châu thổ sông Mekong đang bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Trung Quốc giờ đang muốn giành quyền kiểm soát thông qua Diễn đàn Hợp tác Lan Thương - Mekong (LMC) trong khi cố gắng xoa dịu các nước ở hạ lưu dòng sông bằng những khoản đầu tư và viện trợ.

Những nhà lãnh đạo của 6 nước Mekong sẽ tham dự hội nghị LMC tại Campuchia tuần này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng diễn đàn, vốn cũng trao đổi các vấn đề an ninh và thương mại, là một cách để vun đắp "sự thịnh vượng về kinh tế, sự tiến bộ về xã hội cũng như một môi trường tốt đẹp".

Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường nói mục đích của LMC là thay thế Ủy hội Sông Mekong - một cơ chế khu vực được thành lập nhằm tìm ra các phương thức phát triển dọc theo dòng sông mà không có Trung Quốc.

"Có một mối quan ngại lớn rằng vai trò dẫn dắt và ảnh hưởng tương đối của Trung Quốc sẽ khiến nước này đặt những lợi ích riêng của họ lên trên những hợp tác có ý nghĩa", chuyên gia Maureen Harris, giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức International Rivers, cảnh báo.

dan ngheo mekong anh huong boi hang loat dap xay cua trung quoc

Những người qua phà trên sông Hậu. Ảnh: Getty.

Đến nay, các công ty Trung Quốc đã và đang đầu tư hàng triệu USD vào nhiều dự án đập thủy điện, nhưng không tiến hành đánh giá các tác động môi trường và xã hội một cách toàn diện.

"Phần lớn lợi ích thuộc về các công ty, tập đoàn trong khi các cộng đồng dân cư dọc theo dòng sông bị ảnh hưởng nặng nề nhất", chuyên gia Harris nói.

Những lời kêu gọi bảo vệ sông Mekong đa phần đều "chìm xuồng" mà không ai đoái hoài. Và những người như anh Sles Hiet trở thành yếu tố được cân nhắc sau chót trong các kế hoạch phát triển.

"Chúng tôi phụ thuộc vào sông Mekong", anh nói. "Dù có ít cá hơn trước, chúng tôi vẫn phải cố vì chúng tôi không có công việc khác, cũng không có đất canh tác".

dan ngheo mekong anh huong boi hang loat dap xay cua trung quoc Trung Quốc: Cảnh tượng hùng vĩ của sông Hoàng Hà vào mùa đông

Hàng nghìn du khách từ khắp mọi nơi đều tới thượng lưu sông Hoàng Hà để nhìn ngắm cảnh tượng đóng băng con sông lớn ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.