Câu chuyện sinh viên không nhìn mặt bạn thân sau khi ở chung phòng trọ không phải mới. Đó cũng không phải vấn đề duy nhất tồn tại trong cuộc sống ở trọ của sinh viên xa nhà.
Bất tiện khi dùng chung nhà vệ sinh, ảnh hưởng học tập vì hàng xóm thường xuyên đánh cãi chửi nhau, nhiều người thiếu ý thức vệ sinh công cộng… là những vấn đề mà rất nhiều sinh viên xa nhà gặp phải khi ở trọ.
|
Hàng năm, số lượng sinh viên từ tỉnh lẻ đổ về thủ đô học tập không ít. Từ đó, nhu cầu về nhà trọ cũng tăng cao. Nhiều chuyện bi hài nơi xóm trọ sinh viên xuất hiện và được chia sẻ trên mạng xã hội.
Gần đây nhất, trên confession của một trường đại học tại Hà Nội, hai bạn nữ đã viết tâm thư cho "hàng xóm ở trọ", bày tỏ bức xúc họ gặp phải khi ở chung khu.
Nữ sinh viên bức xúc kể lại “cuộc chiến” giữa hai phòng. Bắt đầu từ mâu thuẫn nhỏ, hai bên có những trò “chơi xỏ” nhau như đổ nước mắm, mắm tôm vào quần áo, giày dép…
Nhiều người nhìn vào lắc đầu ngán ngẩm vì sao các bạn trẻ lại có thể xử sự như vậy với nhau. Thế nhưng, những tình huống đó quả thật không phải ít gặp nếu bạn từng trải nghiệm cuộc sống ở trọ.
Thanh Mai (sinh viên năm thứ hai, Đại học Thương Mại) chia sẻ cô từng gặp chuyện như vậy tại xóm trọ của mình. Thậm chí, nhiều chuyện còn kinh khủng hơn xảy ra giữa những người hàng xóm.
Cuộc sống ở trọ bừa bộn của nhiều sinh viên xa nhà. Ảnh: Hàn Triệt. |
“Năm đầu, mình ở xóm trọ dùng chung nhà vệ sinh, không thể chịu nổi nên chuyển đi ngay một tháng sau đó. Hàng xóm lúc nào cũng treo đầy quần áo bẩn trong nhà tắm, muỗi, vi khuẩn rất mất vệ sinh. Không ai dọn nhà vệ sinh nên rất bẩn”, nữ sinh viên kể lại.
Hoài Thương (sinh viên năm thứ ba, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) kể thêm những điều ức chế khác khi ở trọ.
“Có cái hành lang dùng chung, hàng xóm coi như của họ. Bất cứ thứ gì không để được trong phòng, họ liền ném ra hành lang như thể đó là cái thùng rác. Rác rưởi để cả tuần không đổ, bốc mùi khó chịu khiến mình lúc nào cũng phải đóng chặt cửa phòng”, Thương nói.
Cả hai sinh viên nói trên đều cho hay họ từng bày tỏ với hàng xóm nhiều lần nhưng không thấy "người ta" thay đổi. “Bẩn vẫn hoàn bẩn”, nói nhiều dẫn đến mất lòng nhau nên họ lần lượt chuyển xóm trọ.
Ngoài vấn đề về việc ý thức vệ sinh chung, nhiều sinh viên còn thẳng thắn bày tỏ hàng xóm gây ồn, khiến họ không thể tập trung học bài.
Lê Lan (sinh viên năm cuối trường Sư phạm) kể cô hay phải chứng kiến những trận cãi vã, thậm chí đánh nhau giữa chị hàng xóm và người yêu mỗi khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
“Họ ném bát đũa vỡ khắp nơi, chửi nhau như hát hay rồi lại khóc lóc. Hàng xóm nhà mình như phường chèo. Đôi khi bạn đến chơi chứng kiến cảnh này, mình thấy ngại thay cho họ. Sau mỗi lần như vậy, họ lại bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra”, nữ sinh cho biết.
Góc hành lang chung đầy rác và những đồ linh tinh nơi xóm trọ. Ảnh: Hàn Triệt. |
“Mình góp ý thẳng thắn cũng chỉ được ngày một ngày hai, mấy hôm sau lại đâu vào đấy. Mình chỉ biết đóng chặt cửa phòng lại may ra đỡ ồn hơn một chút”, Luân Đỗ - nam sinh viên tại Hà Nội - bày tỏ.Chưa hết, hàng xóm hát karaoke bất kể ngày đêm cũng là bất cập khiến nhiều sinh viên “điên đầu” vì không thể tập trung học bài, nhất là vào mùa thi. Không ít sinh viên lên mạng “kêu trời đất” vì hàng xóm không để họ yên.
Cuộc sống đi ở trọ thời sinh viên, bên cạnh những niềm vui, còn có không ít bất cập. Những sự việc nêu trên chỉ là một trong muôn vàn tình huống trớ trêu có thể gặp phải khi ở trọ.
Nhiều người mất cả bạn thân, không nhìn mặt hàng xóm lâu năm, chuyển chỗ ở cũng xuất phát từ những va chạm ở xóm trọ. Tuy nhiên, nếu bản thân mỗi người có ý thức cao hơn khi sống chung với nhau trong không gian hẹp, chuyện đã chẳng có gì to tát.
Bốn trào lưu từng khiến dân mạng 'điên đảo' trong đầu năm 2017 | |
Chuyện tình yêu: Cụ ông 80 tuổi mua bánh sinh nhật tặng vợ |