Danh xưng NGHỆ SĨ đang bị 'tầm thường hóa'!

"Đánh giá nghệ thuật cần kết hợp cả hai cách, là chuyên môn và theo số lượng công chúng. Không nên cứ thấy một người nào đấy, tác phẩm nào đấy có số lượng công chúng hâm mộ đông đảo thì vội cho đó là tuyệt đỉnh" - TS, Nhạc sĩ Phạm Việt Long chia sẻ.

Thế nào là NGHỆ SĨ? Ở nước ngoài họ có định nghĩa về danh xưng này khác với Việt Nam không? Qua tìm hiểu, sự khác biệt đầu tiên là về khái niệm ngôn ngữ.

Trong tiếng Anh, đối tượng sáng tạo và hay thì gọi là nghệ sĩ (artitst). Nó xuất phát từ chữ ART (nghệ thuật). Riêng chữ "nghệ thuật" trong tiếng Việt thì không phái sinh thành "nhà nghệ thuật" được mà phải là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ... còn tiếng trong tiếng Anh, mỗi "nhà" đều có từ để chỉ như tiếng Việt đồng thời thêm artitst nữa.

Khái niệm nghệ thuật ở nhiều quốc gia trên thế giới gồm có 5 lĩnh vực chính : tranh, tượng, kiến trúc, âm nhạc, thơ ca (giờ có thêm: phim, ảnh, video, gốm sứ, in...). Và khái niệm nghệ sĩ trong tiếng Anh bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực kể trên. Trong tiếng Việt khái niệm này hẹp hơn, ví dụ kiến trúc sư thì ít khi được gọi là nghệ sĩ.

Để khép lại tuyến bài này, Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ - nhạc sĩ Phạm Việt Long với chủ đề xung quanh hai từ NGHỆ SĨ.

- Thưa Tiến sĩ - Nhạc sĩ Phạm Việt Long, nhiều năm gần đây, danh xưng NGHỆ SĨ được sử dụng khá phổ biến để chỉ người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Theo ông, thế nào thì được gọi là NGHỆ SĨ?

Theo nghĩa thông thường thì danh xưng NGHỆ SĨ là để chỉ những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật. Như vậy, cứ ai hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật thì người đó là nghệ sĩ.

Tuy vậy, cần hiểu nghĩa của từ ở phạm vi rộng và sâu hơn. Đã hoạt động chuyên nghiệp thì nghệ sĩ phải có tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở việc được đào tạo bài bản về ngành nghệ thuật mà nghệ sĩ hoạt động, phải có năng lực nghệ thuật hơn người bình thường và có đủ tư cách nghệ sĩ khiến cho hoạt động của họ có tác động tích cực đối với cuộc sống.

Là người hoạt động ở nhiều lĩnh vực: Sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy... ông thấy quan niệm về danh xưng này có đang bị thay đổi?. Liệu có một sự "phổ cập" hay "viết lại khái niệm" của từ NGHỆ SĨ trong tương lai?.

- Tôi nghĩ, danh xưng này không thay đổi theo thời gian, nhưng nội hàm của nó sẽ thay đổi để phù hợp với thời đại. Ví dụ, việc đào tạo, xưa kia là truyền nghề giữa cá thể nghệ sĩ với cá thể môn đệ thì bây giờ đào tạo theo trường lớp cho cả một đội ngũ, với bằng cấp đàng hoàng. Hoặc, các tiêu chuẩn đạo đức xã hội thay đổi theo thời đại thì đạo đức của nghệ sĩ cũng có sự thay đổi.

Như vậy, không có việc viết lại khái niệm NGHỆ SĨ theo hướng ‘’phổ cập”. Nhưng, trên thực tế, danh xưng này cũng như nhiều danh xưng khác đã bị "tầm thường hóa", bị gán ghép tùy tiện cho các cá thể trong xã hội.

Người làm được vài bài thơ kiểu "con cóc" lập tức được gọi là NHÀ THƠ. Người viết được mấy ca khúc theo kiểu tự hát ra rồi nhờ người khác ký xướng âm hộ, qua biểu diễn của ca sĩ, được một số người thích, lập tức trở thành NHẠC SĨ. Rồi thì "ông hoàng", "bà chúa", "di-va"... trở thành "nhãn hàng" của nhiều NGHỆ SĨ, tuy họ không đạt các chuẩn như tôi nói ở phần đầu.

danh xung nghe si dang bi tam thuong hoa

TS, Nhạc sĩ Phạm Việt Long

- Rất nhiều ca sĩ trẻ chỉ sau một cuộc thi hoặc một vài bài hát, MV lập tức được mệnh danh là Nghệ Sĩ. Vậy theo ông, làm thế nào để đánh giá về "hàm lượng nghệ sĩ" trong một người hoạt động nghệ thuật?.

Cùng với sự dân chủ hóa đời sống và xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động, chuẩn đánh giá các đối tượng cũng phong phú hơn, đa dạng hơn, xuất hiện nhiều đỉnh cao hoặc đồng đỉnh cao, chứ không bó hẹp như trước.

Do vậy, những danh xưng nghệ sĩ tiêu biểu, giải thưởng bình chọn... xuất hiện và được một bộ phận xã hội thừa nhận là việc dễ hiểu. Thế nhưng, phải hiểu: Những danh hiệu ấy chỉ mang tính chất bộ phận, không phải là danh hiệu chính thống.

Để đảm bảo "hàm lượng", chất nghệ sĩ trong một người hoạt động nghệ thuật, người nghệ sĩ phải có năng khiếu, thực tài, phải được đào tạo bài bản, phải có phẩm chất tốt, có ý thức đem nghệ thuật đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của đời sống tinh thần.

- Ở thời đại hiện nay, liệu thước đo về nghệ thuật có thay đổi?. Chúng ta nên căn cứ vào đánh giá chuyên môn hay số lượng công chúng?.

Chúng ta cần căn cứ vào cái không biến đổi để biến đổi. Tức là, những chuẩn mực cơ bản của nghệ sĩ như tôi đã nói ở trên là mực thước thì không thay đổi dù nội dung của nó có thể thay đổi theo thời gian.

Những điểm không thay đổi là chất lượng nghệ thuật (từng ngành chuyên môn có chuẩn cụ thể), đạo đức nghệ sĩ, còn cái có thể thay đổi là những biểu hiện cụ thể của những chuẩn mực ấy. Ví dụ, trong nghệ thuật ca hát, trước đây ta chỉ chú ý tới nghệ thuật bác học hoặc dân gian, thì nay chú ý tới cả nghệ thuật đường phố, nghệ thuật đại chúng. Hoặc trước đây nhạc vàng bị cấm, nay hồi sinh với tên gọi Bolero, và các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này có sân chơi, có danh hiệu và giải thưởng mới.

Còn đánh giá nghệ thuật, cần kết hợp cả hai cách đánh giá, đó là đánh giá chuyên môn và đánh giá theo số lượng công chúng. Không nên cứ thấy một người nào đấy, tác phẩm nào đấy có số lượng công chúng hâm mộ đông đảo thì vội cho đó là tuyệt đỉnh.

Cũng không nên khăng khăng ngộ nhận rằng tác phẩm đỉnh cao, nghệ sĩ đỉnh cao thì công chúng không hiểu nên ít hâm mộ. Cùng với việc giáo dục nghệ thuật trong nhà trường, ngoài xã hội, nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng, thì dần dần chúng ta sẽ hợp lưu được hai dòng chảy là chất lượng nghệ thuật và sự hâm mộ của công chúng, khiến cho việc tôn vinh nghệ sĩ, tác phẩm đúng đắn hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tiến sĩ - nhạc sĩ Phạm Việt Long từng công tác nhiều năm ở Bộ Văn hóa sau đó giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sách Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam, tham gia thành lập và trong Ban lãnh đạo Nhà xuất bản Dân Trí. Ngoài lĩnh vực âm nhạc, ông còn xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu, sáng tác văn học và giành nhiều giải thưởng cao quý. Năm 2016, nhạc sĩ vinh dự nhận giải thưởng loại A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng cho cuốn sách chuyên luận âm nhạc "Hát mãi Trường Sa ơi".
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.