Hình minh họa
Định nghĩa
Đạo đức trong tiếng Anh là Morality. Đạo đức là tập hợp các nguyên tắc, qui tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh, đánh giá hành vi của con người đối với bản thân và trong quan hệ với người khác, với xã hội.
Từ giác độ khoa học, "đạo đức là một bộ môn khoa học nghiên cứu về bản chất tự nhiên của cái đúng – cái sai và phân biệt khi lựa chọn giữa cái đúng – cái sai, triết lí về cái đúng – cái sai, qui tắc hay chuẩn mực chi phối hành vi của các thành viên cùng một nghề nghiệp. (Từ điển Điện tử American Heritage Dictionary).
Chức năng cơ bản của đạo đức là điều chỉnh hành vi của con người theo các chuẩn mực và qui tắc đạo đức đã được xã hội thừa nhận bằng sức mạnh của sự thôi thúc lương tâm cá nhân, của dư luận xã hội, của tập quán truyền thống và của giáo dục.
Đạo đức qui định thái độ, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân cũng như đối với người khác và xã hội. Vì thế đạo đức là khuôn mẫu, tiêu chuẩn để xây dựng lối sống, lí tưởng mỗi người.
Những chuẩn mực và qui tắc đạo đức gồm: độ lượng, khoan dung, chính trực, khiêm tốn, dũng cảm, trung thực, tín, thiện, tàn bạo, tham lam, kiêu ngạo, hèn nhát, phản bội, bất tín...
Đạo đức và pháp luật đều là hệ thống các qui tắc xử sự chung, chuẩn mực xã hội; giúp con người tự giác điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp với lợi ích cộng đồng, xã hội.
Tuy nhiên, đạo đức khác với pháp luật ở chỗ:
- Sự điều chỉnh hành vi của đạo đức không có tính cưỡng bức, cưỡng chế mà mang tính tự nguyện, các chuẩn mực đạo đức không được ghi thành văn bản pháp qui.
- Phạm vi điều chỉnh và ảnh hưởng của đạo đức rộng hơn pháp luật, pháp luật chỉ điều chỉnh những hành vi liên quan đến chế độ xã hội, chế độ Nhà nước còn đạo đức bao quát mọi lĩnh vực của thế giới tinh thần.
- Pháp luật chỉ làm rõ những mẫu số chung nhỏ nhất của các hành vi hợp lẽ phải, hành vi đạo lí đúng đắn tồn tại bên trên luật.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Văn hóa kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Đạo đức kinh doanh, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)