Vào khoảng giữa năm 2019, UBND TP Hà Nội có yêu cầu quận Hoàn Kiếm chấm dứt việc liên doanh liên kết và thu hồi nhà, đất tại Trung tâm văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ) để quản lí, sử dụng theo đúng quy định tại Luật quản lí và sử dụng tài sản công. Đồng thời nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc liên doanh, liên kết không đúng quy định (nếu có) vào ngân sách nhà nước.
UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ, trong thời gian chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý có liên quan để giao cơ sở nhà, đất tại số 2 Lê Thái Tổ cho Ban Quản lí Khu vực hồ Hoàn Kiếm trực tiếp quản lí sử dụng, UBND quận Hoàn Kiếm không được sử dụng cơ sở này vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định.
Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm có vị trí vàng khi nằm tại ngã ba phố Lê Thái Tổ, Lương Văn Can, một phần bề mặt Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tiếp nối tòa nhà Long Vân - Hồng Vân.
Quy mô công trình gồm 1 tầng hầm, 3 tầng nổi và tum thang với diện tích 242,2m2; diện tích sử dụng khoảng 486m2 được bố trí các không gian triển lãm, trưng bày, quảng bá về giá trị di sản Hồ Gươm; triển lãm tranh ảnh, tổ chức hội nghị và phòng làm việc của cán bộ nhân viên.
Mặc dù được UBND TP Hà Nội phê duyệt xây dựng làm công trình công cộng với mục đích giới thiệu thông tin văn hóa hồ Gươm, trưng bày, triển lãm và văn phòng làm việc. Tuy nhiên, Trung tâm này lại bị cho thuê tràn lan làm văn phòng giao dịch, bán vé máy bay, quán cà phê…
Vào năm 2010, tại khu đất này từng được dự kiến xây trụ sở làm việc của Ban quản lí Hồ Hoàn Kiếm với quy mô 4 tầng.
Tuy nhiên, dư luận đã có ý kiến về chiều cao và quy mô công trình làm ảnh hưởng tới cảnh quan quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nên công trình này tạm dừng triển khai.
Đến năm 2014, thông tin về việc xây dựng Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm tiếp tục có nhiều ý kiến trái chiều.
Ngày 24/12/2014, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 10100 cho phép UBND quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án công trình Trung tâm thông tin Văn hóa Hồ Gươm tại số 2 phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm theo phương án quy hoạch kiến trúc công trình được phê duyệt và các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lí quy hoạch, kiến trúc, quản lí đầu tư xây dựng.
UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh: Việc quản lí, sử dụng công trình sau đầu tư xây dựng phải tuân thủ đúng công năng, mục đích của dự án án được phê duyệt. Nghiêm cấm sử dụng công trình vào mục đích kinh doanh dịch vụ dưới bất kì hình thức nào.
Thế nhưng trên thực tế, Trung tâm này lại bị cho thuê tràn lan làm văn phòng giao dịch, bán vé máy bay, quán cà phê…trong thời gian dài.
Hai dự án thuộc hai khu đất “vàng” được TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy hoạch là dự án Trụ sở Văn phòng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và Trụ sở văn phòng Công ty CP sách và thiết bị trường học đều nằm trên phố Lý Thường Kiệt.
Cụ thể, nêu tại văn bản UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ, tại khu đất 31-35 Lý Thường Kiệt, rộng hơn 2.200 m2 được đề xuất xây dựng trụ sở văn phòng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội cao 45m, quy mô 14 tầng+ 1 tum.
Đối với khu đất “vàng” 45B Lý Thường Kiệt rộng hơn 1.000 m2 sẽ xây trụ sở văn phòng Công ty CP sách và thiết bị trường học Hà Nội, với đề xuất điều chỉnh quy mô chiều cao tối đa 12 tầng.
Lí giải về đề xuất điều chỉnh quy hoạch tại 2 dự án trên để xây dựng công trình cao tầng, TP Hà Nội cho rằng, công trình có chức năng văn phòng nên không làm quá tải dân số, mà sẽ góp phần đồng bộ các hoạt động dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng chất lượng cao rất cần cho khu vực trung tâm Thủ đô. Bên cạnh đó, nhà đầu tư 2 dự án trên cũng đề nghị được đóng góp kinh phí xây dựng, nâng cấp hạ tầng và kiến trúc cảnh quan chung khu vực.
Cũng theo UBND TP Hà Nội, dự án đủ điều kiện để xem xét quy mô chiều cao công trình tạo điểm nhấn không gian kiến trúc, đủ điều kiện để xem xét quy mô chiều cao công trình.
Cũng phải nói thêm rằng, Phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm thuộc khu phố cũ Hà Nội, theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, khu phố cũ Hà Nội được định hướng ưu tiên phát triển công trình văn hóa, dịch vụ du lịch, văn phòng làm việc, ngân hàng, tài chính, chứng khoán…
Chiều cao các tòa nhà theo quy hoạch đặc trưng từ 4-6 tầng, và được lựa chọn một vài công trình có điều kiện làm điểm nhấn đô thị, đóng góp vào cảnh quan chung.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng ban hành quy chế quản lí quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội và quy chế quản lí quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử.
Theo Quyết định số 11 ngày 07/4/2016 về "Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử" do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký thì phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) thuộc khu phố cũ Hà Nội (có ký hiệu A4) với quy định không xây dựng mới các công trình cao tầng (tức là từ 9 tầng trở lên - PV).
Đây là thực trạng tại dự án xây dựng công trình hỗn hợp, thương mại, văn phòng và nhà ở tại số 22-24 phố Hàng Bài và số 25-27 phố Hai Bà Trưng (tên thương mại là dự án D’.San Raffles).
Trong năm 2019, Hà Nội cũng đã có văn bản trả lời kiến nghị cử tri quận Hoàn Kiếm liên quan đến những dự án ôm “đất vàng” chậm triển khai trên phố Hàng Bài, Lý Thường Kiệt gây lãng phí, bức xúc dư luận.
Theo UBND TP, về các dự án chậm triển khai ở Hàng Bài, Lý Thường Kiệt mà cử tri phản ánh, chủ yếu là dự án khách sạn, thương mại. Theo đó, dự án chưa triển khai thực hiện do vướng mắc về quy hoạch 4 quận nội thành trung tâm Thành phố.
Cụ thể, đối với Dự án xây dựng công trình hỗn hợp, thương mại, văn phòng và nhà ở tại số 22-24 phố Hàng Bài và số 25-27 phố Hai Bà Trưng (tên thương mại là dự án D’.San Raffles), UBND TP đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 24/06/2010, cấp điều chỉnh lần 1 năm 2015 cho Công ty cổ phần thời đại mới T&T (doanh nghiệp được giới thiệu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại website của Tập đoàn) để thực hiện dự án.
Dự án có diện tích sử dụng đất 4.072,9m2, quy mô đầu tư theo quy hoạch được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận ngày 9/1/2015 với chiều cao công trình 8 tầng với tổng vốn đầu tư 992,679 tỉ đồng. Theo kế hoạch tiến độ dự án thực hiện từ 2015-2018.
Dự án này, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản ngày 27/3/2015 xác nhận dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thủ tục dự án, nhà đầu tư đã có đề nghị điều chỉnh về quy hoạch kiến trúc, báo cáo để đẩy nhanh tiến độ, cho phép tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch kiến trúc đã được chấp thuận trước đây và được UBND TP chấp thuận.
"Lí do chậm triển khai là sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty cổ phần thời đại mới T&T đã đề nghị xin điều chỉnh dự án về chức năng, chiều cao công trình", UBND TP cho biết.
Ngày 1/9/2017 Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về một số công trình tại khu phố cũ, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND Thành phố và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá các đề xuất đối với các công trình tại khu phố cũ.
Tháng 10/2018, Công ty lập hồ sơ điều chỉnh tổng mức đầu tư và tiến độ Dự án; giữ nguyên quy mô, chức năng công trình đã được chấp thuận tại Giấy chứng nhận đầu tư.