Tại sự kiện Huawei Connect ở Thượng Hải ngày 18/6, ông Ken Hu, Phó Chủ tịch Huawei, trần tình về những áp lực mà tập đoàn công nghiệp Trung Quốc phải đối mặt trong suốt nửa năm qua.
Từ tháng 5/2019, nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới liên tiếp lao đao. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, Huawei bị chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa vào "danh sách đen".
Điều đó có nghĩa là các công ty Mỹ bị hạn chế bán sản phẩm, linh kiện quan trọng như chip máy tính, phần mềm và công nghệ cho Huawei khi chưa được sự thông qua của chính quyền Washington.
Chính quyền Mỹ coi Huawei là một mối đe dọa an ninh và cáo buộc tập đoàn này thực hiện các hành vi gián điệp. Hồi tháng 8, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi mô tả công ty này "đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sinh tử".
Huawei khai màn Connect 2019 trong thời điểm công ty này gặp rất nhiều khó khăn vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh: Huawei).
Nhưng tại sự kiện ở Thượng Hải, ông Ken Hu khẳng định công ty này "vẫn đang hoạt động ổn, tựa như khí trời Thượng Hải ngày hôm nay với gió thu mát mẻ và những đám mây nhẹ nhàng”.
Huawei ước tính sẽ đạt doanh thu từ 20-30 tỉ USD trong năm nay, bất chấp những ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ. Ông Ken Hu vạch ra kế hoạch “4 lĩnh vực” nhằm biến Huawei thành một "cường quốc điện toán" với sự bùng nổ của “đại dương xanh điện toán” trong vòng 10 năm tới.
"Tương lai của điện toán là một thị trường khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỉ USD mỗi năm," ông nói. Huawei ước tính trong 5 năm tới, điện toán thống kê sẽ trở thành xu hướng chủ đạo và điện toán AI sẽ chiếm hơn 80% tổng sức mạnh tính toán được sử dụng trên toàn thế giới.
Các ứng dụng phức tạp như xe tự lái, thiên văn học và dự báo thời tiết sẽ đòi hỏi sức mạnh máy tính nhiều hơn bao giờ hết. Và các thuật toán này sẽ có mặt khắp nơi, từ tai nghe, smartphone, đến các cỗ máy tính quan sát thiên văn, đến các công trình giáo dục, y tế, môi trường.
Tại sự kiện, ông Ken Hu cũng giới thiệu cụm đào tạo AI có tên Atlas 900.
Huawei giới thiệu cụm đào tạo AI có tên Atlas 900.
"Không một công ty nào có thể tự mình gánh vác toàn bộ ngành công nghiệp khổng lồ này", đại diện Huawei nói. Do đó, Huawei công bố khoản đầu tư 1,5 tỉ USD trong 5 năm tới để mở rộng chương trình nhà phát triển của hãng.
Chương trình Nhà phát triển Huawei thực chất đã được công bố từ năm 2015. Huawei cho biết đã hỗ trợ hơn 1,3 triệu nhà phát triển và 14.000 nhà cung cấp phần mềm độc lập trên toàn thế giới. Tại hội nghị Tech4All trong khuôn khổ sự kiện, Huawei cho biết các dự án họ quan tâm trải dài trong các lĩnh vực từ y tế, giáo dục, phát triển đến môi trường.
Với số đầu tư mới, Huawei hi vọng sẽ nâng con số hỗ trợ lên 5 triệu nhà phát triển và cho phép các đối tác của công ty phát triển các ứng dụng và giải pháp mới. Chương trình cũng mở rộng hỗ trợ các đối tác phát triển thế hệ tiếp theo của các ứng dụng và giải pháp thông minh.
Huawei tuyên bố hướng khoản đầu tư này đến sự phát triển của toàn ngành công nghệ, không chỉ tập trung vào phần mềm và phần cứng của riêng mình.
Tại Việt Nam, Nova 5T có thể là smartphone Huawei cuối cùng có dịch vụ Google. (Ảnh: Xuân Tiến).
Tuy vậy, giới quan sát nhận định việc phát triển hệ sinh thái riêng vẫn sẽ là yêu cầu hàng đầu của Huawei, nhất là trong bối cảnh các hệ quả của thương chiến đã bắt đầu định hình.
Tháng 8, Google xác nhận không hỗ trợ dòng Mate 30 sắp ra mắt, và lập tức Huawei đã tính tới việc lùi thời gian bán sản phẩm này ở thị trường quốc tế do không còn quyền sử dụng các dịch vụ này của Google, theo SCMP.
Hồi tháng 8, người sáng lập Huawei thông báo kế hoạch tinh giản cấu trúc, đồng nghĩa với việc cắt giảm nhân sự. Cùng tháng đó, hãng tung ra HongmengOS (hay HarmonyOS) để kết nối nhiều thiết bị từ smartphone đến loa và các cảm biến.
Đây được coi là nỗ lực của công ty Trung Quốc để từng bước hạn chế sự phụ thuộc và nền tảng Android của Google.