Dự kiến chiếc điện thoại đầu bảng Huawei Mate 30, kế nhiệm Huawei Mate 20, sẽ được giới thiệu vào ngày 18/9 tới tại Munich, Đức.
Đây không chỉ là một sự kiện ra mắt thông thường, nó còn cho người dùng thấy hậu quả mà các lệnh cấm của Chính phủ Mỹ đã ảnh hưởng tới Huawei như thế nào.
Những khả năng nào cho điện thoại Huawei sống sót?
Có ba khả năng sẽ xảy ra đối với mẫu flagship này. Đó là, Mate 30 sẽ vẫn chạy Android, vẫn có ứng dụng Google; khả năng thứ hai là vẫn chạy Android nhưng không có Google, và cuối cùng là chạy một phiên bản hệ điều hành hoàn toàn khác.
Google muốn cứu Huawei nhưng 'lực bất tòng tâm'. (Ảnh: Reuters).
Khả năng đầu tiên rất khó có thể xảy ra nếu Chính phủ Hoa Kì không có thêm bất cứ quyết định nào. Tuần trước, Mỹ tuyên bố tạm hoãn lệnh cấm cho Huawei nhưng theo Reutes, chính sách này không áp dụng với các sản phẩm mới.
Khả năng thứ hai phù hợp với lượng nhỏ người dùng muốn Android nhưng không thích các ứng dụng của Google, hay các dịch vụ liên quan. Do đó, Mate 30 có thể sẽ chạy Android phiên bản mã nguồn mở miễn phí nhưng không có Google Play, YouTube hay Gmail,…
Khả năng thứ ba nếu xảy ra thực sự sẽ là một điều tồi tệ cho cả Huawei và Google. Hãy nhớ rằng Google không kiếm tiền trực tiếp từ Android, mà nó kiếm tiền qua hệ sinh thái Android.
Và việc thay thế Android bằng bất kì hệ điều hành nào cũng sẽ phá hỏng thiết bị này. Quan trọng hơn, điều này nếu xảy, ra nó sẽ đẩy Huawei khỏi Google mãi mãi.
Một phát ngôn viên của Huawei nói với Reuters rằng, Huawei sẽ tiếp tục sử dụng hệ điều hành Android và hệ sinh thái đi kèm với nó nếu chính phủ Mỹ cho phép chúng tôi làm như vậy.
Nếu không, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển hệ điều hành và hệ sinh thái của riêng mình, người này cho biết.
Nói các khác, Huawei đang phát đi một thông điệp: Nếu chúng tôi không thể sử dụng Android, thì tốt thôi. Chúng tôi đã có HongmengOS.
Google sẽ mất nhà sản xuất điện thoại thông minh Android lớn nhất nhì thế giới nếu bị Huawei quay lưng. (Ảnh: CNBC).
Hệ điều hành riêng của Huawei – HarmonyOS/HongmengOS, được biết đến như một kế hoạch dự phòng của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng HarmonyOS chưa sẵn sàng để thay thế Android, ít nhất là tại thời điểm hiện tại.
Huawei cho biết sẽ phát hành thử nghiệm hệ điều hành này tại thị trường nội địa Trung Quốc trong năm nay, và rất có thể mở rộng ra toàn cầu vào năm 2020.
Nếu điều đó xảy ra, Google sẽ mất nhà sản xuất điện thoại thông minh Android lớn nhất nhì thế giới – Huawei đã bán được 15% tổng số điện thoại thông minh trên toàn cầu vào quý II/2019.
Chắc chắn rằng Google rất muốn cứu Huawei, nhưng không rõ gã khổng lồ này có thể làm gì. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng Google đang làm mọi thứ để giúp đối tác Trung Quốc của họ.
Bộ Thương mại Hoa Kì cũng đã nhận được hơn 130 đơn từ các công ty Mỹ, yêu cầu cấp giấy phép bán hàng hóa cho Huawei.
Theo Reuters, chính quyền Trump vẫn chưa cấp bất kì giấy phép bán hàng nào cho Huawei. Điều đó đã làm tăng thêm hàng tỉ đô la doanh số bị mất cho các nhà sản xuất chip, công ty phần mềm và những đơn vị khác trong chuỗi cung ứng của Huawei tại Hoa Kì.
Tháng 5/2019, Huawei đã bị Nhà Trắng đưa vào danh sách đen về thương mại trước những cáo buộc gián điệp, "đi đêm" với Chính phủ Trung Quốc cũng như những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.