Thông tin PGS.TS Bùi Hiền - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ công bố toàn văn đầy đủ công trình nghiên cứu mang tên "Đề xuất một phương án cải tiến chữ quốc ngữ" theo hướng tiết giảm một số lượng âm tiết trong tiếng Việt tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, công trình này chỉ mang tính chất cá nhân chứ chưa mang tính thực tiễn để có thể áp dụng ngay được.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hiền mong muốn có một phần mềm, chương trình có thể tự động chuyển đổi được sang tiếng Việt mới theo đề xuất của ông.
PGS.TS Bùi Hiền mong sẽ có một phần mềm tự động chuyển đổi được sang tiếng Việt mới theo đề xuất của ông. Video: Đình Tuệ. |
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho rằng, đây là một công trình nghiên cứu khoa học, là sản phẩm khoa học nên được công bố trên các tạp chí chuyên ngành và tạo diễn đàn trao đổi, tranh luận giữa các nhà khoa học. Chỉ trên cơ sở có sự thống nhất cao, được cơ quan khoa học có thẩm quyền, uy tín khoa học cao mới có thể đề nghị đến các cơ quan nhà nước về một vấn đề cụ thể.
PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Ảnh: Đình Tuệ. |
Ông An nhấn mạnh: "Đối với vấn đề thay đổi bảng chữ cái, đây là một công việc rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến xã hội trên nhiều mặt, cả kinh tế, văn hoá, tâm lý, xã hội... Cho nên phải hết sức thận trọng, phải nghiên cứu, trao đổi kỹ lưỡng, nghiêm túc, nếu được đánh giá là hiệu quả và có lợi cho sự phát triển thì mới nên kiến nghị.
Và đó phải là ý kiến của Hội Ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học và các cơ quan khoa học khác. Tuy nhiên, hiện nay đây chỉ là ý kiến cá nhân nhà khoa học, ai quan tâm thì cứ phát biểu tranh luận, mang tính chuyên môn, không nên chỉ trích hay thoá mạ tác giả, nên trân trọng những thành quả nghiên cứu của nhà khoa học.
Tóm lại, hãy cứ tạo diễn đàn cho giới chuyên môn, thông qua đó, sẽ biết vấn đề này có nên làm hay không".
Theo quan điểm của PGS Lưu Văn An, không nên thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt vì hệ luỵ nó mang lại quá lớn, lợi bất cập hại, làm ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong xã hội. Ngôn ngữ nào cũng có những ưu điểm, hạn chế. Nếu những hạn chế không có ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế, văn hoá, xã hội... thì nên giữ nguyên và có biện pháp quản lý, hướng dẫn thống nhất trên cả nước về cách viết theo quy phạm.
Việc giảng dạy tiếng Việt trong các nhà trường cần được quan tâm hơn nữa, giảm thiểu việc nói, viết sai. Các nhà xuất bản, cơ quan báo chí truyền thông cũng phải rà soát, kiểm tra kỹ văn bản các bài viết trước khi phát hành. Các nhà ngôn ngữ cần chỉ ra những sai sót, hạn chế trong phát âm và viết để chấn chỉnh. Đồng thời có sáng kiến bảo vệ và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt - niềm tự hào của văn minh Việt từ hàng nghìn năm nay.
PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam trân trọng ý kiến đề xuất của PGS Bùi Hiền, nhưng phải xem xét lại tính khả thi của công trình. Ảnh: NVCC. |
Còn theo PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thì cho rằng, ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ là ý kiến của một nhà ngôn ngữ học, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay. Hiện tại, PGS Bùi Hiền công bố toàn văn nghiên cứu của mình là việc cá nhân thầy Hiền. Hội không có ý kiến thêm về đề tài này.
Cũng theo ông Tình, vấn đề này còn nhiều phức tạp và phải thẩm định thì mới xem xét được. Không phải ai làm trong ngành ngôn ngữ học cũng làm được, mà phải là những người có hiểu biết về âm vị học cộng thêm các cơ sở khác nữa. Nếu có hẳn một đề án mang tính quốc gia thì câu chuyện lại khác, hội ngôn ngữ sẽ có ý kiến chính thức sau.
Ở lần công bố trước đó khi một nửa của công trình nghiên cứu phần phụ âm được đưa ra, đại diện Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng đã chỉ ra một số mặt chưa được của công trình này.
"Với ngôn ngữ, chữ viết của cả một cộng đồng (dù lớn hay nhỏ), khi đã định hình thì mọi sự thay đổi đều là chuyện đại sự, sẽ nan giải nhiều bề. Điều quan trọng là phải tính tới tính khả thi của nó.
Chúng ta từng biết, tiếng Nga, tiếng Pháp và nhất là tiếng Anh cũng đã bộc lộ nhiều bất hợp lí giữa chính âm và chính tả. Người Nga, người Pháp, người Anh cũng đã đi trước chúng ta về việc cải cách chữ viết nhưng đều thất bại.
Nói như thế để nhấn mạnh một điều, phương án cải tiến chữ quốc ngữ của chúng ta khi đưa ra cần phải cân nhắc tới nhiều nhân tố, nếu không vô hình trung chúng ta tự đưa mình vào một 'mê hồn trận', làm đảo lộn nhiều vấn đề liên quan tới chữ viết, ngôn ngữ và văn hóa của cả dân tộc", PGS Phạm Văn Tình cho hay.
Bài thơ 'Thương ông' trong 'Tiếw Việt' mới sẽ được viết như thế nào?
Theo PGS.TS Bùi Hiền, bài thơ "Thương ông" của tác giả Tú Mỡ khi được viết theo cách mới thì cách đọc vẫn như cũ, ... |