Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông vẫn đang bàn tới câu chuyện “cải tiến chữ quốc ngữ” do PGS.TS Bùi Hiền (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) đưa ra mới đây. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này của PGS Bùi Hiền là “vô lý”, thậm chí có những bình luận thiếu văn hóa về ý tưởng này.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện Báo chí &Tuyên truyền để ghi nhận thêm ý kiến về vấn đề này.
PGS.TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện Báo chí &Tuyên truyền. Ảnh: Đình Tuệ. |
Ông có bình luận như thế nào về đề xuất mới đây của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến tiếng Việt vốn đang gây ra nhiều tranh luận thời gian qua?
PGS.TS Lưu Văn An: Đầu tiên, nhìn vào bối cảnh nền giáo dục của nước ta hiện nay đang bước vào quá trình đổi mới căn bản và toàn diện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Giáo dục của chúng ta đang bị lạc hậu so với nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Do chưa đáp ứng được nhu cầu của người học, tỉ lệ sinh viên của chúng ta ra nước ngoài để học đang khá cao. Vì thế, chúng ta đang tiến hành đổi mới giáo dục toàn diện.
Tôi thấy ý kiến đề xuất của PGS Bùi Hiền – một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học nhằm mục đích cho bảng chữ cái được ngắn gọn, đỡ phiền phức và không bị sai chính tả như đã có là rất đáng hoan nghênh. Phải là một người rất trăn trở và tâm huyết với chữ cái nói riêng và sự nghiệp giáo dục của nước nhà nói chung thì mới đưa ra ý kiến như vậy.
Dù đề xuất này là đúng hay chưa đúng, có được xã hội chấp nhận hay không thì đó là một câu chuyện khác. Trong xã hội luôn rất cần có những ý kiến phản biện mới đi lên. Chứ không phải theo một lối mòn cũ là “thầy dạy gì, trò chép nấy”. Bản thân thầy giáo hay học trò cũng cần phải bổ sung kiến thức để cập nhật các kiến thức mới của thời đại.
Tôi đánh giá rất cao tinh thần, thái độ trách nhiệm của thầy Hiền, ông là một con người tâm huyết!
Vậy theo ông, vấn đề mà PGS.TS Bùi Hiền đưa ra để cải tiến chữ quốc ngữ nhằm giảm bớt số lượng chữ cái trong bảng chữ cái từ 38 xuống còn 31 ký tự có nên thực hiện trong giai đoạn hiện nay hay không?
PGS.TS Lưu Văn An: Câu chuyện của thầy Bùi Hiền tôi cho rằng không nên bàn ở cách tiếp cận đúng – sai, chỉ nên xem xét ở góc độ nên – không nên mà thôi.
Hệ thống chữ cái của Việt Nam cũng đã trải qua nhiều thập kỷ (từ 1945 – nay), bản thân chữ cái Việt Nam cũng có nhiều biến động. Chúng ta đã tiếp thu và kế thừa một số chữ cái mới của Châu Âu như: W, J, Z…Trong quá trình đó, chúng ta đã “Việt hóa” những từ đó và dùng từ nhiều năm nay để thành thói quen.
Để hình thành một nền văn hóa phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm. Tuy nhiên, để hình thành một hệ thống chữ viết ổn định và được cả xã hội chấp nhận cũng là cả một quá trình lâu dài sau nhiều năm. Dù ta vẫn biết có một số chữ cái không hợp lý nhưng được cả xã hội chấp nhận rồi thì mình vẫn phải chấp nhận. Rất nhiều từ ngữ Việt Nam chúng ta nói sai nhưng vẫn được chấp nhận như: “Xe cộ”, “đường sá”, “nhân cách con người”…
Đề xuất cải tiến một phần chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền hiện vẫn đang gây ra nhiều ý kiến tranh luận. Ảnh tư liệu: Đình Tuệ. |
Do đó, tôi cho rằng văn hóa không chỉ là khoa học (khoa học đòi hỏi sự chính xác cao). Văn hóa chỉ dựa trên nền tảng khoa học thôi chứ vẫn dựa vào nhiều yếu tố như tâm lý, trình độ hiểu biết, phương thức sản xuất… Ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng nhất tác động đến văn hóa. Bởi vậy, ngôn ngữ không nhất thiết lúc nào cũng phải nói chính xác 100%.
Còn câu chuyện chữ viết – thứ chúng ta đã dùng mấy chục năm nay rồi thì theo tôi, chúng ta nên đi thay đổi vấn đề khác về chương trình, kiến thức, cách tiếp cận... Chữ viết của chúng ta được cả xã hội chấp nhận rồi nên chưa cần thiết phải thay đổi. Dẫu rằng cũng có những điều xã hội chấp nhận mà vẫn sai nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều tới phát triển, khoa học công nghệ hay vấn đề in ấn. Khi hệ thống chữ cái ổn định rồi thì chúng ta nên giữ gìn.
Có ý kiến cho rằng khi giảm số lượng chữ cái sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thứ, ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Lưu Văn An: Tôi thấy chúng ta cần xem xét vấn đề này một cách kỹ lưỡng. Dù là tiết kiệm được ở mặt này nhưng lại ảnh hưởng tới mặt khác, đặc biệt liên quan đến vấn đề nhận thức.
Xét về mặt thẩm mỹ, cảm quan tôi thấy chữ mới không thể đẹp bằng chữ hiện tại. Có thể việc thay đổi chữ mới sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 8% chi phí in ấn, nhưng nó cũng chưa là gì so với nhiều vấn đề khác. Làm sao để khi viết chữ, người ta ngoài viết chính xác mà còn phải cảm thụ được cái đẹp, thả tâm hồn mình vào với từng con chữ.
Ngoài ra, để có thể quen được với chữ mới này cũng cần một thời gian dài để tạo thói quen và cũng vô tình tạo ra những tranh cãi khó tránh. Đáng ra, thời gian đó để làm những việc khác có ích hơn. Còn việc các em học sinh viết một số từ bị sai quy tắc chính tả thì chỉ có cách các em phải học cho kỹ để viết đúng.
Bên cạnh đó, việc một âm được viết bằng nhiều chữ cái khác nhau, một từ có thể đa âm, một âm có thể đa từ cũng có cái hay của nó.
Theo ông, để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt thì thể hiện ở những khía cạnh nào?
PGS.TS Lưu Văn An: Theo tôi, sự trong sáng của Tiếng Việt thể hiện ở việc phát âm đúng. Tuy nhiên, thực tế chúng ta vẫn đang phát âm chưa đúng, hoặc là sai từ nọ sai từ kia.
Ví dụ như ở Miền Bắc, từ “Ch - Tr”, “S – X”, “D – R – Gi”… nhiều người đều phát âm giống nhau. Các phụ âm đầu tố đều nói giống nhau: “Da diết”, “giỏi giang” hay “rõ ràng” đều là âm đó cả. Một số nơi còn nói ngọng giữa “N – L” – khi ấy chỉ người địa phương của họ hiểu với nhau theo từ địa phương, chúng ta không kì thị và cũng cần thông cảm cho họ.
Một số người ở Miền Trung thường nói ngọng giữa dấu câu “hỏi (?) – ngã (~)”. Hay trong Miền Nam có người nói ngọng phụ ấm cuối (Anh – Ăn).
Vì vậy phải tái khẳng định, văn hóa cũng như chữ viết của chúng ta chỉ mang tính tương đối, chỉ có khoa học mới là tuyệt đối mà thôi. Ngôn ngữ là cái để chúng ta hiểu nhau, thấu đạt tình cảm và ý hiểu nhau.
Về một số ý kiến mang tính “thóa mạ” và thiếu văn hóa trên mạng xã hội trước đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, ông đánh giá ra sao thực trạng này?
PGS.TS Lưu Văn An: Các ý kiến góp ý trên mọi diễn đàn đều phụ thuộc vào trình độ năng lực, thái độ và nhân cách sống của từng cá nhân.
Tôi rất hoan nghênh những con người đưa ra ý tưởng mới. Tất cả những cái mới đầu tiên chỉ đưa ra có một vài cá nhân và là thiểu số, thời gian đầu có thể bị đả phá gay gắt. Ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền không vì mục đích cá nhân mà ông vì cái chung, mong muốn cải tiến chữ viết của đất nước. Động cơ của ông là trong sáng, thái độ rất xây dựng nên chúng ta cũng cần hoàn nghênh ý kiến đó. Không nên có những thái độ nhảy xô vào chỉ trích nặng nề ông như một số người thời gian qua.
Tôi rất tâm đắc với một câu châm ngôn ở phương Tây: “Trong một xã hội phải chấp nhận sự khác biệt”. Phải có ý kiến phản biện thì mới ra cái mới được. Chúng ta nên khuyến khích những ý kiến mới, có thể đúng có thể chưa đúng nhưng phải vì cái chung.
Vì vậy, những ai có thái độ phê phán, bài xích và thóa mạ đề xuất trên thì nên dừng lại.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đề xuất cải tiến chữ 'Giáo dục' thành 'Záo Zụk': 'Ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của chính tả tiếng Việt'
Một số chuyên gia ngôn ngữ học cho rằng, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền cho rằng nên viết 'Giáo ... |