Đề xuất đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng làm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đi qua huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài khoảng 60,1 km; phân kỳ giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.365 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP - hợp đồng BOT), theo Báo Đồng Nai.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp (bao gồm hoàn trả chi phí chuẩn bị dự án theo quy định tại Khoản 1, Điều 73 của Luật PPP) hơn 7.000 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 1.300 tỷ đồng.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, phần vốn nhà nước chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình. Chi phí chuẩn bị dự án của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị chuẩn bị dự án PPP sẽ do nhà đầu tư được lựa chọn chịu trách nhiệm hoàn trả về ngân sách nhà nước.

Đối với việc thu phí hoàn vốn cho dự án, mức phí khởi điểm được đề xuất là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn, dự kiến tăng từ 200- 400 đồng/km/xe tiêu chuẩn sau mỗi hai năm. Dự án dự kiến hoàn vốn trong vòng 20 năm 3 tháng.

Bộ Giao thông vận tải dự kiến chuẩn bị dự án từ năm 2021-2022; lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2022-2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư từ năm 2022-2023; thi công xây dựng công trình từ năm 2023-2025.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 60,1 km, với điểm đầu tại Km0+000, kết nối với quốc lộ 1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận huyện Nhất; điểm cuối tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với quốc lộ 20 tại Km69+400), thuộc địa phận H.Tân Phú (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc). 

Công trình được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là đoạn đầu của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Trước đó, vào cuối năm 2021, tại buổi làm việc về dự án xây dựng đường bộ Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP), Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục theo quy định, phấn đấu khởi công đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 10/2022 và hoàn thành trong năm 2025.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.