Đề xuất kéo dài thời hạn lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhiều ý kiến đồng tình với phương án lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3/1/2023 đến 15/3/2023, thậm chí kéo dài hơn để để tránh trùng vào dịp Tết nguyên đán và có đủ thời lượng nghiên cứu, thẩm thấu dự án Luật sao cho thấu đáo.

Theo chương trình Phiên họp thứ 18, chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo Cổng TTĐT Quốc hội.

Trình bày Tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, mục đích của việc này là phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong tham gia xây dựng Luật; tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi và tổ chức thi hành Luật.

Việc tổ chức lấy ý kiến thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật và các hình thức khác phù hợp. 

Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 3/1/2023 đến ngày hết ngày 28/2/2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai sửa đổi. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Sau khi nghe Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo một số ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Đề cập về thời gian lấy ý kiến nhân dân (Điều 5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Trong đó, 100% Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 15/3/2023. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một phiên họp riêng về dự án Luật này vào thời điểm sau ngày 20/4/2023.

Nói thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thông tin, 100% Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị lấy ý kiến nhân dân từ 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023 để tránh trùng với thời gian Tết Âm lịch. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ cho ý kiến thêm.

Về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần kéo dài thời gian đến ngày 15/3/2023 hoặc hết tháng 3/2023. Theo ông, nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, có tác động lớn đối với nhân dân. Về nguyên tắc, tháng 5 mới bắt đầu kỳ họp của Quốc hội và tháng 10 mới thông qua dự thảo Luật, do đó cũng có độ trễ thời gian. Trong giai đoạn này, nếu triển khai Nghị quyết cũng bắt đầu vào giai đoạn tết cổ truyền,… Thời gian lấy ý kiến như vậy là rất gấp, do đó cần cân nhắc, nghiên cứu thêm.

Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đồng tình với phương án lấy ý kiến từ ngày 3/1/2023 đến 15/3/2023, thậm chí kéo dài hơn để để tránh trùng vào dịp Tết nguyên đán và có đủ thời lượng nghiên cứu và thẩm thấu dự án Luật sao cho thấu đáo.

Bên cạnh vấn đề về thời gian thực hiện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về nhiều nội dung khác như đối tượng, hình thức, nội dung, trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến,… Các đại biểu nhận định, nếu không có cách làm rốt ráo và có phương pháp tốt thì việc lấy ý kiến sẽ mang tính hình thức.  

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.