Đề xuất không phát triển Cảng Liên Chiểu trong qui hoạch Đà Nẵng

Đơn vị tư vấn qui hoạch đô thị Đà Nẵng - Surbana Jurong đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa, không phát triển Cảng Liên Chiểu.

Giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương điều chỉnh Qui hoạch chung TP Đà Nẵng và đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh qui hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Định hướng phát triển đô thị Đà Nẵng là phát triển theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng. Về cấu trúc đô thị, phát triển hài hòa với bảo tồn và phát triển cấu trúc khung thiên nhiên biển - sông - núi trong lòng đô thị vốn là đặc trưng, bản sắc của đô thị Đà Nẵng.

Phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đô thị theo mô hình đô thị nén, hiện đại đồng thời đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội tương ứng. Từ đó, đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị; phát triển đô thị xanh - sinh thái cho khu vực ngoại vi.

Tại cuộc "Tọa đàm mùa xuân 2019" của TP Đà Nẵng diễn ra ngày 1/3, Tập đoàn Surbana Jurong kí kết với TP Đà Nẵng trong việc tư vấn lập đồ án điều chỉnh Qui hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Anh

Một góc đô thị Đà Nẵng hiện nay. (Ảnh: Văn Luận).

Ngày 18/10 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị thảo luận về Đồ án điều chỉnh Qui hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với sự tham dự, chủ trì của Bí thư Thành ủy - Trương Quang Nghĩa.

Tại hội nghị, đơn vị tư vấn qui hoạch đô thị Đà Nẵng - Surbana Jurong đề xuất mô hình đô thị cho Đà Nẵng là một đô thị nén cho khu vực trung tâm và phát triển mở rộng về phía Tây.

Dự báo dân số 1,97 triệu vào năm 2045, thì mật độ khoảng 10.000 - 13.000 dân/km, là mật độ tương đối cao. Vì vậy, cần tính toán đến hai phương án, cả nén và mở rộng đô thị. 

Sau năm 2030, phát triển những khu vực vùng đồi núi phía Tây. Khu vực này sẽ có mật độ dân số cao hơn với các chung cư cao tầng.

Cấu trúc đô thị gồm 3 phân vùng phát triển, với khu vực mặt nước dọc theo bờ biển và sông, khu công viên giữa đô thị và khu vực sườn đồi phía Tây. Đường chân trời đô thị sẽ cao dần từ phía Đông về phía Tây.

Đến năm 2045, dân số trẻ sẽ phải sống dịch về ngoại thành phía Tây thành phố.

Đáng chú ý, đơn vị tư vấn Surbana Jurong đề xuất chọn phương án phát triển tối đa sân bay Đà Nẵng và liên kết với các sân bay trong khu vực như Phú Bài, Chu Lai. Đồng thời, mở rộng cảng Tiên Sa, không phát triển cảng Liên Chiểu.

Theo UBND TP Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa đã đồng tình với phương án phát triển tối đa sân bay Đà Nẵng, xây dựng đô thị sân bay và liên kết với các sân bay trong khu vực.

Ông Nghĩa đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu sâu hơn, có sự phân tích, so sánh cụ thể trên cơ sở khoa học đối với vấn đề tiếp tục mở rộng cảng Tiên Sa, hay phát triển Cảng Liên Chiểu.

Về qui hoạch, phát triển Đà Nẵng như đô thị lõi của vùng đô thị bao gồm các tỉnh, thành lân cận.

Đà Nẵng đề nghị bố trí vốn 500 tỉ đồng làm dự án Cảng Liên Chiểu

Về việc làm Cảng Liên Chiểu, UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị Trung ương sớm bố trí vốn 500 tỉ đồng làm dự án Cảng Liên Chiểu.

Theo đó, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thay mặt UBND thành phố đề nghị Bộ KH&ĐT cần tham mưu Chính phủ hoàn thành thủ tục đầu tư, bố trí vốn từ nguồn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để khởi công và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu, tại địa bàn quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Khoản kinh phí nêu trên sẽ được dùng để triển khai thực hiện các hạng mục gồm: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cung cấp, lắp đặt thiết bị; đường giao thông kết nối cảng; san lấp nền hạ tầng giao thông chung ngoài cảng; hệ thống cấp điện, cấp nước, chiếu sáng đến cảng; công trình bến tạm phục vụ thi công; thực hiện khoảng 35% khối lượng công việc xử lí nền của kè chắn sóng và đê chắn sóng...

Đối với số vốn còn lại để hoàn thành dự án theo qui mô được duyệt, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền bố trí vốn cho dự án trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Anh2

Phối cảnh Cảng Liên Chiểu.

Dự án Cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư hơn 3.426 tỉ đồng. Cảng Liên Chiểu sau khi làm sẽ đảm nhận vai trò khu bến chính của cửa ngõ quốc tế tại miền Trung, với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu vận chuyển container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.