Đề xuất phát triển loạt khu đô thị mới ở KKT Dung Quất

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Dung Quất đề xuất phát triển các khu đô thị Vạn Tường, khu đô thị Đông Nam Dung Quất, Khu đô thị Tịnh Hòa - Tịnh Kỳ phía Đông hình thành dải đô thị, du lịch, dịch vụ ven biển kết nối với các khu đô thị, dịch vụ Dốc Sỏi, Châu Ổ- Bình Long, Tịnh Phong,...

 Một góc KKT Dung Quất. (Ảnh: baoquangngai.vn).

HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo tờ trình của UBND tỉnh Quảng Ngãi, phạm vi ranh giới quy hoạch KKT Dung Quất có quy mô diện tích khoảng 45.332 ha. Đây là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo là luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu.

KKT Dung Quất là khu vực phát triển đô thị; trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. Đồng thời là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Toàn KKT Dung Quất được chia làm 5 phân khu chức năng chính để kiểm soát phát triển gồm: Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; Phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất; Phân khu đô thị Lý Sơn.

Đồ án quy hoạch đề xuất phát triển các khu đô thị Vạn Tường, khu đô thị Đông Nam Dung Quất, Khu đô thị Tịnh Hòa - Tịnh Kỳ phía Đông hình thành dải đô thị, du lịch, dịch vụ ven biển kết nối với các khu đô thị, dịch vụ Dốc Sỏi, Châu Ổ- Bình Long, Tịnh Phong nằm dọc hành lang hạ tầng kỹ thuật (quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam) ở phía Tây; các vùng nông nghiệp, nông thôn nằm đan xen trong liên kết với vùng lõi xanh tạo thành các vành đai và không gian xanh chuyển tiếp giữa các khu chức năng trong KKT Dung Quất.

Phát triển các KCN trong đó cơ bản kế thừa định hướng phát triển công nghiệp ở phía Bắc gắn với Cảng nước sâu Dung Quất đã định hình và có sự điều chỉnh quy hoạch đạt hiệu quả tối ưu về không gian, kinh tế và môi trường.

Còn hướng phát triển xuống phía Nam là khu vực phát triển KCN Bình Hòa - Bình Phước, KCN Bình Thạnh ở khu vực trung độ KKT Dung Quất, công nghiệp Tịnh Phong phía Tây Nam và hình thành KCN đô thị dịch vụ ở phía Nam KKT Dung Quất.

Hệ thống giao thông quốc gia ở phía Tây KKT Dung Quất gồm: Quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam, đường sắt cao tốc, đường sắt Bắc Nam. Bổ sung trục dọc trung tâm KKT Dung Quất (trục đường Dốc Sỏi - Hoàng Sa) kết nối sân bay Chu Lai - Dung Quất - TP Quảng Ngãi.

Bổ sung thêm trục ngang kết nối từ cao tốc Bắc - Nam qua Bình Hiệp, KCN Bình Thanh đến KĐT Vạn Tường; từ cao tốc Bắc - Nam qua Tịnh Phong, KCN Dung Quất II kết nối với trục đường ven biển,...

Sau khi HĐND tỉnh thông qua đồ án quy hoạch, UBND tỉnh sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, trình Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.