Là một trong những nơi có cuộc sống êm ả nhất thế giới, nhưng ngọn núi thiêng ở Hy Lạp này lại không cho phép phụ nữ được lui tới.
Núi Athos là một ngọn núi và một bán đảo ở Macedonia, Đông Bắc Hy Lạp. Với người dân Hy Lạp, đây là ngọn núi thiêng và là nhà của hơn 2000 tu sỹ sống cuộc đời gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Trong suốt hơn 1000 năm qua, nơi này vẫn tồn tại điều luật nghiêm ngặt. Những ai là phụ nữ, đàn ông không có râu, hay thậm chí động vật giống cái không được phép đặt chân tới núi thiêng.
Núi thiêng Athos là nơi cấm phụ nữ ghé thăm
Đạo luật cổ này tồn tại cả nghìn năm,vẫn còn nguyên giá trị tại núi Athos. Một trong những nguyên nhân chính dẫn từ niềm tin cho rằng, sự hiện diện của phái nữ có thể ảnh hưởng tới quá trình khai sáng tâm linh.
Các tu sĩ cần tuân thủ nghiêm ngặt cuộc sống độc thân, hàng ngày cầu nguyện. Họ sống tập trung tại 20 tu viện trên núi. Cuộc đời của những tu sĩ là sự tĩnh tâm trong tu viện khép kín, không liên quan tới phụ nữ. Sau khi phục vụ tại nhà thờ, họ sẽ tiếp tục trở về nhà và cầu nguyện.
Có phần nối với đất liền, nhưng du khách khi muốn tới núi thiêng Athos chỉ có thể đi bằng thuyền. Số lượng khách tới đây bị hạn chế và cần có giấy phép.
Dù đàn ông được phép vào núi Athos, nhưng chỉ có tín đồ của giáo hội mới được sinh sống tại núi thiêng. Những người không phải tu sĩ sẽ sinh sống tại thủ phủ của bán đảo là Karyes. Theo số liệu điều tra dân số Hy Lạp từ năm 2001, số lượng cư dân sống ở Athos là 2262 người. Trước đó, UNESCO đã công nhận Athos là Di sản Hỗn hợp của thế giới.
Từng có thời gian đóng cửa,nhưng rồi núi Athos đã cho phép khách du lịch ghé thăm. Tuy nhiên, lệnh cấm nghiêm ngặt vẫn được tuân thủ chặt chẽ. Theo đó, du khách nam giới trước khi bước vào tham quan đều bị kiểm tra nghiêm ngặt. Những trường hợp vi phạm đều bị bắt giữ. Đến nay, Athos vẫn là vùng đất “bất khả xâm phạm” với phụ nữ.
Và trái ngược với cuộc sống bên ngoài, các tu sĩ ở Athos sống một cuộc đời bình yên nhất, tránh mọi ưu phiền.