Trong hai ngày 24 và 25/5, CTCP Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất các phương án đầu tư hai tuyến cao tốc theo hình thức PPP với UBND tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp.
Trong đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phương, Đèo Cả đưa ra hai phương án tuyến mới cho cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016, tuyến đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 69 km, dự kiến đầu tư mới quy mô 6 - 8 làn xe cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 24.150 tỷ đồng và thực trước năm 2030.
Ở phương án 1, dự án có chiều dài 33 km, quy mô 4 làn xe ô tô, tổng mức đầu tư dự kiến 6.900 tỷ đồng.
Đối với phương án 2, dự án có chiều dài 67 km, quy mô 4 làn xe ô tô, tổng mức đầu tư dự kiến 21.236 tỷ đồng và được chia thành hai dự án thành phần.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy Bình Phước, cả hai phương án trên giảm được đáng kể về tổng mức đầu tư so với các nghiên cứu đề xuất trước đây.
Trong đó, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bình Phước đồng thuận triển khai phương án 2. Bình Phước sẽ nghiên cứu phân bổ 50% tổng vốn ngân sách nhà nước tham gia đầu tư.
Tiếp đó, Đèo Cả cũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp, đề xuất đầu tư xây dựng tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh.
Theo phương án do Đèo Cả đề xuất, tuyến cao tốc này có trục ngang song song với Quốc lộ 30, đoạn qua hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, có điểm đầu kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung, điểm cuối kết nối với Quốc lộ N2 đoạn Mỹ An - Cao Lãnh (thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây trong tương lai). Dự án có chiều dài khoảng 28 km và tổng mức đầu tư dự kiến 6.000 tỷ đồng.
Phía doanh nghiệp đưa ra hai phương án thực hiện. Đối với phương án thứ nhất, nhà đầu tư bổ sung đoạn cao tốc An Hữu - Cao Lãnh vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dự kiến hoàn thành cuối năm 2021) nhằm tận dụng được các nguồn lực về tài chính, nhân sự và thiết bị sẵn có tại dự án này, từ đó rút ngắn thủ tục và thời gian hoàn vốn cho dự án.
Về phương án 2, nhà đầu tư triển khai đầu tư dự án mới theo phương thức PPP thông thường, giao UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đại diện tỉnh Đồng Tháp đề nghị Đèo Cả lập tổ công tác, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh nghiên cứu thêm các phương án kết nối cao tốc với các khu công nghiệp, đô thị, đặc biệt là thành phố Cao Lãnh.
Ngoài phương án quy hoạch, tỉnh cũng rất quan tâm về tính thẩm mỹ của cảnh quan và kiến trúc tuyến cao tốc mang đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp là biểu tượng sen hồng.
Dự kiến sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh sẽ chia sẻ áp lực lưu lượng với Quốc lộ 30 hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.
Đồng thời, tuyến cao tốc này kết nối các trục giao thông dọc và ngang, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, là trục động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng khu vực Đồng Tháp Mười nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.