ĐH Bách khoa Hà Nội: Sinh viên có thể mặc đẹp lên lớp nhưng không được hở hang

Theo lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội, các sinh viên có thể mặc đẹp khi lên lớp nhưng không được hở hang, phản cảm.

Mới đây, ĐH Bách khoa TP HCM vừa đăng tải dự thảo nội qui học đường để lấy ý kiến về việc sinh viên không được mang giày cao gót, hạn chế mặc quần jean... khi đến trường. Điều này đã thu hút sự quan tâm, ý kiến tranh luận của nhiều người, nhất là sinh viên. 

ĐH Bách khoa Hà Nội: Sinh viên có thể mặc đẹp lên lớp nhưng không được hở hang - Ảnh 1.

Dự thảo qui định của ĐH Bách khoa TP HCM những ngày qua gây tranh luận trên mạng xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, các trường đại học có những chuẩn mực qui định về việc ăn mặc của sinh viên khi đến giảng đường cũng là điều bình thường. Tất nhiên tùy từng trường và bối cảnh cụ thể chứ cũng không nên quá cứng nhắc, khuôn sáo. 

"Ví dụ tôi đang có người cháu ở quê chuẩn bị thi đại học nhưng đã thích mặc các bộ trang phục như quần jean rách gối. Tôi nói ngay cháu không được mặc như thế nếu đi học. 

Tại các khuôn viên đại học ở nước ngoài thì việc ăn mặc khá thoải mái. Nhưng cũng có rất nhiều nơi đòi hỏi việc ăn mặc phải chỉn chu như ngân hàng, luật, công chức viên chức khi đến công sở. 

Cá nhân tôi cũng chỉ có thể ăn mặc trang phục thoải mái ngoài giờ hành chính. Lúc đi tập thể dục buổi sáng sớm, chiều tối thì quần áo đương nhiên là phải thoáng mát. Dù chưa có văn bản qui định cụ thể nhưng ở một số lớp của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng yêu cầu sinh viên không được mặc quần ngố, dép lê khi lên lớp. 

Tại trường chúng tôi chưa có hiện tượng sinh viên nhuộm đầu xanh, đầu đỏ hay để tóc kiểu 'high-light', hình xăm lộ liễu phản cảm trên người. Những hình xăm có thể do sở thích cá nhân của từng người nhưng nên kín đáo để phù hợp với giảng đường đại học", ông Tớp nói.

ĐH Bách khoa Hà Nội: Sinh viên có thể mặc đẹp lên lớp nhưng không được hở hang - Ảnh 2.

Một nữ sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

Cũng theo vị Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội, việc ăn mặc của sinh viên cần phù hợp môi trường đại học. Có những trường phổ thông qui định học sinh khi đến trường phải sơ vin quần tây, áo sơ mi. Cũng có nơi yêu cầu học sinh nữ đến trường phải mặc áo dài màu tím như ở Huế chẳng hạn. Đây là ở góc độ văn hóa vùng miền của từng địa phương. 

"Trong các trường phổ thông có qui định về đồng phục, còn ở môi trường giảng đường đại học thì cũng nên nhắc nhở sinh viên ở tuần sinh hoạt công dân. Khi tới trường, không ai cấm sinh viên mặc đẹp, nhưng miễn sao các em đừng ăn mặc hở hang quá là được. 

Còn khái niệm áo (váy) 2 dây cũng cần phải hiểu một cách cụ thể. Nếu có em cũng là mặc áo nhưng 2 dây áo to bản và kín tới xương ức thì có vấn đề gì không, so với một em khác mặc áo 2 dây nhưng dây nhỏ mà lại hở tới tận vòng 1 thì cũng hiểu cho đúng", lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ thêm.

Theo PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền, hiện nhà trường cũng chưa có qui định chính thức bằng văn bản về trang phục của sinh viên khi đến trường. 

Tuy nhiên, trường cũng yêu cầu sinh viên khi tới trường phải ăn mặc lịch sự, đúng văn hóa học đường nhất là các sự kiện do trường tổ chức. Còn việc qui định cụ thể đối với trang phục của sinh viên sẽ do từng bối cảnh riêng của từng trường.

Trước đó, trên website của ĐH Bách Khoa TP HCM có đăng tải dự thảo nội qui học đường để lấy ý kiến về việc sinh viên không được mang giày cao gót, hạn chế mặc quần jean... Cụ thể, sinh viên phải mặc trang phục lịch sự, nghiêm chỉnh, không đi dép lê, quần lửng... vào khuôn viên trường.

Với nữ sinh, dự thảo này ghi rõ: "Không được mặc quần lửng, áo thun không cổ (ngoài trừ đồng phục thể dục và sự kiện do trường tổ chức), áo dây, áo sát nách, áo lửng, dép lê, dép cao gót. Hạn chế mặc quần chất liệu jean hoặc nhung".

Đại diện BGH ĐH Bách khoa TP HCM cho biết, dự thảo này vẫn đang được đưa ra để lấy ý kiến, chưa phải qui định chính thức. Dự thảo này sẽ còn được góp ý để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.