Chúng ta vẫn chưa hết bàng hoàng về tai nạn xảy ra với nạn nhân là em bé ở Hà Nội đi xe đạp do va chạm vào tấm tôn trên một xe xích lô đang đỗ bên đường dẫn đến tử vong thì mới đây lại xảy ra tai nạn chết thảm do bị xe chở tôn cứa vào cổ.
Thực tế vụ việc này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của loại xe ba gác vận chuyển hàng hóa cồng kềnh đe dọa người đi đường.
Vậy pháp luật quy định thế nào về mức phạt hành vi chở hàng hoá cồng kềnh?
Theo số liệu thống kê trong từ ngày 1/1 đến ngày 12/9/2016 trên địa bàn TP Hà Nội đã xử lý 22 trường hợp xe xích lô, xe thô sơ 16 trường hợp, 614 xe ba bánh. Các trường hợp xe xích lô, xe thô sơ chủ yếu vi phạm chở hàng hóa cồng kềnh. (Ảnh Chí Duy) |
Theo quy Luật Giao thông đường bộ 2008 thì việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ phải đảm bảo: Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe.
Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.
Theo đó, chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường bộ: Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét. Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Xe chở khách không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe. Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét. Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe và không quá 1,0 mét; không được vượt quá 0,4 mét về mỗi bên bánh xe.
Như vậy, khi người điều khiển xe máy vượt quá giới hạn xếp hàng hóa trên xe như quy định trên thì theo cách nói thông thường, người điều khiển xe đã chở hàng cồng kềnh, còn theo vi phạm xử phạt của lực lượng chức năng thì lỗi đó là “xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định”.
Người điều khiển xe thô sơ vi phạm quy định về xếp hàng hoá nêu trên có thể bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng.
Đối với hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro này trong trường hợp gây thiệt hại về tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |
Luật gia Đồng Xuân Thuận