Điểm chuẩn một số trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) sư phạm đang thấp ở mức báo động. GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho rằng, đây là cơ hội để ngành giáo dục quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Đồng thời phải thay đổi chính sách ưu đãi đầu vào (miễn học phí) như hiện nay bằng chính sách ưu đãi đầu ra.
Sinh viên đại học Sư phạm. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
GS Đào Trọng Thi nhìn nhận: Hàng năm Bộ GD&ĐT đều đã quy định điểm sàn, nên những thí sinh từ điểm sàn về danh nghĩa, hoàn toàn có khả năng học ĐH. Nhưng đương nhiên, tôi cho rằng ngành sư phạm phải có một số điều kiện. Điều kiện đó không chỉ liên quan đến chất lượng học tập mà còn liên quan đến nhiều yêu cầu khác như phong cách, đạo đức, rồi cả ngoại hình của người muốn theo nghề này.
Bộ GD&ĐT đang có chủ trương hạn chế quy mô tuyển sinh do đang thừa giáo viên, nhất là giáo viên THPT. Do đó, Bộ và trường hoàn toàn có điều kiện để đưa ra những yêu cầu đối với những thí sinh ứng tuyển vào ngành sư phạm để phù hợp với công tác giảng dạy sau này.
Nhưng thưa ông, dư luận không thể an tâm khi mà điểm chuẩn của ngành sư phạm quá thấp như hiện nay?
Mục đích chính của kỳ thi THPT quốc gia là công nhận tốt nghiệp. Do đó, điểm chuẩn vào các trường ĐH phải cao hơn thế chứ. Nếu quá thấp thì phi lý. Vì tốt nghiệp THPT thí sinh phải đạt được mức độ trung bình. Kỳ thi này mục đích chính chỉ để kiểm tra yêu cầu có đạt chuẩn chất lượng hay không. Những thí sinh đạt điểm sàn thì phải trên mức chuẩn trung bình. Nếu chuẩn trung bình là 5 thì vào ĐH phải là 6.
Thời gian tới, vào ngành sư phạm phải có điều kiện. Chủ trương chung của Bộ là hạn chế đào tạo thêm giáo viên do đang thừa. Vì vậy không thể có chuyện trường cứ tuyển sinh theo năng lực đào tạo của mình rồi không biết sinh viên ra trường có việc làm hay không. Trong khi học phí thì được miễn, gây lãng phí.
Vậy tại sao không siết quy mô của các trường sư phạm và đặt ra yêu cầu cao hơn. Tôi cũng biết thời gian tới sẽ quy hoạch lại chỉ còn khoảng 10 trường sư phạm trung ương. Do đó, càng không nên để các trường bung ra tuyển sinh đào tạo rồi không biết phân công vào đâu, làm việc ở chỗ nào. Với tình hình này, Bộ GD&ĐT càng có điều kiện siết quy mô tuyển sinh. Như thế, điểm chuẩn đương nhiên sẽ tăng lên.
Thế còn chính sách cho giáo viên, thưa ông?
Ít nhất từ chục năm nay, ngành sư phạm tuyển sinh khó khăn. Một vài năm đầu khi có chính sách không thu học phí thì đầu vào của sư phạm rất cao. Nhưng sau đó, chính sách này không còn “thiêng” nữa. Bởi vậy đầu vào của sư phạm lại giảm sút. Không những sư phạm, mà các ngành khoa học cơ bản như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn cũng thế.
“Miễn học phí sinh viên sư phạm hiện nay là chính sách đầu vào, bây giờ phải tập trung chính sách cho đầu ra. Ví dụ muốn sư phạm được nhiều người quan tâm thì người giáo viên phải được quan tâm. Nếu họ được đối đãi tử tế, lương cao thì chắc chắn nhiều học sinh sẽ vào học”. GS Đào Trọng Thi |
Bộ GD&ĐT cần đưa ra một đề án được xây dựng một cách nghiêm túc cho vấn đề này. Trong đó, tập trung cho chính sách đầu ra. Miễn học phí sinh viên sư phạm hiện nay là chính sách đầu vào, bây giờ phải tập trung chính sách cho đầu ra. Ví dụ muốn sư phạm được nhiều người quan tâm thì người giáo viên phải được quan tâm. Nếu họ được đối đãi tử tế, lương cao thì chắc chắn nhiều học sinh sẽ vào học.
Trong khi hiện nay, đời sống giáo viên khó khăn, công việc nhiều lại áp lực, khó xin việc nên ít ai lựa chọn nghề dạy học. Tại sao những năm đầu chính sách hỗ trợ đầu vào hiệu quả? Vì ngày đó, ở thành phố nhiều em không ham học sư phạm nhưng học sinh ở nông thôn do nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên học sinh đổ xô đi học.
Bây giờ đời sống kinh tế được nâng lên, học sinh cũng có kinh nghiệm hơn. Nếu chỉ vì không phải đóng học phí mà cả đời gắn bó với công việc khó khăn thì họ sẽ không lựa chọn. Họ sẽ chọn những ngành hot hiện nay như quân đội, công an vì khi vào được thì xác định luôn đầu ra. Lương lại cao hơn so với mức chung như quân đội cao hơn 1,8 lần, công an cao hơn 1,7 lần.
Sư phạm cũng có một thời như quân đội, công an hiện nay. Nhưng thang giá trị đã khác mà chính sách của chúng không theo kịp diễn biến của thực tế. Vì vậy, không cần phải miễn học phí, sinh viên có thể vay tín dụng để học, tức có cách khác để giải quyết học phí, quan trọng giờ là sau khi ra trường, công việc thế nào.
Họ sẽ nhìn vào đội ngũ giáo viên hiện nay để lựa chọn nghề nghiệp. Nếu làm tốt hình ảnh của giáo viên, đời sống của giáo viên tốt hơn thì sẽ có nhiều người học. Đương nhiên sẽ khó. Vì phải làm cho cuộc sống của cả đội ngũ giáo viên tốt lên, tức liên quan đến hàng triệu con người chứ không phải chỉ những sinh viên ngành sư phạm.
Cảm ơn ông.