Sau giai đoạn bùng nổ và tăng trưởng nóng, từ năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào cảnh ảm đạm chưa từng thấy. Thanh khoản gần như đóng băng, sức khoẻ tài chính của các chủ đầu tư đi xuống khi phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ tín dụng, trái phiếu và khách hàng.
Từ đầu năm đến nay, thị trường dù vẫn trầm lắng song đã có phần dễ thở hơn sau một số động thái hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Các tỉnh thành trên cả nước cũng tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án BĐS tại địa phương của mình và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ.
Nửa đầu năm, các địa phương mạnh tay thu hút đầu tư có thể kể đến là khu vực ven Hà Nội như Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng; một số tỉnh miền trung như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; khu vực phía nam có Long An, Hậu Giang, Tây Ninh...
Ở các tỉnh thành này, các dự án đầu tư chủ yếu có tổng mức đầu tư từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng tỷ USD.
Dưới đây là 10 dự án BĐS được mời đầu tư từ đầu năm đến nay có quy mô lớn, theo thống kê của người viết.
Dự án có quy mô lớn nhất là Khu đô thị ven Vịnh Cam Ranh tại Khánh Hoà với tổng mức đầu tư hơn 3,5 tỷ USD.
Theo thông báo phát đi từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này hồi tháng 4, Khu đô thị ven Vịnh Cam Ranh sẽ được thực hiện trên khu đất hơn 1.254 ha, thuộc địa phận các phường Cam Lợi, Ba Ngòi, Cam Thuận, Cam Nghĩa, Cam Phúc Nam, Cam Phú, Cam Linh Cam Phúc Bắc và các xã Cam Thịnh Đông, Cam Lập (TP Cam Ranh). Quy mô dân số gần 231.000 người.
Về tính chất, đây là khu đô thị, nhà ở thương mại với khoảng 8.474 căn nhà ở liền kề, 10.732 căn biệt thự, 19.816 căn nhà ở xã hội (gồm 18.450 căn hộ chung cư và 1.366 nhà ở liền kề). Về hiện trạng, khu đất thực hiện dự án được chia làm 3 khu. Trong đó, khu 1 có 202 công trình nhà ở gồm cả kiên cố, nhà tạm, diện tích đất ở dân cư thấp, chiếm 0,83% toàn khu.
Khu 2 có diện tích đất ở dân cư chiếm 0,75% trên toàn khu, gồm 98 công trình nhà ở kiên cố, bán kiên cố, nhà tạm. Khu 3 có 130 căn nhà chủ yếu ven khu trục đường chính và ở các phường Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án này là 85.294 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 997 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, thời gian thực hiện là 5 năm (2023 - 2027). Nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án gửi hồ sơ đến trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hoà tại số 1 Trần Phú, TP Nha Trang.
Cuối tháng 5 vừa qua, đã có một liên danh gồm 3 doanh nghiệp đăng ký thực hiện Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh. Theo đó, nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ năng lực thực hiện dự án là Liên danh CTCP Đầu tư Cam Ranh - CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) - CTCP Giải pháp Năng lượng Vines.
Vào giữa tháng 2, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng đã thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại khu vực quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy tại phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh và xã Đông Phương, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.
Quy mô dân số dự án dự kiến 48.000 người, tổng diện tích đất thực hiện khoảng 240,6 ha.
Về cơ cấu sản phẩm, diện tích đất dự kiến xây dựng các loại hình nhà ở là 69,4 ha, trong đó nhà ở chung cư cao tầng (nhà ở xã hội) dự kiến 13,9 ha, mật độ xây dựng tối đa 25%, tầng cao khoảng 10 tầng, tổng diện tích sàn dự kiến 232.000 m2.
Nhà ở liền kề khoảng 36,6 ha, mật độ xây dựng tối đa 90 - 100%, tổng diện tích sàn dự kiến hơn 1,8 triệu m2 (khoảng 5.000 căn), đầu tư xây dựng thô, hoàn thiện mặt ngoài. Hạng mục biệt thự có diện tích đất dự kiến 18,8 ha, mật độ xây dựng tối đa 85%, tổng diện tích sàn dự kiến 614.000 m2 (khoảng 1.300 căn), đầu tư xây dựng thô, hoàn thiện mặt ngoài. Dự án cũng dành khoảng 13,9 ha đất phát triển nhà ở xã hội.
Các công trình thương mại, dịch vụ, công cộng được xây dựng trên diện tích gần 29 ha, mật độ xây dựng tối đa 65%, tầng cao tối đa 4 tầng, diện tích sàn xây dựng khoảng 700.085 m2. Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ xây dựng một trường THPT; 5 trường mầm non; 3 trường tiểu học; 2 trường THCS và một trường liên cấp.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) khoảng 21.609 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khoảng 1.609 tỷ đồng. Đến tháng 3, CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án.
Khu đô thị mới Hậu Nghĩa – Đức Hòa tại huyện Đức Hòa vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An phát thông báo cách đây ít ngày.
Dự án này nằm trên địa bàn thị trấn Hậu Nghĩa, xã Đức Lập Thượng và xã Tân Mỹ của huyện Đức Hòa. Quy mô sử dụng đất khoảng 197,2 ha, quy mô dân số khoảng 40.000 người.
Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 28.200 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 3.000 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, tỉnh đã phát thông báo mời đầu tư Khu đô thị tại Phường 4 và Phường 6, TP Tân An với diện tích hơn 137 ha; quy mô dân số khoảng 17.000 người. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 8.100 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư chiếm hơn 1.000 tỷ đồng.
Về cơ cấu sản phẩm, dự án sẽ đầu tư xây dựng 2.482 lô đất ở thấp tầng, trong đó gồm 195 lô nhà ở biệt thự, 2.287 lô nhà ở phố thương mại; đồng thời dành hơn 8,6 ha để phát triển nhà ở xã hội. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công xây dựng vào quý II/2025, quyết toán dự án, bảo hành, bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho nhà nước trong quý III/2030 và đưa vào kinh doanh khai thác trong quý IV/2030.
Một dự án lớn khác mời đầu tư ở Long An là khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức. Dự án này có diện tích đất sử dụng khoảng 220 ha, quy mô dân số khoảng 37.163 người.
Đất ở mới thấp tầng tại dự án là 11,4 ha với 4.951 lô, tầng cao xây dựng tối đa 5 tầng; đất ở hỗn hợp cao tầng 5,84 ha với 4.300 căn hộ, tầng cao xây dựng tối đa 45 tầng. Đất ở tái định cư 2,07 ha với 180 lô và tầng cao tối đa 5 tầng. Quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thực hiện theo đúng quy định.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 13.981 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư). Ngoài ra, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 3.000 tỷ đồng.
Sau khi phát thông báo tìm chủ, nhà đầu tư duy nhất đăng ký là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB, nhà đầu tư liên danh là CTCP Tập đoàn Ecopark.
Hà Nam cũng là tỉnh mạnh tay thu hút đầu tư trong nửa đầu năm. Tại địa phương này có 3 dự án quy mô lớn đã được mời đầu tư.
Đầu tiên là Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo tại phường Lam Hạ, TP Phủ Lý gần 203 ha, chưa giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư của dự án là 9.625 tỷ đồng. CTCP Mặt Trời Hà Nam là doanh nghiệp duy nhất đăng ký thực hiện dự án.
Tại đây sẽ bố trí hơn 44 ha để xây các công trình hỗn hợp. Trong đó, đất hỗn hợp không có chức năng ở là 33,6 ha, tầng cao 6 - 20 tầng, mật độ xây dựng 40 - 60%, sẽ là công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn. Đất hỗn hợp có chức năng ở (chung cư) kết hợp thương mại dịch vụ là 10,6 ha, tầng cao 6 – 9 tầng, mật độ xây dựng 40 - 60% là công trình nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ.
Sang tháng 2/2023, Hà Nam tiếp tục mời đầu tư vào Khu đô thị Đại học Nam Cao với diện tích nghiên cứu gần 300 ha tại xã Tiên Ngoại, phường Tiên Nội (thị xã Duy Tiên) và xã Tiên Hiệp, Tiên Tân (TP Phủ Lý). Tổng mức đầu tư dự án này hơn 6.369 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Dự án này đã thu hút sự quan tâm của 2 nhà đầu tư là Công ty TNHH Liên doanh Việt - SK Group và CTCP Đầu tư Địa ốc Vina Land.
Mới đây nhất, liên danh CTCP Mặt Trời Thanh Hoá - Công ty TNHH Đầu tư Tây Bắc đã đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại phường Lam Hạ và các xã Tiên Hải, Tiên Hiệp, TP Phủ Lý.
KĐT Bắc Châu Giang có diện tích khoảng 176 ha, tiến độ thực hiện 2023 - 2028. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án này là 8.816 tỷ đồng, chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư là 1.431 tỷ đồng.
Ngày 5/4, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh đã phát thông báo mời gọi đầu tư đối với dự án khu đô thị phục vụ khu du lịch quốc gia núi Bà Đen. Đây là dự án khu đô thị lớn nhất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ trước đến nay.
Dự án này có tổng diện tích 78,93 ha, thuộc địa phận phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh, quy mô dân số 4.000 người, quy mô khách du lịch 8 triệu người/năm.
Về tính chất, đây là khu đô thị mới để phục vụ khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen với các khu nhà ở riêng lẻ, nhà phố kết hợp thương mại dịch vụ có công năng phục vụ hỗn hợp (để bán, cho thuê, cho thuê mua) đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và hệ thống các công trình công cộng, thương mại dịch vụ...
Về hiện trạng, khu đất dự án hiện nay là đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp (không có đất lúa). Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 6.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 863 tỷ đồng.
Theo kết quả mở hồ sơ đăng ký, Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long là đơn vị nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
Tháng 5 vừa qua, Liên danh Công ty TNHH Thăng Long – CTCP Eurowindow Quảng Bình Five Star, CTCP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Phát triển nhà ở khu đô thị mới tại xã Tân Bình và phường Tiền Phong, TP Thái Bình.
Theo thông báo mời đầu tư hồi tháng 4, dự án này có diện tích xây dựng khoảng 125,4 ha. Hiện trạng chủ yếu là đất nông nghiệp, đất giao thông, thủy lợi nội đồng và một số loại đất khác chưa giải phóng mặt bằng. Quy mô dân số 11.480 người. Mật độ xây dựng toàn khu là 26%.
Sơ bộ tổng đầu tư dự án hơn 7.960 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng công trình hỗn hợp là hơn 3.100 tỷ đồng, chi phí xây dựng công trình thương mại hơn 1.400 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng tạm tính 887 tỷ đồng... Nguồn vốn đầu tư từ vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác của nhà đầu tư.