"Chưa dám thực hiện sản phẩm cho riêng mình"
- Năm 2018 được xem là năm thành công của Minh Dự khi những vai diễn của bạn trong các sản phẩm hài, gameshow truyền hình đều tạo tiếng vang và được khán giả yêu mến. Nhìn lại chặng đường đã qua, Dự có thấy hài lòng với thành quả đó?
Tôi hài lòng với những gì đạt được trong năm qua. Có những vai diễn khiến tôi bất ngờ vì không nghĩ nó tạo được ấn tượng nhiều với khán giả, đi đâu cũng nghe người ta nhắc. Và cũng nhờ các vai diễn đó mà tôi nhận được show đi quay nhiều hơn, chạy show Tết dày đặc hơn... Thậm chí, có những chương trình như Ơn giời cậu đây rồi, tôi từng mong và xin được tham gia nhưng vì khi đó tên tuổi còn mới nên BTC không đồng ý, đến năm vừa qua tôi mới vinh dự được góp mặt.
Điều khiến tôi tiếc nuối nhất trong năm 2018 là chưa làm được sản phẩm riêng cho mình. Nếu muốn có dư chút đỉnh về kinh tế để thực hiện sản phẩm thì năm 2019 này, tôi mới thật sự có dư, những năm trước đó, tôi còn nhiều thiếu thốn hoặc cũng chỉ đủ lo cho mình. Năm nay cũng là năm đầu tiên tôi dư dả chút ít nên không dám đầu tư cho sản phẩm riêng bởi tôi sợ nếu đầu tư rồi mà chưa thu lại kịp và còn nhiều việc khác phải lo thì sẽ không có tiền để xoay sở.
Diễn viên trẻ Minh Dự sinh năm 1995, tuổi Ất Hợi |
- Việc thực hiện sản phẩm riêng với một diễn viên trẻ mới khởi nghiệp như bạn là điều ít ai dám làm. Quyết định này xuất phát từ việc bạn nhận định đây đang là “thời” hay là sự chạy đua theo trào lưu ra mắt sản phẩm YouTube hiện có?
Nhìn các đồng nghiệp liên tiếp ra mắt sản phẩm, tôi thầm nghĩ chẳng lẽ cả đời mình cứ đóng vai phụ góp vui hoài? Diễn viên nào cũng mong muốn mình có một vai chính, nếu không được ai mời thì mình sẽ bỏ tiền ra để sản xuất. Tôi tin rằng diễn viên nào cũng sẽ nghĩ như vậy.
Những năm gần đây, tôi thấy thị trường YouTube được mọi người “đánh mạnh” quá, lúc trước chỉ có các bạn hot boy, hot girl làm, còn bây giờ thì diễn viên sân khấu hay điện ảnh cũng “nhảy vào” khiến khán giả như tôi cảm thấy bị ngộp. Như lĩnh vực gameshow ngày trước, công chúng từng đón đợi để được xem các chương trình hay nhưng hiện tại thị trường này bão hòa, người ta chỉ bật đúng một kênh và để xem từ sáng đến tối. Tôi sợ YouTube cũng sẽ như vậy, khán giả lướt trên mạng, thấy gì xem đó chứ không còn phải tìm cái phim đó hay diễn viên đó xem nữa. Vì vậy, việc phát hành sản phẩm online hiện khá hên xui, nhiều đồng nghiệp cũng than với tôi rằng sản phẩm làm ra bị “gãy”, không “ăn khách” như mong đợi, còn bị khán giả chê trách.
Nhiều người hâm mộ cũng nhắn tin nói với tôi rằng họ muốn xem sản phẩm hài riêng của tôi bởi họ đã xem hết những cái cũ. Nhưng tôi cũng đắn đo, nếu giờ mình cứ làm và để phát trên mạng coi miễn phí hoài thì người ta có còn đến sân khấu kịch mua vé để xem mình diễn nữa không? Và những tụ điểm mình diễn, họ có đến ủng hộ không? Hay họ cứ ở nhà xem YouTube và tạo thành thói quen là muốn xem diễn viên đó cứ lên mạng là có sẵn?
Hồi xưa, nghệ sĩ đi diễn ở đâu là khán giả vây quanh đến đó bởi thời ấy chưa có YouTube. Bây giờ, mọi thứ đều được đưa lên mạng, chương trình hôm nay chiếu thì ngày mai trên YouTube đã có, thành ra hiệu ứng nghệ sĩ với khán giả sẽ bị lờn vì họ muốn gặp nghệ sĩ, muốn xem diễn quá dễ!
Ngoài vấn đề kinh tế, những lí do trên cũng là nguyên nhân khiến tôi bị chùn bước mà chưa dám thực hiện sản phẩm cho riêng mình.
Năm 2018 được xem là năm thành công của Minh Dự trong sự nghiệp diễn xuất |
- Với những thành công trong năm 2018, Minh Dự sẽ đón Tết 2019 ra sao?
Năm nay, tôi đi diễn từ đêm 30 đến mùng 10 và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Việc ở nhà suốt các mùng khiến tôi buồn lắm, bởi ngoài ngôi nhà đang ở, sân khấu cũng là nhà của tôi, là nơi mang đến niềm vui cho tôi khi được cống hiến. Đây là năm thứ 3 tôi ăn Tết ở sân khấu Thế giới trẻ.
Điều duy nhất khiến tôi thấy buồn là đi diễn trong đêm giao thừa, nếu pháo bông bắn lúc đang diễn thì tôi không buồn nhưng nếu đang ngồi trên xe mà khoảnh khắc giao thừa đến, tôi sẽ chạnh lòng. Dẫu vậy, tôi vẫn nhận lời đi diễn vì muốn phục vụ khán giả bởi các năm trước khi hoạt động nghệ thuật, tôi đều ở nhà cùng gia đình cúng giao thừa.
Thời gian duy nhất tôi dành cho bố mẹ là các buổi sáng, đến trưa tôi đi diễn đến chiều tối. Ngoài niềm vui được phục vụ khán giả, với tôi đi diễn Tết còn là công cuộc mưu sinh để nuôi gia đình. Tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc trong thời gian này.
- Với bạn, Tết có ý nghĩa ra sao?
Với tôi, Tết chỉ kéo dài từ ngày 23 tháng Chạp, đưa ông Táo về trời đến hết mùng 1. Qua thời gian đó, tôi cảm thấy không khí đã hết Tết rồi. Cảm giác háo hức sắm sửa, trang trí nhà cửa, khoảnh khắc mọi người quây quần bên nhau nấu bánh chưng, bánh tét, bày biện mâm cỗ cúng giao thừa và sum họp vào sáng mùng 1, với tôi vô cùng ý nghĩa.
Tết không chỉ là khoảng thời gian để nghỉ ngơi mà theo tôi giá trị cốt lõi nhất của Tết là sum họp gia đình. Sẽ có người nói rằng nếu muốn sum họp thì lúc nào không gặp nhau được? Nhưng nếu mọi người chịu nhìn lại thì trong năm, không có Tết, mọi người có dịp nào để gặp mặt đủ gia đình không? Đám giỗ, đám cưới... cũng không chắc sẽ đủ mặt người thân bởi sẽ có người bận việc này, việc khác. Vì vậy không thể thiếu Tết được!
Được khán giả yêu mến qua nhiều vai diễn hài hước nhưng Minh Dự thuộc típ người sống tình cảm, nội tâm |
- Văn hóa truyền thống nào của Tết mà bạn thích nhất?
Tôi thích nhất là văn hóa cúng giao thừa và chúc Tết. Khoảnh khắc giao giữa năm cũ và năm mới, nhà nhà bày mâm cỗ trước cửa, khấn vái, mong những điều cũ đi qua và đón điều mới tốt đẹp đến. Tôi đã chứng kiến ông bà mình chuẩn bị cúng giao thừa từ lúc ông bà còn khỏe, di chuyển thoăn thoắt cho đến nhiều năm sau này, khi ông bà yếu dần, chậm chạp hơn, sự bưng bê mâm cỗ cũng không còn như trước. Hay như bà Nội tôi giờ phải nằm một chỗ, không còn đứng được để thắp 3 cây nhang khấn vái, không quỳ được mà phải nhờ người quỳ thay... Vì vậy, qua mỗi lần giao thừa, tôi nhìn ra được nhiều điều thiêng liêng mình cần phải trân quý, khiến mình xúc động.
Văn hóa thứ hai là chúc Tết. Tôi thấy rằng trong năm, nếu không bắt buộc thì mấy khi người ta chịu nói lời yêu thương với nhau? Tôi là người sống tình cảm nhưng cũng hiếm khi mở lời chúc ba mẹ nhiều sức khỏe, làm ăn phát tài... bởi hầu hết người Việt Nam mình ngại nói, ngại bày tỏ chứ không phải không muốn. Tết là dịp mọi người được nói lời yêu thương mà không cảm thấy ngại.
- Đi diễn ngày Tết, kỉ niệm nào bạn nhớ nhất?
Tôi nhớ không khí rất vui, khán giả ai cũng niềm nở, hoan hỉ. Có lần tôi đi diễn và được khán giả lì xì 2 triệu đồng. Đó là tiền lì xì cao nhất mà tôi từng nhận.
- Đến hiện tại, bạn còn thích được lì xì không?
Tôi vẫn thích được lì xì (cười). Ngày xưa khi chưa làm ra tiền, tôi thích được nhận lì xì càng nhiều càng tốt.
Dù đã lớn nhưng Minh Dự vẫn thích được lì xì |
- Nhưng ngày nay, văn hóa lì xì dần bị biến tướng thành cơ hội kiếm tiền. Nhiều người trẻ không còn trân trọng giá trị của tiền lì xì họ có được...
Đó cũng là điều tôi từng nghĩ. Vấn đề đòi tiền lì xì, đề cao tiền lì xì quá lại khiến cho một số người không dám về quê. Tôi rất bức xúc về thực trạng này! Tôi từng trò chuyện với những cô bán hàng rong, anh công nhân vệ sinh, khi tôi hỏi họ Tết này có về quê không thì họ nói không dám về vì sợ con cháu đòi lì xì mà họ không có.
Lì xì vốn dĩ là văn hóa hay để nghe những lời chúc nhưng bây giờ nó đang là vật cản trở làm người ta không về quê được. Tôi nghĩ đây là vấn đề nằm ở sự giáo dục con trẻ của bố mẹ. Có nhiều ông bố bà mẹ khi lì xì con người ta 100, người ta lì xì lại con mình 50 thì cảm thấy buồn, vậy mình lì xì người ta 100 làm chi? Sao không đưa vừa sức của mình? Hay nhiều người bụng mang dạ chửa cũng đòi bằng được tiền lì xì cho em bé trong bụng. Còn người thì có khách đến nhà, sẽ gọi điện kêu con cháu về thật đông để lấy lì xì... Làm như vậy người khác sẽ thấy ngại.
Bây giờ nhiều người xem lì xì là nguồn thu nhập và họ đề cao tiền lì xì, dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười trên. Tiền lì xì chỉ là tiền may mắn thôi, hồi xưa tôi còn không dám xài vì nghĩ là may mắn, mình cần phải giữ lại. Còn nếu đã xem lì xì là thu nhập thì chắc chắn sẽ tạo áp lực cho bản thân mình và những người khác.
13 năm thiếu thốn tình thương của bố mẹ trong đêm giao thừa
-Kí ức về Tết trong tuổi thơ của bạn có điều gì đặc biệt khiến bạn nhớ mãi?
Đến bây giờ, tôi chưa có một cái Tết nào đủ đầy và ưng ý cả. Năm 7 tuổi, tôi về sống bên nhà Nội, không có bố mẹ bên cạnh vì bố mẹ tôi li dị, mỗi người ở nhà riêng. Khoảng 2-3 năm gần đây, tôi dọn về ở chung với mẹ thì lại nhớ những cái Tết ở với Nội. Những giao thừa của tôi thiếu thốn lắm! 13 năm tôi thiếu thốn về những điều thiêng liêng, về tình thân, về sự sum vầy.
Bố mẹ li dị năm 7 tuổi, Minh Dự trải qua 13 năm sau đó thiếu thốn tình cảm của bố mẹ |
- Những giao thừa thiếu tình thân bố mẹ, đã lần nào bạn bật khóc vì tủi thân?
Cũng có lần tôi khóc, nhất là khoảng thời gian sống ở nhà Nội cùng cô chú và đứa em. Đêm giao thừa sau khi hoàn tất việc cúng kiếng, đứa em được ba mẹ chở đi chơi, đi chợ hoa, riêng tôi thì không... Tôi rất là buồn và tự hỏi, tại sao những nhà kia cúng giao thừa có ba mẹ, còn mình thì không, dù cực cách mấy cũng được... Nhìn những đứa trẻ được ba mẹ đưa đi chơi, tôi tủi thân lắm! Nhiều lần muốn khóc nhưng nước mắt vừa rớt xuống, tôi phải nén lại vì nghĩ đầu năm đầu tháng không được khóc. Thật sự, giao thừa là khoảnh khắc tôi dễ khóc nhất.
Tôi cũng chưa bao giờ tâm sự với bà Nội hay mẹ về nỗi buồn của mình, cũng như không để người thân nhìn thấy mình khóc. Bản thân tôi không bao giờ muốn những người vô tội phải buồn vì mình. Ai trong đời cũng có những áp lực và nỗi buồn riêng, vậy mình nói ra điều mình không vui để người ta buồn theo làm gì? Hơn nữa, người ta không trong hoàn cảnh đó, mình nói ra người không hiểu nên thôi mình cứ gặm nhấm nỗi buồn một mình, loay hoay làm việc khác để người ta không thấy được mình khóc.
- Cầm tinh con Heo và bước sang năm tuổi, bạn có điều gì lo lắng cũng như chuẩn bị hành trang trong năm tuổi của mình ra sao?
Những năm trước đây khi chưa có sự nghiệp, tôi không để ý nhiều đến năm tuổi nhưng bây giờ, tôi quan tâm đặc biệt hơn. Tôi thường đi chùa nhiều trong năm để cầu nguyện cho điều xui rủi qua đi. Tôi tin vào thuyết nhân quả của nhà Phật nên cố gắng làm thiện tích đức. Tôi nghĩ cách “lướt” qua năm tuổi nhẹ nhàng nhất là đi làm thiện nguyện, hạn chế thị phi, tụ tập nói những chuyện không liên quan đến mình.
Đêm giao thừa là khoảnh khắc Minh Dự dễ khóc nhất |
- Dân gian thường nói người sinh năm Hợi thường sung sướng hơn người khác, bạn có thấy vậy không?
Người tuổi Hợi thường sống nội tâm lắm, không bộc lộ cảm xúc ra ngoài và thường khổ tâm về gia đình.
Riêng tôi thấy số tôi cũng sướng, ngoài việc gia đình không có đông đủ lắm thì tôi không chịu khổ gì. Cũng ăn uống no đủ dù kinh tế thiếu thốn hơn người ta chút, về tinh thần thì không phải bi lụy lắm. Ngày xưa sống với bà Nội, được bà nấu cơm cho ăn, giờ thì mỗi ngày đi làm về đều được mẹ chăm sóc, nên dù cực khổ bên ngoài nhưng khi về nhà, tôi vẫn thấy mình sướng.
- Bạn có những điều kiêng kị gì trong những ngày Tết?
Tôi kiêng không được buồn, khóc, quét nhà và uống thuốc. Đó là điều kiêng kị tôi học từ ông bà, cha mẹ. Nhỡ có đau bụng, nhức đầu chút đỉnh, tôi cũng ráng vượt qua chứ không uống thuốc ngày đầu năm. Nếu năm đó là năm tuổi, năm kị thì không nên về nhà sau 12 giờ, vì sợ mang về điều xui rủi.
Năm 2019, Minh Dự sẽ có sự bứt phá trong sự nghiệp và thực hiện nhiều dự định cho riêng mình |
- Món ăn ngày Tết mà bạn thích nhất là gì?
Tôi lười ăn cơm ngày Tết mà thích ăn thịt kho hột vịt cuốn bánh tráng và rau. Không phải tôi sợ mập mà vì thích ăn như vậy. (cười)
Diễn viên hài Minh Dự rạng rỡ trong ngày tốt nghiệp đại học Ngay sau khi tốt nghiệp loại khá ngành Văn học của trường Đại học Văn Hiến, Minh Dự cho biết anh sẽ tiếp tục học ... |
'Thánh chửi' Minh Dự: trưởng thành từ những thất bại Để có được thành công hôm nay, Minh Dự từng đối diện với không ít lần thất bại. |
'Thánh chửi' bán hàng online Norin Phạm soán ngôi Minh Dự tại Thánh thức danh hài mùa 5? Trong trailer Thánh thức danh hài mùa mới này, khán giả sẽ không khỏi thất vọng khi có sự xuất hiện của nhân vật hotface ... |