Điều chỉnh quy hoạch ô đất xây khách sạn 55 tầng ở KĐT Tây Hồ Tây

TP Hà Nội vừa duyệt điều chỉnh quy hoạch một số ô đất hỗn hợp thuộc KĐT Tây Hồ Tây là ô đất K8-HH1 và B3-CC2.

Một góc KĐT Tây Hồ Tây. (Ảnh tư liệu: Di Linh).

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây.

Ô đất được điều chỉnh có ký hiệu K8-HH1, thuộc địa phận phường Xuân La, quận Tây Hồ. Diện tích ô đất khoảng 15.678 m2, phía bắc giáp đường quy hoạch 13 m, phía nam giáp đường quy hoạch 40 m, phía tây giáp đường quy hoạch 30 m và phía đông giáp ô đất ký hiệu K8-CX1.

Theo quy hoạch ban đầu, ô đất này có mật độ xây dựng 40%, tầng cao 3 - 28 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 5,3 lần, dân số 1.080 người. Tổ chức không gian cảnh quan gồm 2 khối tháp cao 26 - 28 tầng (có chung khối đế cao 3 tầng) và 1 khối tháp cao 26 tầng (có khối đế cao 3 tầng).

Sau điều chỉnh, khu đất giảm mật độ xây dựng xuống 35,4%, chiều cao giảm xuống 3 - 26 tầng, tổng diện tích xây dựng khoảng 83.093 m2, số lượng căn hộ 284 căn, số tầng hầm 2, diện tích trồng cây xanh tối thiểu 3.136 m2.

Về tổ chức không gian, sau điều chỉnh ô đất sẽ xây dựng 4 khối công trình chính, gồm 2 khối nhà ở cao 26 tầng, 1 khối công trình văn phòng cao 20 tầng và 1 khối công trình thương mại cao 3 tầng.

Trước đó, vào đầu tháng 9, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch lô đất B3-CC2 thuộc khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây. 

Lô đất này có diện tích khoảng 23.600 m2, thuộc địa phận phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Phía tây giáp lô đất mương ký hiệu B3-M1; phía bắc giáp lô đất cây xanh ký hiệu B3-CX1; phía đông giáp tuyến đường vành đai 2,5 có mặt cắt ngang 50 m; phía nam giáp đường 40 m.

Theo quy hoạch trước đây, lô đất B3-CC2 được xác định là đất công trình công cộng thành phố khu vực; mục tiêu xây dựng công trình khách sạn cao cấp, văn phòng kết hợp trung tâm thương mại, có mật độ xây dựng 40%; hệ số sử dụng đất 7,58 lần; tổng diện tích sàn xây dựng 178.888 m2; tầng cao công trình 2-55 tầng; chưa xác định cụ thể quy mô xây dựng phần ngầm.

Sau khi điều chỉnh, bố cục mặt bằng công trình trên lô đất được phân chia thành 2 khu vực công năng chính: Văn phòng kết hợp trung tâm thương mại (B3-CC2A) và khách sạn cao cấp (B3-CC2B).

Trong đó, lô đất B3-CC2A có diện tích 13.600 m2, mật độ xây dựng 40%, hệ số sử dụng đất 6,79 lần, tổng diện tích sàn xây dựng 92.368 m2, tầng cao công trình 4-37 tầng; số tầng hầm 3. Còn lô đất B3-CC2B có diện tích 10.000 m2, mật độ xây dựng 40%, hệ số sử dụng đất 8,65 lần, tổng diện tích sàn xây dựng 86.520 m2, tầng cao công trình nổi 3-55 tầng, số tầng hầm 3.

Về không gian, tại ô đất B3-CC2 sẽ gồm 3 khối công trình, trong đó gồm 2 khối văn phòng kết hợp trung tâm thương mại cao 4 tầng và cao 37 tầng, còn lại là khối khách sạn cao cấp cao 55 tầng (bao gồm cả khối đế).

Khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây được phê duyệt quy hoạch lần đầu vào tháng 12/2007, thuộc địa giới hành chính của phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) và phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm).

Tổng diện tích quy hoạch của khu đô thị Tây Hồ Tây là gần 208 ha. Phía bắc tiếp giáp đường quy hoạch và khu Ngoại giao đoàn; phía nam giáp đường quy hoạch 40 m, phía đông giáp đường Lạc Long Quân (vành đai 2) và phía tây giáp đường quy hoạch 40 m.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.