Đã hơn một tuần kể từ khi thành phố Vũ Hán đi vào bế tắc. Số liệu mới nhất đến sáng 1/2, virus corona đã lây nhiễm gần 12.000 người trên khắp thế giới và giết chết ít nhất 259 người ở Trung Quốc. Đối với nhiều người dân Vũ Hán, thế giới đã thu hẹp lại chỉ trong 4 bức tường, buộc họ phải tìm cách vượt qua từng phút, từng giờ và từng ngày, cho đến khi virus corona biến mất hoàn toàn.
Theo các quan chức Hồ Bắc, Hàng triệu người đang đón cái Tết quạnh hiu tại Vũ Hán. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Vũ Hán giờ đây là một thành phố không có giao thông. Thông thường đường phố tại đây dễ bị tắc nghẽn, nhưng giờ đây lại trống rỗng.
Sự hoang vắng thể hiện rõ nét khi so sánh ảnh chụp cầu Doanh Ngũ Châu bắt qua sông Trường Giang tại Vũ Hán. Chỉ một tuần trước, hàng trăm xe ô tô nối đuôi nhau mỗi giờ tan tầm. Đến nay, chỉ còn một vài chiếc xe chạy bon bon, thênh thang đường rộng.
Khu vực quanh ga tàu hoả Vũ Hán hay bãi xe sân bay Vũ Hán cũng im lìm từ khi lệnh phong toả giao thông được ban hành cách đây một tuần.
Một vài người vẫn đủ can đảm để ló mặt ra đường. Nhưng đối với hầu hết người dân Vũ Hán, chuyện đó còn trên các việc mạo hiểm. Reza Sultanuzzaman, một phó giáo sư tại Đại học Nam Xương, cho biết từ trước Tết đến nay, gia đình nhanh chóng dự trữ thực phẩm, vật dụng và ở yên trong căn hộ của họ.
"Chúng tôi sẽ phải mua thêm đồ dự trữ sớm thôi. Nhưng thật tình cả nhà đều sợ ra ngoài đường", ông chia sẻ.
Tại Đại học Vũ Hán, nơi có hơn 100 trăm sinh viên nước ngoài được cho là đang ở trong khuôn viên trường, các khu chợ vẫn mở và những bữa tối đóng hộp đang được chuyển đến. Rana Waqar Aslam, nghiên cứu sinh tiến sĩ đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cho biết bữa tối thường gặp là cơm, gà nướng với khoai tây, nấm và rau.
Anh nói rằng anh vẫn rời khỏi khuôn viên để đến một số cửa hàng tạp hóa, nhưng hầu hết các sinh viên khác đang giới hạn thời gian ra ngoài. "Rõ ràng là một số người đang hoảng loạn, nhưng không phải tất cả mọi người đều thế", anh cho biết.
Một trong những người ở lại là Lương Lượng. Doanh nhân này đã tham gia vào tổ chức ước tính khoảng 4.000 người tình nguyện - dành thời gian và xe hơi của mình để vận chuyển vật tư và nhân viên y tế. Các nhóm WeChat sớm xuất hiện để làm cầu nối giữa các tài xế với những người có nhu cầu.
Trở về nhà vào lúc 10h tối với một ngày mệt mỏi sau tay lái, Lương Lượng giải thích anh đã tham gia tình nguyện sau khi nhìn thấy cảnh ngộ của nhân viên bệnh viện.
"Video và hình ảnh trực tuyến cho thấy nhân viên y tế làm việc trong điều kiện tồi tệ và thiếu đồ bảo hộ. Tôi cảm thấy đau lòng khủng khiếp khi nhìn thấy những hình ảnh này", anh nói.
Trong tuần vừa qua, anh Lương đã chở khoảng 100 nhân viên y tế, giao hàng chục ngàn khẩu trang và vài ngàn bộ quần áo bảo hộ cho các bệnh viện. Một số tài xế tình nguyện bắt đầu ngày của họ lúc 5h sáng, và thường không kết thúc cho đến đêm khuya.
Việc cách li Vũ Hán cũng gây ra một số hoảng loạn ban đầu trong việc mua sắm. Nhưng một tuần sau, một số cư dân Vũ Hán nói rằng họ có đủ thực phẩm, quan trọng hơn là họ nhận được các sản phẩm như thuốc khử trùng và dược phẩm.
"Tôi đi ra ngoài khoảng một lần một tuần để mua đồ tạp hóa. Thực phẩm dễ mua nhưng khẩu trang và thuốc thì không. Tôi phải mua một số loại thuốc huyết áp cho mẹ tôi", ông Vương Vĩ, giáo sư kĩ thuật điện tử của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, chia sẻ với Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Nhưng các vấn đề sức khỏe giờ đây không ám ảnh cư dân bằng việc phải đối phó với sự lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh mỗi ngày. Ông Vương nói rằng nỗi sợ hãi của ông tăng lên khi phát hiện ra rằng, người mà ông tiếp xúc đã phải nhập viện vì bị sốt. "Tôi đã rất sợ. Ông của một người bạn đã chết vì bệnh viêm phổi Vũ Hán này", ông nói.
Đối với Crystal Vũ, một sinh viên tốt nghiệp ngành tiếp thị, việc cách li đang gây nguy hiểm cho cơ hội cô bắt đầu một công việc mới. Cô Vũ về Vũ Hán từ Milan vào tháng 1, để đoàn tụ với gia đình vào dịp Tết Nguyên đán. Cô dự định bắt đầu thực tập với một công ty ở Hong Kong vào đầu tháng 2, nhưng giờ cô không thể rời đi.
"Tôi không hài lòng với chính quyền Vũ Hán, vì họ không chia sẻ thông tin kịp thời về sự bùng phát dịch bệnh. Tôi đã đến Thượng Hải từ Milan vào ngày 18/1, trước khi đến Vũ Hán vào ngày 19/1. Vào thời điểm đó, giới truyền thông và chính phủ đều nói rằng việc virus corona truyền từ người sang người là khó có khả năng", cô bức xúc.
Cô đồng ý cách li là một biện pháp hiệu quả để kiểm soát sự lây lan của virus, nhưng nó đã khiến những người tình cờ ở lại thành phố trong một thời gian ngắn và không có khả năng mắc bệnh, như cô, bị mắc kẹt tại đây.
"Tôi chỉ muốn về nhà ăn Tết. Tôi không bao giờ nghĩ rằng việc cách li lại ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình", cô nói.
Quầy lễ tân trống không, nhà hàng đóng cửa, nhân viên "né khách như né tà" đang là tình cảnh của khách sạn Marco Polo ở Vũ Hán. Đây là một trong số ít khách sạn vẫn bám trụ khi virus nCoV bùng phát. Theo một nhân viên, khách sạn này có 356 phòng, với công suất đạt tới 80% vào Tết hàng năm, nhưng hiện chỉ còn 20 khách nghỉ lại, do không thể đi đâu vì lệnh phong toả đường bộ, đường sắt hay máy bay.
Phóng viên AFP bắt gặp một người dân đứng bên kia đường chỉ tay về khách sạn và lắc đầu: "Khách sạn gì mà giờ như nơi bị ma ám!".
Một hách sạn 5 sao ven bờ sông Dương Tử cũng đang chật vật vì vắng khách. Để phòng virus corona, ban quản lí bắt buộc mọi khách lưu trú phải đeo khẩu trang, bất cứ ai ra ngoài vào bất kì lúc nào cũng được theo dõi đến từng sợi tóc. Đội an ninh luôn kiểm tra thân nhiệt hoặc những triệu chứng sốt của mọi người ra vào khách sạn.
Vài nhân viên còn mặc đầy đủ đồ bảo hộ khi đi lại trong hành lang.
"Mọi chuyện vẫn ổn nếu người ta có thân nhiệt từ 37,3 độ C trở xuống. Nếu cao hơn, chúng tôi sẽ phải thực thi những biện pháp cần thiết", A Tiểu, người chịu trách nhiệm đo thân nhiệt, cho hay.
Vẫn đi làm nhưng nhân viên đều "mắc chứng sợ người". "Khi tôi mở cửa phòng, nhân viên đặt khay thức ăn xuống sàn và bỏ chạy như thể cô ấy vừa thấy một bóng ma", một du khách từ Mỹ Latin kể lại.
Tồi tệ hơn, một vài khách sạn ở Vũ Hán đang cố đẩy khách ra đường, có nơi từ chối nhận thêm khách. Một nhân viên của khách sạn Fairmont cho biết nơi này thực tế đã đóng cửa, mọi hoạt động chỉ còn mang tính hình thức.
"Chúng tôi biết rõ việc nhận thêm bất cứ khách nào vào thời điểm này là quá mạo hiểm - vì chúng tôi không biết liệu họ có tiếp xúc với bất kì ai nhiễm virus hay không. Tất nhiên chúng tôi cũng không thể đóng cửa, vì khách không còn nơi nào để đi", một nhân viên của Marco Polo, cho biết.
Vũ Hán là một cứ điểm sản xuất của nhiều hãng ô tô như General Motors, Honda và Nissan. Hiện tại, Honda Motor và PSA Group đang giải tán toàn bộ nhân viên làm việc quanh Vũ Hán.
Một phát ngôn viên của Honda đã xác nhận 30 công nhân và gia đình của họ, những người làm việc tại nhà máy gần Vũ Hán, đang được gửi về Nhật Bản. Honda tuyên bố sẽ tiếp tục sản xuất ô tô tại Quảng Châu vào ngày 10/2. Ban đầu, họ đã lên kế hoạch khởi động lại vào ngày 3/2, nhưng mọi việc đang diễn biến phức tạp.
Honda đã không quyết định khi nào sẽ tiếp tục sản xuất tại nhà máy của mình ở Vũ Hán.
Ngoài ra, nhà cung cấp phụ tùng xe hơi lớn của Honda Motor, Ftech, sẽ chuyển dây chuyền sản xuất bàn đạp phanh từ Vũ Hán sang Philippines.
Ftech sản xuất bàn đạp phanh cho xe thể thao đa dụng của Honda tại Vũ Hán và cung cấp chúng cho các nhà máy của Honda tại Trung Quốc và Nhật Bản.
Để bù đắp việc cắt giảm nguồn cung của bàn đạp từ Vũ Hán đến Nhật Bản, Ftech sẽ sản xuất thêm bàn đạp vào tháng 2 và bắt đầu vận chuyển chúng trong tháng đó. Ftech coi đây là một biện pháp tạm thời, và dự định chuyển dây chuyền sản xuất bàn đạp trở lại Vũ Hán ngay khi có thể.
Asian Nikkie Review nhận định, nếu virus corona tiếp tục lan rộng, các công ty khác có thể sẽ học theo động thái của Ftech. Nhiều nhà sản xuất ô tô và công ty bán dẫn từ Trung Quốc cũng như nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Vũ Hán, đã kéo dài kì nghỉ Tết Nguyên đán. Việc này sẽ có khả năng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng quốc tế.
Còn PSA Group chia sẻ với CNBC, rằng quyết định hồi hương cho những nhân viên làm việc tại Vũ Hán sẽ được thực hiện theo đề xuất của chính quyền Pháp, trong sự hợp tác hoàn toàn với chính quyền Trung Quốc. Thông tin này được phát ngôn viên của công ty Pierre-Olivier Salmon, xác nhận.
Nissan cũng đang có kế hoạch rút phần lớn nhân viên của mình và các thành viên gia đình họ từ khu vực Vũ Hán trở về Nhật Bản.
Một người phát ngôn của Nissan cho biết: "Chúng tôi đang đánh giá cẩn thận tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán, cũng như toàn bộ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ thông báo cho nhân viên của chúng tôi và cung cấp tất cả các công cụ hỗ trợ và phòng ngừa cần thiết".
Phát ngôn viên của General Motors chia sẻ với CNBC: "Vẫn chưa quyết định liệu có kéo dài thời gian nghỉ việc ở Trung Quốc sau ngày 2/2 hay không, đặc biệt tại nhà máy lắp ráp ở Vũ Hán có khoảng 6.000 công nhân".
Hãng này đã tạm thời hạn chế việc cử nhân viên đi thị trường tại Trung Quốc. Nhân viên của công ty cũng được nhắc nhở thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết được đề xuất bởi các cơ quan y tế.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020