Dự chi gần 95 tỷ đồng/km làm cao tốc vành đai 4 - vùng Thủ đô, đi qua cầu Hồng Hà, Mễ Sở và cầu vượt sông Đuống

Theo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô sẽ có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Chỉ tiêu xây dựng 1 km đường 94,69 tỷ đồng/km. Tuyến đường sẽ đi qua hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở và một cầu lớn vượt sông Đuống.

Sáng 14/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì Hội thảo trực tuyến "Tham gia ý kiến với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 -vùng Thủ đô Hà Nội".

Tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ vùng Thủ đô

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô có ý nghĩa tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ vùng Thủ đô, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, mà hiện nay tuyến đường vành đai 3 đang đảm nhiệm và quá tải trầm trọng.

"Khi có tuyến đường vành đai 4, sẽ giảm ùn tắc cho vành đai 3; góp phần phát triển đô thị 2 bên tuyến; phục vụ công tác an ninh, quốc phòng”, người đứng đầu chính quyền Hà Nội nhấn mạnh.

Xem thêm: Thông tin mới nhất về dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Dự chi gần 95 tỷ đồng/km làm cao tốc vành đai 4 - vùng Thủ đô, đi qua cầu Hồng Hà, Mễ Sở và cầu vượt sông Đuống - Ảnh 1.

Dự án vành đai 4 được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội và thúc đẩy kinh tế cho Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. (Đồ họa: Đức Bùi).

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đề nghị các đại biểu phát huy kinh nghiệm lãnh đạo, kiến thức khoa học, tầm nhìn vĩ mô, với tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng để giúp UBND TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi fự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

8 nút giao chính, đi qua cầu Hồng Hà, Mễ Sở và cầu vượt sông Đuống

Tại hội thảo, đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã báo cáo tóm tắt nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 4.

Theo đó, đường vành đai 4 có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, qua Hà Nội dài 58,2 km qua 7 huyện; qua Hưng Yên dài 19 km; qua Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7 km.

Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Tuyến nối theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường vành đai 4 có quy mô 4 làn xe cao tốc.

Dự án đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h với thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80 km/h.

Dự chi gần 95 tỷ đồng/km làm cao tốc vành đai 4 - vùng Thủ đô, đi qua cầu Hồng Hà, Mễ Sở và cầu vượt sông Đuống - Ảnh 2.

Sơ đồ hướng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Đồ họa: Alex Chu).

Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1, bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 38; nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tuyến đường sẽ có ba cầu vượt vượt sông, gồm hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà (dài 5.023 m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674 m); một cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990 m).

Các công nghệ tiên tiến, hiện đại từ giai đoạn chuẩn bị (khảo sát bằng thiết bị bay không người lái, công nghệ ảnh hàng không…); giai đoạn thực hiện sử dụng các vật liệu mới như bê tông cường độ cao, siêu cao... sẽ được áp dụng tại dự án.

Đáng chú ý, đơn vị tư vấn đã đề xuất một số điểm đi thấp vừa giảm kinh phi đầu tư (xuống còn hơn 87.200 tỷ đồng), vừa bảo đảm quỹ đất và giao thông, phát triển đô thị hai bên một cách hiệu quả như tại Hà Nội, Bắc Ninh và KCN Phố Nối (Hưng Yên)… có thể phát triển quỹ đất hai bên đường.

Đơn giá xây dựng 1 km đường của dự án bao gồm đơn giá xây dựng 1 km đường cao tốc 17 m được tính toán quy đổi từ chỉ tiêu xây dựng đường cao tốc 4 làn xe trong suất vốn đầu tư (quy đổi theo bề rộng nền đường và mặt đường). Với tỷ trọng chi phí mặt đường/nền đường vào khoảng 55%/45% (tham chiếu từ các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1). Chỉ tiêu xây dựng 1 km đường 94,69 tỷ đồng/km.

Đơn giá xây dựng 1 km đường bên - đường đô thị loại 1 và đường bên đường đô thị loại 2 tham chiếu theo suất đầu tư đường ô tô cấp III đồng bằng và đường ô tô cấp IV đồng bằng với chỉ tiêu 24,07 tỷ đồng/1km. Chỉ tiêu xây dựng cầu 1m2 mặt cầu bình quân 25,71 triệu đồng/m2...

Kiểm soát quy hoạch toàn tuyến, kết nối sân bay thứ hai

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá nghiên cứu tiền khả thi đường vành đai 4 - vùng Thủ đô tương đối công phu, có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo sát sao của TP Hà Nội, đã làm rõ sự cần thiết của đầu tư tuyến đường.

Theo PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, vành đai 4 là tuyến cao tốc đô thị nên yếu tố quy hoạch, cảnh quan rất quan trọng do cao tốc tồn tại 100 năm nên phải hài hòa với quy hoạch tổng thể; khi dự án tiền khả thi được phê duyệt phải thi tuyển phương án kiến trúc. PGS. TS Trần Chủng kiến nghị thành lập 2-3 dự án thành phần để thuận lợi cho quá trình thực hiện dự án, giảm tải cho Hà Nội trong quá trình đầu tư.

PGS. TS Tống Trần Tùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về việc nút giao với sân bay thứ hai của Thủ đô chưa được nêu trong báo cáo tiền khả thi; kiến nghị về số lượng nút giao của dự án tại phía Nam còn ít và cần rút kinh nghiệm từ nút giao Pháp Vân-Cầu Giẽ; Bên cạnh đó, cần quan tâm mật độ xây dựng, mật độ dân số quanh đường vành đai 4 và cần có chỉ tiêu ngay từ đầu bởi nếu xây dựng chằng chịt sẽ không còn khái niệm cảnh quan của cả tuyến đường.

Còn theo PGS. TS Hoàng Hà, Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, với tình hình giao thông hiện tại của Việt Nam nên tiến hành phương án đi theo đường trên cao để giải quyết xung đột giao thông nội vùng; vấn đề ảnh hưởng của dự án đối với các tuyến đường khác. “Chúng ta cũng phải tính toán kỹ vấn đề thoát nước của dự án ngay từ đầu bởi đây là vấn đề mà các dự án khác thường gặp phải”, PGS. TS Hoàng Hà lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam thống nhất với đề xuất cần thiết đầu tư của dự án tiền khả thi được đơn vị tư vấn nêu tại hội thảo và thống nhất với đề xuất chia làm 3 dự án thành phần. Bà Duyên cũng đồng tình với đề xuất phân kỳ nhưng cần cân nhắc về tiến độ thực hiện dự án, bởi với khối lượng đồ sộ của công trình và các thủ tục cần triển khai việc đặt mục tiêu 2027 hoàn thành sẽ cần chi tiết tiến độ thực hiện để hoàn thành đúng hạn.

chọn
Mời đầu tư 4 khu đô thị 22.000 tỷ ở Cam Lâm
Tỉnh Khánh Hòa sẽ bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho 4 khu đô thị trên địa bàn huyện Cam Lâm vào tháng 12/2024.