Liên danh CTCP Sông Hồng Tam Đảo - CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô vừa lập một báo cáo liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Ngày 27/3/2023, VQG Tam Đảo và liên danh trên đã ký kết hợp đồng kinh tế cho thuê môi trường rừng để thực hiện Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí số 13 với diện tích thuê là 35,73 ha.
Dự án được thực hiện trên địa phận xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc và xã Quân Chu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Toàn bộ khu đất dự án được bao quanh bởi đất lâm nghiệp.
Về hiện trạng, trong khu vực nghiên cứu không có dân cư sinh sống, chỉ có một số hộ dân tự phát dựng nhà và lều trông cây và tái lấn chiếm để trồng các loại hoa màu, cây ăn quả, bạch đàn. Khu vực này chủ yếu là đất lâm nghiệp, mặt nước tự nhiên (suối nước, hồ và vũng nước nông), chiếm phần lớn diện tích là rừng hỗn giao gỗ tre nứa (33,5 ha), còn lại là rừng phục hồi, đất trống có cây gỗ tái sinh và đất khác.
Giao thông đối ngoại của dự án có Quốc lộ 2B chạy từ TP Vĩnh Yên lên Thị trấn Tam Đảo và vào khu vực thực hiện dự án có tuyến đường cấp phối đi từ khu du lịch Tam Đảo 1 sang khu du lịch Tam Đảo 2, đường có chiều rộng khoảng 5 - 6 m, đường đất đang được đo bê tông. Ngoài ra, trong khu vực còn một vài tuyến đường mòn nhỏ đi len lỏi trong rừng do VQG Tam Đảo xây dựng phục vụ cho việc phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.
Khu vực lập quy hoạch có địa hình đồi núi tương đối dốc, độ cao của toàn khu vực 780 - 1.000 m so với mực nước biển. Tại đây không có hệ thống thoát nước mưa, nước mưa chủ yếu tự thấm và thoát theo địa hình tự nhiên.
Nhìn chung, tại đây chưa có hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật. Khoảng cách đến các điểm đầu mối kết nối cơ sở hạ tầng khu vực khá xa, gây khó khăn và tăng kinh phí trong việc đầu tư xây dựng và kết nối.
Khu dân cư gần nhất cách dự án 1.400 m về phía nam, cách dự án 600 m về phía đông nam có tháp truyền hình. Đền Bà Chúa Thượng Ngàn cách dự án khoảng 1.200 m về phía đông nam; Chùa Tây Thiên Trúc các khoảng 1.640 m về phía đông và Chùa Tây Thiên cách khoảng 2.680 m về phía tây bắc.
Dự án đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác là 35,73 ha.
Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 0,6 ha xây công trình dịch vụ công cộng; 1,5 ha xây biệt thự nghỉ dưỡng bungalow; 25,4 ha là rừng sinh thái tự nhiên; 5,9 ha là khu cây xanh, vườn hoa; 1,6 ha cho đất giao thông...
Khu công trình dịch vụ công cộng có chiều cao tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng dự kiến 60%, chức năng là khu đón tiếp, nhà điều hành, dịch vụ, ẩm thực.
Các căn bungalow có chiều cao tối đa 2 tầng, mật độ xây dựng dự kiến 50%. Toàn dự án sẽ có khoảng 51 căn bungalow với 159 phòng ngủ.
Bên cạnh đó, tại đây sẽ xây dựng công trình khách sạn cao 3 tầng nổi và 2 tầng hầm, tổng diện tích 4.071 m2, diện tích xây dựng 2.438 m2; mật độ xây dựng khoảng 59,9%, tổng diện tích sàn 12.700 m2, hệ số sử dụng đất 3,12 lần, tổng cộng có 126 phòng (gồm 46 phòng một giường và 80 phòng hai giường).
Các cụm công trình khách sạn và bungalow sẽ được tổ chức tiếp cận chính từ tuyến đường kết nối từ Tam Đảo 1 sang, kết hợp với các tuyến đường nội bộ đảm bảo thuận tiện về giao thông.
Tổng mức đầu tư của dự án này là 567 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 481 tỷ đồng. Về tiến độ, dự kiến giai đoạn quý I/2024 - quý II/2025 dự án sẽ triển khai thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị; kết thúc và đưa vào khai thác, sử dụng vào quý III/2025.
Về chủ đầu tư dự án, Sông Hồng Thủ Đô tiền thân là CTCP Thương mại Sông Hồng Thủ Đô, được thành lập vào tháng 5/2004, có địa chỉ tại đường Lam Sơn, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng.
Năm 2006, Sông Hồng Thủ Đô làm dự án bất động sản đầu tay là khu du lịch sinh thái cao cấp Sông Hồng Resort (9,5 ha, 600 tỷ đồng) tại khu Bắc Đầm Vạc, Vĩnh Phúc. Năm 2017, doanh nghiệp chuyển sang mô hình tập đoàn và đổi tên như hiện nay.
Tính đến tháng 30/6/2020, trải qua 7 đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của Sông Hồng Thủ Đô đã tăng lên thành 1.610 tỷ đồng. Thời điểm này, doanh nghiệp được góp vốn bởi Chủ tịch Nguyễn Văn Niên (56,52%) cùng vợ là bà Trần Diệu Hà (43,29%).
Hiện nay, Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Sông Hồng Thủ đô là ông Trần Đại Thắng, vị này từng có thời gian làm việc cho Tập đoàn Vingroup (giai đoạn 2005 - 2008).
Về tình hình tài chính, trong các năm 2018 và 2019, Sông Hồng Thủ Đô ghi nhận doanh thu thuần lần lượt 226 tỷ đồng và 450 tỷ đồng, trong đó mảng bất động sản mang về 65 tỷ đồng và 269 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở hai năm này lần lượt là 3,6 tỷ đồng và 4,4 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất năm 2020, Sông Hồng Thủ Đô ghi nhận doanh thu thuần 232 tỷ đồng và lãi sau thuế 3,2 tỷ đồng. Tài sản và nợ phải trả tính đến hết năm 2020 lần lượt là 2.531 tỷ đồng và 700 tỷ đồng.
Bên cạnh Sông Hồng Resort, Sông Hồng Thủ Đô còn đầu tư một số dự án khác tại Vĩnh Phúc.
Có thể kể đến là Khu đô thị sinh thái Sông Hồng - Nam Đầm Vạc tại phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên (37,2 ha, 3.883 tỷ đồng). Khu dịch vụ du lịch Sông Hồng Thủ Đô - Bắc Đầm Vạc tại phuòng Tích Sơn, TP Vĩnh Yên (9,2 ha, 487 tỷ đồng). Liên kết với Tập đoàn Sungroup đầu tư Khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 tại thị trấn Tam Đảo (3.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, một doanh nghiệp thuộc nhóm Sông Hồng là CTCP Sông Hồng Hoàng Gia đang là chủ đầu tư của KĐT sinh thái Bắc Đầm Vạc hơn 54 ha. Tính đến tháng 12/2020, Sông Hồng Thủ Đô nắm 80% vốn điều lệ tại Sông Hồng Hoàng Gia.
Nói thêm về Chủ tịch Nguyễn Văn Niên, vị này có quê quán tại Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ, nơi Sông Hồng Thủ Đô đang đầu tư Khu dân cư Tứ Xã 300 tỷ đồng, với 700 lô đất nền liền kề và 69 kiot. Đây chính là dự án đã giúp doanh thu của Sông Hồng Thủ Đô tăng trưởng mạnh vào năm 2019.
Ngoài dự án Tứ Xã, đến nay Sông Hồng Thủ Đô còn sở hữu quỹ đất khủng tại Phú Thọ.
Đầu tiên là Khu nhà ở đô thị Tiên Cát, TP Việt Trì. Dự án gồm 3 tuyến phố đi bộ, quảng trường, hai bên là khu nhà đô thị với 350 ngôi nhà phố thương mại từ 5 đến 8 tầng. Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là trên 14 ha. Tổng mức đầu tư dự án là 3.750 tỷ đồng. Tính đến tháng 5/20200, dự án đã chi trả tiền bồi thường, GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư trên 11,6 ha.
Hồi tháng 5/2021, Liên danh Sông Hồng Thủ Đô - CTCP Đầu tư Bất động sản Phú Thọ được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện Khu nhà ở đô thị phía Tây Bắc thị trấn Sông Thao. Dự án này có quy mô hơn 23 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 33 tỷ đồng).
Cũng tại Phú Thọ, Liên danh CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị Đất Việt - Sông Hồng Thủ Đô - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập là nhà đầu tư dự án Khu đô thị mới Thanh Minh quy mô hơn 92 ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Vào tháng 8/2021, UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Đông Nam TP Việt Trì đối với Liên danh Tự Lập - Sông Hồng Thủ đô. Dự án có tổng diện tích đất sử dụng hơn 63 ha, chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí GPMB) hơn 4.679 tỷ đồng.
Tại huyện Thanh Thuỷ, tháng 8/2021, liên danh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lân Huế - Sông Hồng Thủ Đô là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu nhà ở nông thôn Trại Mít, xã Đồng Trung. Dự án có diện tích gần 22 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.630 tỷ đồng.
Dự án 19:00 | 23/10/2024
Dự án 11:11 | 22/10/2024
Dự án 11:52 | 21/10/2024
Dự án 12:00 | 07/10/2024
Dự án 06:30 | 03/10/2024
Dự án 13:17 | 02/10/2024
Dự án 14:23 | 27/09/2024
Dự án 11:30 | 26/09/2024