Một 'ông trùm' bất động sản sắp làm khu du lịch 68 ha trong Vườn quốc gia Tam Đảo

Dự kiến từ tháng 2/2024, CTCP Nam Tam Đảo của đại gia Lê Xuân Trường sẽ triển khai Khu du lịch sinh thái số 2 tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Dự án này có tổng diện tích 68 ha, nằm trong phạm vi Vườn quốc gia Tam Đảo.

Vị trí dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Dự án trong khu Dịch vụ - hành chính Vườn quốc gia Tam Đảo 

CTCP Nam Tam Đảo vừa lập một báo cáo liên quan đến Khu du lịch sinh thái số 2 tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Dự án này nằm trong đề án du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, giải trí Vườn quốc gia Tam Đảo giai đoạn 2021 - 2030, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt vào tháng 4/2021.

Tháng 1/2022, Nam Tam Đảo đã ký hợp đồng với Vườn quốc gia Tam Đảo để thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, giải trí. Đến tháng 11 cùng năm, Tổng cục Lâm nghiệp đã chấp thuận nội dung thuê môi trường rừng của Công ty Nam Tam Đảo.

Khu du lịch sinh thái số 2 có tổng diện tích 68 ha, thuộc phân khu Dịch vụ - hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo. Phía bắc, đông, tây dự án giáp đất lâm nghiệp; phía nam giáp Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo. Dự án được chia thành hai giai đoạn thực hiện, trong đó giai đoạn 1 xây dựng trên 60,16 ha, giai đoạn 2 là 7,84 ha. 

Bản đồ hiện trạng dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về hiện trạng, khu vực dự án hiện chủ yếu là đất lâm nghiệp (57,57 ha); suối vũng tự nhiên (2,27 ha); đường giao thông (0,14 ha) và còn lại 8,02 ha đất do các hộ dân trồng cây lâu năm trồng keo, bạch đàn, đất vườn, canh tác...

Trong khu vực triển khai dự án có khoảng 15 hộ dân địa phương vẫn đang canh tác trồng các loại hoa màu và chăn nuôi gia súc. Vườn quốc gia Tam Đảo đã phối hợp với chủ dự án hỗ trợ kinh phí tài sản hoa màu, vật nuôi cho 13 hộ và bàn giao lại đất cho Vườn quốc gia, còn 2 hộ gia đình vẫn đang trong quá trình di dời.

Các khu vực thuộc dự án chưa tiến hành xây dựng, hiện nay là đất đồi núi, đất trống và đất cây xanh mọc tự nhiên. Cao độ nền biến thiên dự án khoảng 95 - 250 m, hiện chưa được san nền. 

Trong khu vực dự án có một số tuyến đường mòn đi ven suối rộng 2 - 5 m, hiện trạng đã xuống cấp, nhiều đoạn cắt qua suối qua khe, chưa có cầu cống nên vào mùa mưa việc di chuyển qua đây gặp nhiều khó khăn.

Khu vực dự án chưa có hệ thống thoát nước mưa, nước mưa chủ yếu tự thấm và thoát theo địa hình tự nhiên, sau đó đổ ra suối, hồ hiện hữu. Tại đây cũng chưa có hệ thống điện, chưa có hệ thống liên lạc. Về hiện trạng rừng, trong số 57,57 ha đất lâm nghiệp của dự án có rừng phục hồi, rừng hỗn giao và rừng trồng gỗ. 

 

 

Hiện trạng khu vực dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Mục tiêu đầu tư của dự án là khai thác các tiềm tăng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và hệ sinh thái rừng; phát triển các loại hình sản phẩm du lịch phục vụ việc nghỉ ngơi, giải trí, tham quan; thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Tam Đảo...

Giai đoạn đầu tư, công suất thiết kế của dự án khoảng 175.000 khách/năm, số lượng nhân viên phục vụ khoảng 220 người. 

Xây tối đa 3 tầng, chiều cao 12 m

Trong cơ cấu sử dụng đất giai đoạn 1, dự án sẽ bố trí hơn 2,3 ha làm khu dừng chân nghỉ ngơi; 0,5 ha đất nhà hàng - dịch vụ; 9,2 ha đất cây xanh dịch vụ; 1,8 ha đất dịch vụ - sinh hoạt cộng đồng; 0,3 ha đất quảng trường, sân lễ hội; 4 ha đất cây xanh cảnh quan; 3,2 ha đất hạ tầng kỹ thuật; 3,5 ha đất mặt nước và còn lại 35,2 ha sẽ là đất cây xanh lâm nghiệp.

Nhìn chung, phương án tổ chức không gian của dự án sẽ tôn trọng cảnh quan, cây xanh, địa hình tự nhiên hiện hữu, hạn chế thay đổi địa hình, địa mạo khu đất.

Chiều cao xây dựng công trình tại dự án không quá 12 m. Trong đó, khu dừng chân nghỉ ngơi sẽ có mật độ xây dựng 40%, cao 2 - 3 tầng; đất cây xanh dịch vụ sẽ có chòi ngắm cảnh cao 2 tầng; khu nhà hàng - dịch vụ, khu dịch vụ - sinh hoạt cộng đồng  có mật độ xây dựng 40%, cao 2 - 3 tầng; khu đất cây xanh cảnh quan cao 1 - 2 tầng.

Về các hạng mục, khu dừng chân nghỉ ngơi sẽ có các công trình bungalow cao 1 - 2 tầng, diện tích 84 - 131 m2); trung tâm ẩm thực (1.228 m2); các công trình nhà dịch vụ sinh hoạt cộng đồng (rộng 81 - 527 m2)...

Về tiến độ, dự kiến đến hết tháng 12/2023 dự án sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Chủ đầu tư sẽ có 1 tháng để chuẩn bị thi công. Giai đoạn tháng 2/2024 - tháng 5/2026 sẽ thi công hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục công trình. Quý I - quý II/2026 sẽ hoàn trả mặt bằng, kết thúc thi công. Từ quý II/2026 bàn giao, đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động.

Tổng mức đầu tư của khu du lịch này là hơn 731 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 181 tỷ đồng, còn lại 550 tỷ đồng là vốn huy động ngân hàng.

 Phối cảnh Khu du lịch sinh thái số 2. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Chủ đầu tư là "trùm" bất động sản Tam Đảo

Về chủ đầu tư, Công ty Nam Tam Đảo được thành lập vào năm 2004, có trụ sở tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Tính đến tháng 11/2021, Nam Tam Đảo có vốn điều lệ 888 tỷ đồng, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Lê Xuân Trường. 

Vào cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân golf Lanh Thanh thuộc Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo đối với CTCP Nam Tảm Đảo. Dự án này có quy mô hơn 73 ha, tổng vốn đầu tư hơn 655 tỷ đồng.

Ông Lê Xuân Trường được biết đến là chủ của  CTCP Đầu tư Lạc Hồng - "ông trùm" bất động sản tại Tam Đảo với quỹ đất rộng lớn.

Có thể kể đến là dự án Khu du lịch Tam Đảo tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo với tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng. Dự án bao gồm 4 tiểu dự án là Khách sạn Lâu đài, Khách sạn Venus, Khu ẩm thực và Khu nhà dịch vụ. Trong đó, công trình khách sạn Lâu đài Tam Đảo có tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, Khách sạn Venus có tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.

Tại khu 2, thị trấn Tam Đảo, Lạc Hồng là chủ đầu tư của Khu nghỉ dưỡng sinh thái Belvedere Resort rộng 28 ha, tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng đang đầu tư Dự án cáp treo Tây Thiên (260 tỷ đồng) và Khu đô thị Chùa Hà Tiên (TP Vĩnh Yên) gần 60 ha, tổng vốn khoảng 300 tỷ đồng.

Ngoài Tam Đảo, Lạc Hồng còn sở hữu danh mục dự án lớn tại một số địa phương trên cả nước.

Tại Hòa Bình, doanh nghiệp này là chủ đầu tư Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Serena Resort Kim Bôi Hòa Bình (30 ha, gần 300 tỷ đồng); Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc (hơn 161 ha, 800 tỷ đồng). 

Bên cạnh đó, Lạc Hồng còn là chủ đầu tư dự án Hạ Long Bay View (Quảng Ninh) và Khu đô thị - Công viên - Trung tâm hành chính mới (khu vực 1, hơn 9 ha) - tên thương mại là biệt thự đảo Hoa Sen tại Khánh Hoà.

Tại Hà Nội, Lạc Hồng là chủ đầu tư một số dự án chung cư như: Lạc Hồng Lotus - N01.T1 và Lạc Hồng Lotus - N01.T5 (khu Ngoại Giao Đoàn, quận Bắc Từ Liêm); Lạc Hồng West Lake (Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ),...

Bên cạnh đó, Lạc Hồng còn tham gia xây dựng nhiều công trình như Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, trụ sở Bộ Công an, trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Chung cư cao cấp đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), Chung cư Viglacera Tower, Nhà ở cán bộ chiến sỹ Tổng cục V,...

Công trình khách sạn Lâu đài Tam Đảo của Lạc Hồng. (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc).

Lạc Hồng từng vướng không ít lùm xùm liên quan đến quá trình triển khai, thi công. Năm 2019, nhiều dự án của doanh nghiệp từng nằm trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng.

Tại Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kế hoạch thanh tra loạt dự án của Lạc Hồng, gồm Tổ hợp chung cư cao cấp N01 T5; Chung cư phục vụ cán bộ viên chức quận Tây Hồ và các cơ quan của TP Hà Nội; Khu nghỉ dưỡng Kim Bôi, Hòa Bình; Chung cư Quảng Ninh, TP Hạ Long; Khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo; Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp tại huyện Tam Đảo; Khu nhà ở dịch vụ hai bên đường trục chính khu trung tâm lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo; Khu đô thị mới chùa Hà Tiên giai đoạn 2 (TP Vĩnh Yên).