Du lịch Việt Nam hậu Covid-19 nên được làm mới

Thị trường nội địa được xem là hướng đi ưu tiên trong việc phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19. Tuy nhiên, để thu hút du khách trở lại, ngành du lịch nên tái cơ cầu và có cách tiếp cận khác.

Tại hội thảo "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19" diễn ra vào chiều ngày 21/5 tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi,Hà Nội, ông Trần Đình Thiên – Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, du lịch được coi là ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, thay vì cứu ngành du lịch cũ thì cần phải làm mới ngành du lịch của Việt Nam. 

Theo ý kiến của ông Thiên, ngành du lịch Việt Nam nên đưa ra một khuôn khổ về chiến lược phát triển của ngành bởi phục hồi du lịch là khởi đầu cho các ngành kinh tế khác.

Ông cho biết, cần phải có chiến lược phục hồi cụ thể, không chỉ xoay quanh việc hạ giá, tránh làm hàng giả... mà đây là dịp tốt để tái cấu trúc ngành du lịch Việt Nam. "Việc thay đổi thị trường du lịch phải bắt đầu từ bây giờ. Phải định hướng thị trường, hãng hàng không cần mở ra các điểm đến mới. Song song với đó, việc miễn thị thực cần phải mở rộng hơn với các quốc gia khác", ông nói. 

Đồng quan điểm với ông Trần Đình Thiên, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel cho biết, ngành du lịch Việt Nam cần tái cấu trúc, có cách tiếp cận khác để thu hút khách du lịch trở lại. 

"Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chúng ta lại chưa chứng minh được vai trò của mình. Chúng ta chưa đưa ra được chỉ tiêu, con số cụ thể để tạo ra được điểm nhấn, sự thu hút nhất định", ông nói. 

Đại diện Vietravel cho rằng cần tiếp cận du lịch một cách tổng hợp. Theo ông, Bộ nên suy tính để thay đổi vì cấu trúc cũ lẻ tẻ, không có liên kết, kết nối doanh nghiệp kém.

Du lịch Việt Nam hậu Covid-19 nên được 'làm mới' - Ảnh 1.

Ninh Bình - Một trong những điểm đến hình thành tam giác du lịch tại miền Bắc. (Ảnh: Pinterest)

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, muốn kéo thị trường du lịch Việt Nam không thể kéo cả nước mà chia thành 5 khu vực trọng điểm, mỗi khu vực tạo thành "tam giác du lịch".

Cụ thể, miền Bắc có Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh, miền Trung có Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, miền Nam Trung Bộ có Bình Định - Nha Trang - Buôn Mê Thuột, miền Đông Nam Bộ có TP HCM - Bà Rịa Vũng Tàu - Bình Thuận, ngoài ra có khu vực miền Tây.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, các công ty lữ hành cần thiết kế sản phẩm bay, kết nối hãng hàng không vận chuyển, thiết kế đường bay và sản phẩm để đưa khách đi một cách an toàn.

Ông Kỳ cũng đề xuất về giải pháp phục hồi du lịch như cam kết giảm giá 30-50% dịch vụ tại địa phương, cam kết doanh nghiệp du lịch tại các đại phương giảm giá, xúc tiến giảm giá chung để hình thành các gói kích cầu, chương trình tour ưu đãi. 

 "Chúng tôi đã vận động Chủ tịch 3 tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam kí cam kết gói kích cầu liên kết miền Trung vào ngày 30/5 và đang xúc tiến các tỉnh khác", ông nói.

Cùng nói về việc tái cấu trúc ngành du lịch, ông Lê Khắc Hiệp – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup cho hay, cần suy nghĩ làm sao để thay đổi ngành du lịch tốt hơn, xem kết quả bằng được bao nhiêu phần trăm so với năm ngoái. "Hãy cố gắng thay đổi nhiều nhất có thể, dù có thể không bằng năm ngoái nhưng sẽ tạo đà để phát triển trong tương lai", ông nói. 

Đối với Vinpearl, thời gian vừa qua, ông Hiệp cho biết, doanh nghiệp đã tranh thủ thời gian vắng khách, thậm chí đóng cửa, đưa ra nhiều chính sách về xây dựng. 

Cụ thể, Vinpearl đã đổi hệ thống Vinpearl Land thành VinWonders sẽ khai trương 1/6 với nhiều điều mới hấp dẫn hay ở Nha Trang có chương trình đầu tư hàng trăm tỉ đồng để kích cầu khách du lịch, mang đến những trải nghiệm hoàn toàn mới cho du khách. 

Du lịch Việt Nam hậu Covid-19 nên được 'làm mới' - Ảnh 2.

(Ảnh: VinWonders Phú Quốc)

Doanh nghiệp cũng đầu tư tàu ngầm có thể lặn sâu hàng trăm mét để ngắm san hô. Ông Hiệp tin rằng, nếu tăng thêm giá trị cho khách hàng, doanh nghiệp sẽ thu hút được nhiều khách du lịch hơn.

Về phía Sun Group, bà Trần Thị Nguyện - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun Group cũng đã đưa ra những ý kiến về việc kích cầu du lịch nội địa. Theo bà, với thị trường nội địa, để kích cầu trở lại cần phải cùng chung tay khôi phục lại điểm đến. Bà mong muốn điều này được nhân rộng ra và mọi người cùng làm với nhau để cam kết không thay đổi giá.

Bên cạnh đó, các công ty du lịch phải cùng nhau kích cầu du lịch theo điểm đến. "Điểm đến đó phải tìm được cái mới hoàn toàn để du khách nội địa quay trở lại chứ không chỉ đưa ra giá ưu đãi", bà nói. 

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.