Dự thảo giáo viên đánh học sinh sẽ bị phạt: Lối thoát nào cho giáo viên?

"Nếu dự thảo giáo viên đánh học sinh bị phạt được thông qua, giáo viên sẽ dạy học trong tâm thế bị theo dõi. Phải chăng chúng ta cũng đang dùng bạo lực với chính các giáo viên?"

Dự thảo giáo viên đánh học sinh có thể bị phạt 30 triệu đồng đang gây ra nhiều luồng ý kiến và tranh cãi gay gắt giữ phụ huynh - giáo viên. Trong khi phụ huynh cho rằng đây là cách để giảm thiểu số vụ việc giáo viên dùng bạo lực với trẻ, thì không ít giáo viên bức xúc và cảm thấy áp lực nếu dự thảo được thông qua.

Là Nghiên cứu sinh Thạc sỹ ngành Tâm lý học giáo dục và Phát triển tại Trung Quốc, đồng thời cũng có thời gian đứng lớp và tổ chức một số khóa học về kỷ luật tích cực cho giáo viên, anh Nguyễn Minh Thành đã có những quan điểm về dự thảo đang gây tranh cãi này.

du thao giao vien danh hoc sinh se bi phat loi thoat nao cho giao vien
Anh Nguyễn Minh Thành - Nghiên cứu sinh Thạc sỹ ngành Tâm lý học giáo dục và Phát triển.

- Là nghiên cứu sinh ngành Tâm lí học và cũng có thời gian đứng lớp, anh đã từng phải dùng bạo lực, răn đe với học sinh? Anh có đồng tình với việc dùng bạo lực (dù ở mức độ nào) trong môi trường dạy học?

Trước khi trả lời câu hỏi này tôi muốn làm rõ nghĩa của từ “bạo lực” ở đây được hiểu như thế nào? Bạo lực là hành vi xâm hại tới an toàn thân thể và danh dự, nhân phẩm của học sinh. Vậy hành vi này ở mức độ nào thì được coi là đã có bạo lực? Làm sao để giáo viên hiểu rằng như vậy đã là bạo lực học sinh rồi?

Giả dụ như có giáo viên mắng trẻ một câu là “Con hư quá, cô không chấp nhận được”, đối với chúng ta là bình thường, nhưng câu nói đó lại ảnh hưởng tới tinh thần của đứa trẻ, khiến trẻ mặc cảm hoặc có những cảm xúc – hành vi không lành mạnh theo sau đó. Vậy đây có được coi là “Hành vi bạo lực” hay không?

Nếu chúng ta còn chưa làm rõ nội hàm của từ “bạo lực” là như thế nào, mức độ nào là đã được coi là bạo lực học sinh thì giáo viên - học sinh - phụ huynh sẽ còn mãi trôi trong những sự rối bời bởi khái niệm này.

Gần 7 năm đi dạy cả học sinh, giáo viên và phụ huynh, tôi chưa phải dùng tới bạo lực cho bất kỳ mục đích nào. Kỷ luật thì đương nhiên có, từ mà chúng ta vẫn quen dùng là “Kỷ luật tích cực”, một phương cách hiệu quả mà không dẫn giáo viên tới với hành vi bạo lực học sinh nhưng vẫn duy trì được không khí lớp học.

Theo quan điểm cá nhân, tôi không ủng hộ hành vi bạo lực dù là nhỏ nhất, không thể nói rằng: “Tôi lỡ tay đánh trẻ hoặc Tôi không kìm chế được nên đánh con”. Tất nhiên chúng ta vẫn có thể cảm thông, tùy vào quan điểm của mỗi người và tình huống lúc đó, cũng như đứng trên quan điểm đứa trẻ có sẵn sàng tha thứ cho hành động đó của giáo viên hay không? Nhưng ủng hộ hành động đó hay không thì tôi không ủng hộ.

du thao giao vien danh hoc sinh se bi phat loi thoat nao cho giao vien
Anh Nguyễn Minh Thành có nhiều kinh nghiệm đứng lớp và truyền đạt kinh nghiệm về "kỷ luật tích cực" cho giáo viên và phụ huynh.

- Trước dự thảo giáo viên đánh học sinh có thể bị phạt lên tới 30 triệu đồng, anh có nghĩ điều này sẽ làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa bố mẹ - học sinh - giáo viên?

Dự thảo này là một hành động kịp thời trước thực trạng bạo lực học đường đã tồn tại từ xưa tới giờ trong trường học của chúng ta. Tuy nhiên, tôi không cho rằng đây là giải pháp tối ưu cho thực trạng này.

Việc phạt tiền giáo viên từ 10 tới 30 triệu đồng, kèm theo phải xin lỗi công khai…. không thể giải quyết tận gốc vấn đề này. Một số thắc mắc của tôi với dự thảo này như sau:

1. Thế nào là bạo hành? Chúng ta có quy chế quy định rõ ràng hành vi nào ở mức độ nào được coi là bạo hành học sinh hay không?

2. Ai là người giám sát và quyết định rằng hành vi của giáo viên là đã bạo hành học sinh?

3. Phụ huynh và học sinh đóng vai trò gì trong dự thảo này?

4. Ngoài việc phạt tiền ra chúng ta có cách nào khác để ngăn chặn tình trạng bạo lực hay không? Việc phạt tiền chỉ là một cách dùng luật để răn đe hành vi sai, vậy chúng ta dùng cái gì để định hướng hành vi đúng?

Theo tôi được biết Bộ GD&ĐT vốn đã có “Quy định về đạo đức nhà giáo”. Luật giáo dục 2015 với 13 điều về “Nhiệm vụ và quyền hạn của Nhà giáo”, mỗi cơ sở giáo dục lại tiếp tục có các nội quy điều chỉnh hành vi của giáo viên. Luật hình sự cũng cũng có chế tài xử lý đối với giáo viên nếu gây thương tích cho trẻ em từ 11% trở lên.

Vậy từ trước tới giờ chúng ta vốn dĩ đã có rất nhiều luật, thiết chế để xử phạt hành vi không đúng đắn của giáo viên rồi nhưng tình trạng bạo lực vẫn diễn ra. Vậy phải chẳng vấn đề không phải nằm ở việc ra Luật?

du thao giao vien danh hoc sinh se bi phat loi thoat nao cho giao vien
"Áp dụng giáo dục tích cực và kỷ luật tích cực vào lớp học, giáo dục nhân cách cho học sinh dựa trên lý thuyết điểm mạnh nhân cách, tạo môi trường làm việc hạnh phúc cho giáo viên". (Ảnh: BeeBlue House Preschool)

- Nhiều giáo viên giải thích không đánh trẻ thì không được vì trẻ bướng, hư, nói không nghe, trong khi đó bố mẹ lại đồng tình với dự thảo vì có quá nhiều vụ việc giáo viên bạo hành trẻ. Liệu có giải pháp nào để giáo viên ngừng đánh trẻ, và trẻ cư xử đúng mực hơn ở lớp học không, thưa anh?

Tôi nghĩ rằng luôn luôn có 1 giải pháp giúp chúng ta không phải đứng ở hai bên và tranh cãi “Có” hoặc “Không”. Tôi đã trải nghiệm những lớp học giáo viên hoàn toàn không sử dụng bạo lực với học sinh. Tại những khoá học “Giáo dục tích cực” mà chúng tôi tổ chức, giáo viên sau khi đi học về và áp dụng các kỹ thuật quản lý lớp học dựa trên “Kỷ luật tích cực; Quản lý hành vi tích cực; Giáo dục tích cực” luôn phản hồi lại rằng họ đã không còn phải sử dụng tới bạo lực kể cả là quát to trong lớp học.

Việc giải quyết vấn đề này ngoài sử dụng chế tài phạt như dự thảo này đưa ra còn cần phải có những can thiệp khác nữa. Ở đây tôi tin rằng hầu như không giáo viên nào muốn đánh trẻ, dùng bạo lực với trẻ, bởi vì chính điều đó cũng khiến giáo viên áp lực chứ. Tuy nhiên vấn đề ở đây là giáo viên không biết nên làm gì.

Vậy đối với một người không biết làm thế nào, có lẽ chúng ta nên dạy họ trước khi phạt họ, bởi nếu chỉ phạt thôi thì khác nào chúng ta cũng đang dùng “bạo lực” với giáo viên?

Năng lực của giáo viên, nhất là bậc mầm non của chúng ta hiện nay (bậc học mà tôi cho rằng xuất hiện bạo lực nhất) chưa phải là cao. Các em sinh viên tốt nghiệp trung cấp ra với độ tuổi là 20 tuổi đã đứng lớp với sĩ số từ 20 – 40 học sinh. Kiến thức nghề chưa vững chứ đừng nói tới bản lĩnh, kinh nghiệm đứng lớp. Hàng năm chúng ta đã đào tạo thêm cho lực lượng giáo viên này như thế nào?

Theo như trải nghiệm của tôi tại khối mầm non, việc đào tạo giáo viên sau khi tuyển dụng còn rất lỏng lẻo và chưa được quan tâm. Chúng ta có các buổi đào tạo bởi chuyên viên từ các phòng ban bên trên. Tuy nhiên những chuyên viên này có kinh nghiệm nghề thực tiễn hay không? Hoặc đã từng có thì hiện nay họ có còn nghiên cứu chuyên sâu hay không? Những buổi đào tạo đó kéo dài trong thời gian bao lâu, và sau đó giáo viên có tiếp tục được trợ giúp, quan sát và đánh giá lại kiến thức đã tiếp thu được để ứng dụng vào thực tiễn dạy học hay không?

Có một thực tế rằng, các trường khối Tư thục và Dân lập càng ngày càng khẳng định được chất lượng giảng dạy bởi vì mỗi học kỳ họ đều dành ra 1 khoản kinh phí để mời chuyên gia về đào tạo cho giáo viên về các kỹ thuật quản lý lớp học và giảng dạy tích cực. Những khoá học này đã thay đổi rất nhiều công tác Dạy-học và cải thiện mối quan hệ giữa Giáo viên – Học sinh trong nhà trường.

Tôi nghĩ rằng, để giải quyết tình trạng giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh, trước hết cần xem lại chất lượng của giáo viên và việc đào tạo giáo viên hiện nay.

du thao giao vien danh hoc sinh se bi phat loi thoat nao cho giao vien
"Cần thắt chặt mối quan hệ giữa phụ huynh - học sinh - giáo viên".

- Vậy phụ huynh có đang đặt quá nhiều gánh nặng nuôi dạy trẻ lên vai giáo viên không, thưa anh?

Tôi khẳng định lại một điều rằng “Giáo dục tại gia đình là vô cùng quan trọng”. Hiện tại phòng nghiên cứu của chúng tôi đang tập trung vào nghiên cứu câu hỏi “Vai trò của cha mẹ trong việc tham gia vào giáo dục con cái và những ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần của trẻ em”. Giáo sư hướng dẫn và các nghiên cứu viên trong dự án này đã cho ra nhiều kết quả rất đáng chú ý như:

- Phong cách giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng tới tình trạng sức khoẻ tâm thần của học sinh (Rối loạn lo âu, hành vi chống đối xã hội, thành tích học tập tại trường…)

- Kỳ vọng của phụ huynh vào giáo dục tại trường học ảnh hưởng tới thành tích học tập và cảm xúc, hành vi của trẻ em trong lớp học.

- Sự tham gia vào giáo dục tại nhà của phụ huynh ảnh hưởng tới tình trạng đẳng cấp xã hội trong nhóm bạn bè của trẻ em tại trường học.

- Mối quan hệ Gia đình – Nhà trường ảnh hưởng tới chất lượng tâm lý (Psychological Suzhi) của trẻ em, đồng thời ảnh hưởng tới kết quả học tập của trẻ tại nhà trường.

Những kết quả trên không phải là mới ở phương Tây, tuy nhiên đối với Việt Nam thì dường như nó vẫn còn là một hướng nghiên cứu chưa lâu năm. Nhiều người cho rằng giáo dục trẻ em là nhiệm vụ của giáo viên và nhà trường. Điều này không sai, nhưng chưa đủ.

Việc giáo dục một đứa trẻ phải lấy nền tảng là giáo dục gia đình, song song với giáo dục trên lớp. Bởi sự ảnh hưởng của gia đình lên đứa trẻ là vô cùng to lớn, ảnh hưởng ở cả phương diện di truyền lẫn môi trường, trong khi giáo dục nhà trường chỉ tác động tới việc cung cấp trí thức, định hướng hành vi cho trẻ em và tạo một môi trường giáo dục định hướng học thuật.

Khi triển khai chương trình Giáo dục tích cực tại ngôi trường nhỏ của chúng mình, điều đầu tiên mà chúng mình làm đó là tiến hành “Can thiệp đồng cảm” đối với phụ huynh và giáo viên. Trong đó giáo viên sẽ đóng vai phụ huynh (và ngược lại) viết 1 bức thư gửi tới người kia xoay quanh việc giáo dục đứa trẻ.

Với can thiệp này, chúng ta tạo cho họ có cơ hội được nhìn ở phía đối diện, được đứng vào vị trí của người khác để có cái nhìn cảm thông hơn, yêu thương hơn và cũng là cơ hội để họ nhìn lại chính mình, tăng sự kết nối giữa giáo viên và phụ huynh.

Tuy nhiên, nói như vậy nhưng vai trò chủ động ở đây nên dành về phía nhà trường. Những người làm giáo dục nên tạo ra các cơ hội để gia tăng sự liên kết với gia đình của học sinh.

Gia đình có quyền được biết về những nội dung mà đứa trẻ được học ở trên lớp, hội phụ huynh cũng có quyền được tham gia giám sát một số hoạt động của nhà trường và đóng vai trò là người đưa ra những góp ý để cải thiện công tác giáo dục.

Những buổi hội thảo đầu mỗi học kỳ, các cuộc họp phụ huynh, những hoạt động ngoại khoá hay những kỳ lễ hội là những cơ hội rất tốt để nhà trường và Hội phụ huynh có những hoạt động thắt chặt mối quan hệ cần thiết này.

Hiện nay 1 số trường mầm non mỗi tháng đều có Ngày hội gia đình, Tiệc trà cuối tuần, Ngày bố mẹ làm thầy cô giáo…..là những buổi mà giáo viên và phụ huynh cùng trẻ có thể gặp mặt và cùng trải nghiệm 1 hoạt động giáo dục nào đó tại trường. Những sự kiện này thường rất thú vị và làm cho phụ huynh có cảm giác gắn bó với ngôi trường mà con mình đang theo học.

du thao giao vien danh hoc sinh se bi phat loi thoat nao cho giao vien
"Việc giáo dục một đứa trẻ phải lấy nền tảng là giáo dục gia đình, song song với giáo dục trên lớp". (Ảnh: BeeBlue House Preschool)

- Nếu dự thảo này được thông qua, anh có tưởng tượng ra được giáo viên sẽ dạy trẻ trong tâm thế như thế nào?

Với các cấp học khác mình không thể nắm rõ, tuy nhiên với cấp mầm non điều này đã từng xảy ra khi các trường có quyết định gắn camera trong lớp học.

Giáo viên của chúng ta đã dạy học với 1 tâm thế “bị theo dõi” và “lẩn tránh”. Có rất nhiều trường hợp để tránh cái camera, các giáo viên đã nghĩ ra đủ cách để trừng phạt trẻ mà người quản lý hoặc phụ huynh không thể quan sát được. Những phụ huynh của chúng ta sau khi có camera thì liền biến thành “điều tra viên” ngày ngày theo dõi trẻ và theo dõi cô. Giá như có một nghiên cứu trên diện rộng về tương quan giữa hạnh phúc của giáo viên, phụ huynh sau khi lắp camera thì sẽ rất hay.

Nói như vậy không có nghĩa rằng tôi ủng hộ việc để giáo viên tự quyết, tự làm mà không có chế tài giám sát, thưởng – phạt. Cái quan trọng ở đây là chúng ta làm như thế nào để chế tài đó phát huy hiệu quả trong thực tế. Làm thế nào để giảm tình trạng giáo viên sử dụng bạo lực một cách thực sự, minh bạch, chứ không chỉ là vì họ sợ bị phạt nên họ mới không làm thế.

Khi tôi đứng lớp Quản lý hành vi trẻ em, tôi có nói với các cô giáo và phụ huynh như vậy: “Việc bạn chỉ đơn giản phạt đứa trẻ mà không chỉ ra cái sai của con và dạy con 1 hành vi thay thế phù hợp hơn thì hành động của bạn là vô ích, thậm chí những lần sau, để trốn tránh bị phạt trẻ sẽ tìm ra những cách thức tinh vi hơn nữa để tiếp tục đi con đường sai lầm”.

Tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn phù hợp với giáo viên trong tình huống này. Chúng ta nên dũng cảm thừa nhận rằng nếu một phương pháp nào đó mình đã dùng đi dùng lại mà không hiệu quả thì lỗi đó không phải nằm ở người thực hiện mà nằm ở chính người làm ra phương pháp đó. Chúng ta phải nghĩ cách khác chứ không phải là bồi đắp thêm vào sai lầm cũ.

Việc giáo viên dùng bạo lực với học sinh, ngoài việc kiểm điểm họ còn cần phải xem lại toàn bộ hệ thống tại nơi đó, xem lại chất lượng đào tạo và quản lý giáo viên của chúng ta.

- Xin cảm ơn anh về những chia sẻ quý giá này!

XEM THÊM

du thao giao vien danh hoc sinh se bi phat loi thoat nao cho giao vien Xin cho tôi được đánh học sinh bằng lương tâm của nhà giáo

“Chiều về nấu cơm nghe chuông điện thoại reo là sợ lắm các bậc phụ huynh à! Nồi cơm của mình mà, lỡ có ai ...

du thao giao vien danh hoc sinh se bi phat loi thoat nao cho giao vien Quan niệm 'ăn đòn thì con mới lớn', phụ huynh nhờ cô giáo đánh con trên lớp vì quá nghịch

Trái ngược với quan điểm của nhiều người cho rằng việc dạy học sinh bằng đòn roi là phản giáo dục, không hiệu quả. Có ...

du thao giao vien danh hoc sinh se bi phat loi thoat nao cho giao vien 'Không phải cứ giáo viên đánh vào tay học sinh là phạt 30 triệu đồng'

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh Tra Bộ GD&ĐT cho biết, xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục, không có chuyện “phạt nguội” ...

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.