Xin giáo sư cho biết, tình trạng thiếu máu ở nước ta đã thực sự bức thiết phải ban hành một luật về hiến máu không?
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển của phong trào hiến máu tình nguyện, đến nay cả nước đã tiếp nhận được khoảng 1,4 triệu đơn vị máu (quy đổi), tương đương với 1,52% dân số hiến máu. Đó là thành công rất lớn! Tuy nhiên, lượng máu tiếp nhận được đó mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu điều trị. Tình trạng khan hiếm máu vẫn còn diễn ra tại nhiều khu vực trên cả nước, đôi khi, vẫn còn bệnh nhân vẫn phải nằm chờ truyền máu, đặc biệt vào những dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết hay hè.
Vậy 30% lượng máu thiếu hụt còn lại không phải ai cũng nhận thấy điều đó; và để hoàn thành được con số này quả thật là một thách thức rất lớn.
GS.TS Nguyễn Anh Trí- Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương |
Mặt nữa, với sự phát triển của lĩnh vực y tế, nhu cầu sử dụng máu cho điều trị trong thời gian tới chắc chắn sẽ ngày một tăng cao. Ở nhiều nước trên thế giới mặc dù lượng máu tiếp nhận được đã rất lớn (trên 5% dân số của quốc gia đó), nhưng người ta vẫn rất quan tâm tới việc thúc đẩy và duy trì công tác hiến máu tình nguyện.
Chính vì vậy, việc “luật” hóa về hiến máu sẽ góp phần tạo nền tảng pháp lý cho sự phát trển bền vững của phong trào hiến máu tình nguyện. Bằng chứng cho thấy, ở những nước như Nhật Bản, Pháp, Phần Lan, Thụy Điển, Trung Quốc…việc ban hành luật về máu đã tạo nên sự thay đổi tích cực trong phát triển công tác đảm bảo an toàn truyền máu cho người bệnh.
Trong những năm qua khi chưa có luật hiến máu thì phong trào hiến máu vẫn phát triển khá tốt, vậy tại sao cần phải xây dựng luật hiến máu vào thời điểm này?
Trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện phát triển được là nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí…, với sự phát triển của các chương trình, sự kiện hiến máu như Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật Đỏ, Hành trình Đỏ… những sự kiện đó đều đa phần thu hút giới trẻ - lực lượng hiến máu chủ yếu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cần phải có sự thay đổi trong công tác truyền thông để mở rộng đối tượng hiến máu, xây dựng được lực lượng người hiến máu thường xuyên, an toàn và ổn định.
Từ năm 1992, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Điều lệnh truyền máu, tới 2007 ban hành Quy chế truyền máu, năm 2012 ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động truyền máu… Đây là những văn bản dưới luật rất hữu hiệu để khuyến khích người tham gia hiến máu tình nguyện với những quyền lợi, chế độ theo quy định, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động truyền máu.
Tuy nhiên, với những yêu cầu mới, đặc điểm mới và thách thức mới (như đã đề cập phần trên), thì việc phải luật hóa các hoạt động hiến máu tình nguyện là rất cần thiết. Là một nhà quản lý, một cán bộ y tế điều trị cho người bệnh, tôi cho rằng khi đưa hiến máu tình nguyện vào luật chắc chắn người hiến máu sẽ có nhiều quyền lợi, chế độ hơn nữa, việc mở rộng đối tượng hiến máu trong cộng đồng cũng sẽ trở thành một bước phát triển vượt bậc của phong trào hiến máu tình nguyện và an toàn truyền máu ở Việt Nam mới thực sự được đảm bảo.
Nếu như chúng ta có luật, việc vào cuộc của các cấp, các tập thể sẽ đồng bộ, phát huy hết tiềm năng về lòng nhân ái, trách nhiệm của cả cộng đồng trong hoạt động này… Còn dưới góc độ của một người hiến máu tình nguyện, nếu thực sự mỗi cá nhân ý thức được vai trò của mình trong việc hiến máu vì cộng đồng, người bệnh, tự xây dựng cho mình một thói quen hiến máu định kỳ 3 tháng một lần thì chắc chắn, việc áp dụng luật hiến máu sẽ không còn là vấn đề trở ngại. Ngược lại, tôi tin rằng, luật hiến máu được ban hành chắc chắn mỗi cá nhân sẽ ý thức hơn với sức khỏe của mình. Và lúc đó hiến máu nhân đạo mới thực sự phát triển bền vững.
Theo Giáo sư, Luật nên đề cập thế nào tới trách nhiệm của người dân với việc hiến máu, tránh tình trạng tạo sức ép cho công dân với việc hiến máu?
Trong những năm qua hiến máu tình nguyện đã mang lại nguồn máu quý giá cho công tác điều trị |
Như quy định ở hầu hết các nước trên thế giới, việc hiến máu phải xuất phát từ tinh thần tự nguyện, không được bắt ép hiến máu. Chỉ những người khỏe mạnh, đáp ứng được các tiêu chuẩn hiến máu theo quy định của Bộ Y tế mới được hiến máu. Như đã trao đổi và thống nhất với Ban soạn thảo của Bộ Y tế và của Bộ Tư pháp cùng với chuyên gia tư vấn của các Bộ ban ngành vào sáng 10/1/2017 thì: Hoàn toàn không bắt buộc mọi người phải hiến máu mỗi năm một lần, mà chỉ là khuyến khích mọi người dân trong độ tuổi trưởng thành, có đủ sức khỏe, có đủ điều kiện thì tham gia hiến máu tình nguyện để cứu giúp người bệnh cần máu.
Tôi nghĩ, với nhu cầu số đơn vị máu cần cho điều trị mỗi năm tối thiểu bằng 2% dân số, nếu mỗi người trưởng thành khỏe mạnh, hiến máu từ 1-5 lần trong suốt cuộc đời mình thì đã có thể giúp đảm bảo lượng máu tối thiểu cho điều trị cho cả xã hội. Như vậy, chúng tôi khẳng định không có chuyện luật ép buộc người dân phải hiến máu 1 lần mỗi năm.
Vậy làm thế nào để Luật có thể giúp đảm bảo khắc phục được tình trạng thiếu máu và có đủ máu cho điều trị?
Luật sẽ tập trung quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, trường học (bậc đại học, cao đẳng), lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội… với việc tham gia, hỗ trợ công tác hiến máu tình nguyện. Đó là: khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, cán bộ, nhân viên, sinh viên… tham gia hiến máu; tạo điều kiện hỗ trợ công tác tiếp nhận máu an toàn; làm tốt hơn nữa công tác khen thưởng, tôn vinh người hiến máu…
Ví dụ, hiện nay tỉnh Hà Nam, với sự nhất trí cao của Hội đồng nhân dân Tỉnh, toàn tỉnh đã đưa việc hiến máu vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, nhờ đó, trong những năm qua, công tác hiến máu tình nguyện tại Hà Nam phát triển rất tốt sau khi được pháp định hóa... Bên cạnh đó, rất nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trong những năm qua cũng đã vào cuộc rất tích cực; tuy nhiên vẫn còn chưa đồng đều ở các địa phương trên cả nước. Tôi tin rằng, nếu luật hiến máu được ban hành, chúng ta không chỉ thoát được tình trạng khan hiếm máu mà chất lượng truyền máu nói riêng và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục được cải thiện và phát triển tốt.
Xin cảm ơn Giáo sư, Viện trưởng!