Được cha nạn nhân tha thứ, Trung được tuyên mức án bằng thời gian tạm giam. Ảnh: Ngọc Hoa |
Bị đâm chết vì cãi nhau khi va chạm xe máy
Một ngày tháng 9, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thành Trung (SN 1984, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Hai người bạn của Trung là bị cáo Nguyễn Hoàng Sĩ (SN 1984, quê Vĩnh Long) và Lê Xuân Phương (SN 1990, quê Bình Dương) cũng bị đưa ra xét xử với Trung về cùng tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Hơn 7 tháng kể từ khi bị bắt tạm giam vì chém chết một người, Trung chỉ được gặp cha mình có vài lần. Trung nói Trung ân hận lắm, vì đã uống rượu nên không làm chủ được hành vi, khiến một người phải chết.
Nhưng Trung cũng tiếc, bởi số phận Trung quá đen đủi, nên mới dính vào chuyện không hay. “Nếu lúc suýt xảy ra va chạm giao thông, nạn nhân đã không gây chuyện. Nếu lúc đó xe bị cáo không hư, thì bị cáo đã rời khỏi hiện trường, án mạng đã không xảy ra”, Trung trình bày trước tòa.
Trung khai nhận, vào chiều 23/1/2017 Trùng cùng với Trung, Sĩ, Phương, Nhứt và một số thanh niên khác đi dự tiệc cùng công ty. Vì vui quá nên Trung và nhóm bạn có uống nhiều bia.
Khuya cùng ngày, Trung cùng nhóm bạn chạy xe về nơi ở. Khi đến ngã 3 góc đường số 8 – đường 11A, ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM, xe của Nhứt gần va chạm với xe của anh Ngô Hoài H. khiến 2 bên dẫn đến xung đột.
Ngô Hoài H. đánh Nhứt. Thấy bạn bị đánh, Trung, Sĩ, Phong xuống xe đánh lại H.. Thấy nhóm của Trung đông, H. bỏ chạy vào nhà dân gần đó cầm 2 vỏ chai bia làm hung khí, quay lại đánh nhau làm đứt ngón tay út bàn tay phải của Phương. Thấy Phương bị đánh, Trung dùng nón bảo hiểm lao vào đánh H. thì H. liền bỏ chạy.
Tưởng mọi việc đã kết thúc, nhóm của Trung lên xe định bỏ đi nhưng do xe của Trung bị nghẹt ga không nổ máy được nên dừng lại. Khi Trung đang dắt xe, thì thấy H. cầm một con dao tự chế quay lại xông vào chém Trung. Hoảng loạn, Trung lấy khúc tre có sẵn bên lề đường chống đỡ nhưng vẫn bị H. chém nhiều nhát vào người Trung.
Khi đang hung hăng thì H. bị ngã. Thừa lúc này, Trung lao đến ôm H. vật nhau nằm xuống đường. Phương và Sĩ chạy đến cùng dùng chân đạp vào người H., Trung giật được con dao của H. chém vào chân H. khiến H. nằm tại chỗ.
Trung cho rằng, sau khi gây ra chuyện, Trung nghĩ H. không bị làm sao nên không để ý. Ngoài ra, Trung còn bị một thanh niên lạ mặt đuổi chém nên chạy khỏi hiện trường. Bản thân Trung cũng bị chém nhiều nhát, đứt ngón tay nên phải vào bệnh viện cấp cứu và được xác định tổn hại 23% sức khỏe.
Còn nạn nhân H. sau đó được anh rể đưa đi cấp cứu, nhưng do bị đứt mạch máu chân, tổn thương nặng nên đã từ vong sau đó.
Được tuyên bằng thời gian tạm giam vì nạn nhân cũng có phần lỗi
Trung nói, khi điều trị xong vết thương thì Trung bị bắt giam. “Bị cáo thừa nhận tội đã gây ra cho anh H., nhưng bị cáo không hề cố ý. Bị cáo chỉ muốn coi mọi chuyện không có gì nên mới đứng ra hòa giải và kêu nhóm bạn về nhà. Thế nhưng, H. vẫn còn ấm ức nên mới quay lại chém bị cáo. Bị cáo không kiềm chế được, lại nhặt được con dao mà H. mang tới để chém bị cáo nên đã chém lại, hậu quả đáng tiếc đã xảy ra khiến bị cáo phải có mặt trong phiên tòa hôm nay”, Trung nói.
Cha của Trung biết tin con trai bị bắt và có thể đối diện với án tù cao, ông đã mượn tiền, xuống tận nhà nạn nhân H. xin lỗi và xin được đền bù một phần tổn thất do con trao ông gây ra. Cha của Trung – người đàn ông ngoài 70 với mái tóc bạc cũng đến dự phiên tòa xét xử Trung.
Ông cho biết: “Trung bình thường hiền lắm, hôm gây chuyện do Trung uống bia nên không kiểm soát được hành vi. Tôi đã thay con bồi thường được 70 triệu và được gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại cho Trung. Giờ chỉ mong pháp luật khoan hồng, để Trung sớm được ra tù. Nếu Trung bị tuyên mức án cao, không biết ngày Trung trờ về tôi có còn được chứng kiến ngày con trai hoàn lương hay không, vì tuổi tôi đã lớn”.
Đáp lại sự lo lắng của cha Trung, cha nạn nhân H. là ông Ngô Văn Tót nói ông đến tòa không phải để khép tội, bởi ông không thù hận Trung nữa. “Con tôi đã chết, dù có oan hận đến cỡ mấy nó cũng không sống lại được nữa. Sự hận thù chỉ làm tôi thêm mệt mỏi. Tôi đã từng làm đơn bãi nại cho Trung. Hôm nay, tôi vẫn giữ nguyên yêu cầu ấy và xin tòa giảm cho Trung một phần hình phạt”, ông Tót trình bày khi được HHĐXX gọi hỏi.
Ông Tót kể, ông có bốn người con, H. là người con thứ 3. Sau H. còn một người em còn nhỏ tuổi. Một mình nuôi con đã hơn chục năm, đến giờ chân ông đã mệt, sức lực ngày càng yêu vì tuổi đã cao. Ý thức được sự vất vả của cha mình, trong khi hai anh chị của H. đã xây dựng gia đình và đã ra ở riêng, H. quyết định nghỉ học, xin tiền đi học nghề để sớm kiếm được tiền phụ giúp cho cha.
Sự quyết tâm của H. được đền đáp, khi không lâu sau đó, H. đã thuần thục nghề thợ hàn. Năm 2015, H. quyết định rời quê nhà Sóc Trăng lên TP HCM làm việc. H. trở thành lao động chính của gia đình từ đó.
Hằng tháng, H. đều gửi tiền về cho cha trang trài cuộc sống, và nuôi người em ăn học. “Trước khi bị giết, H. là lao động chính trong gia đình. H. mất, một mình tôi phải lo toan cuộc sống, khi anh chị H. đã lập gia đình, ra ở riêng, còn em của H. còn quá nhỏ”, ông Tót nói.
Cũng theo ông Tót, khi sự việc mới xảy ra, ông có nhận của cha Trung 70 triệu đồng tiền bồi thường. Ông nghĩ ông không yêu cầu bồi thường thêm nữa. Nhưng khi ra tòa, ông yêu cầu gia đình Trung bồi thường cho ông thêm 50 triệu nữa. Lý do vì cuộc sống của ông giờ khổ quá, cần tiền để trang trải cuộc sống.
Trước yêu cầu này của ông Tót, bị cáo Trung nói là bị cáo ở tù nên không có khả năng bồi thường vì số tiền 50 triệu là quá lớn. Nếu được, bị cáo chỉ có thể nhờ gia đình vay mượn bồi thường thêm từ 20 - 30 triệu.
Tại phiên tòa, Trung không hề chối tội. Hai người bạn của Trung khi ra tòa cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bởi thế nên trong lời nói sau cùng, cả Trung và 2 bị cáo khác cúi đầu xin cha nạn nhân H. tha thứ và mong được pháp luật khoan hồng, tuyên phạt mức án nhẹ để sớm được ra tù, làm lại cuộc đời.
HĐXX sau khi nghị án đã chấp nhận yêu cầu của ba bị cáo là Trung, Sĩ, Phong. Xét thấy Trung ăn năn hối hận, đã tác động gia đình khắc phục hậu quả, nạn nhân cũng có một phần lỗi nên xét giảm cho Trung một phần hình phạt.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trung mức án 7 tháng 7 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Ngoài bản án hình sự, Trung còn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 36 triệu đồng.
Nghe tòa tuyên mức án dành cho mình, Trung không tỏ thái độ vui mừng, nhưng quay xuống phía dưới phòng xử nơi cha mình đang ngồi, rồi cúi gập đầu như để cảm ơn cha mình. Trung cũng không quên cảm ơn cha nạn nhân, vì lòng bao dung của ông đã giúp Trung thoát án cao, được sớm ra tù để làm lại cuộc đời.
Đối với 2 bị cáo Sĩ và Phương đã tham gia gây ra cái chết cho nạn nhân, HĐXX cũng xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ của vụ án và quyết định tuyên phạt 2 bị cáo cùng mức án 6 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Mâu thuẫn nhỏ tại đám tang, thầy giáo đánh người tử vong
Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong lúc đi dự đám tang, thầy giáo dạy tiểu học đã dùng gậy đánh nạn nhân tử vong. |