Đường trục I Tây Bắc tại Đà Nẵng đội vốn lên gần nghìn tỷ đồng

Đường trục I Tây Bắc tại TP Đà Nẵng được phê duyệt từ năm 2019 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 692 tỷ đồng. Song do vướng mặt bằng, triển khai kéo dài, dẫn đến trượt giá đền bù, buộc phải nâng tổng mức đầu tư lên gần 1.000 tỷ đồng.

Mặt bằng thi công tuyến đường trục I Tây Bắc tại TP Đà Nẵng. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Thông tin từ Báo Chính phủ, tuyến đường trục I Tây Bắc được phê duyệt từ năm 2019 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 692 tỷ đồng, gồm có ba đoạn: Từ nút giao thông ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A và đoạn nối Nguyễn An Ninh từ nút giao Quốc lộ 1A đến đường sắt.

Song do vướng mặt bằng, triển khai kéo dài, dẫn đến trượt giá đền bù, buộc phải nâng tổng mức đầu tư lên 966 tỷ đồng.

Theo Quyết định ngày 23/3/2022 của UBND TP Đà Nẵng, mốc thời gian hoàn thành của dự án vào cuối tháng 6/2023. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa thể về đích bởi còn vướng giải phóng mặt bằng ở nhiều đoạn tuyến.

Cụ thể, theo UBND quận Liên Chiểu, vướng mặt bằng chủ yếu đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A với tổng cộng 164 hồ sơ, đến nay đã hoàn thành được 59/164 hồ sơ. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 36%, còn lại 105 hồ sơ thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu chưa bàn giao mặt bằng. 

Ngoài ra, liên quan đến thi công tuyến đường còn vướng 15 hồ sơ khác thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu vẫn chưa bàn giao mặt bằng.

Theo UBND quận Liên Chiểu, công tác giải phóng mặt bằng vướng là do phần lớn diện tích thuộc các dự án cũ, đã triển khai nhiều năm về trước, nên giá trị đền bù thấp, nhiều dự án dang dở rất phức tạp, công tác vận động nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, có những vướng mắc liên quan đến việc làm nhà trên đất không phải đất ở của các hộ dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau ngày 1/7/2004. Ngoài ra, do giá đền bù thấp, giá đất tái định cư cao nên các hộ dân không đủ tiền nộp ở vị trí mới để bàn giao mặt bằng.

Qua tìm hiểu thực tế, người dân trong vùng giải tỏa của dự án vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về phương án đền bù, vì vậy chưa thống nhất bàn giao mặt bằng. Người dân chấp nhận sống chật vật trong các căn nhà xập xệ, xuống cấp để chờ đợi phương án đền bù hợp lý được đưa ra. 

Như vậy, điểm nghẽn về mặt bằng chưa thể khơi thông, tuyến đường trục I Tây Bắc được kỳ vọng thúc đẩy phát triển đô thị về Đà Nẵng về phía tây bắc sẽ còn kéo dài thêm.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.