"Em bé ống nghiệm" đầu tiên trên thế giới được sinh ra ở Anh vào năm 1978. Còn Trịnh Manh Châu (31 tuổi) - em bé đầu tiên được chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở Trung Quốc vừa sinh hạ một bé trai khỏe mạnh, theo tuyên bố của Bệnh viện Thứ Ba Đại học Bắc Kinh.
Cũng tại bệnh viện này, Manh Châu đã cất tiếng khóc chào đời vào ngày 10 tháng 3 năm 1988. Đây cũng là một cột mốc quan trọng trong lịch sử công nghệ hỗ trợ sinh sản ở Trung Quốc, đem lại niềm hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Manh Châu thụ thai hoàn toàn tự nhiên. Con trai cô nặng hơn 3,8 kg và được chỉ định sinh mổ, một nhân viên tại bệnh viện cho biết.
Manh Châu là "em bé ống nghiệm" đầu tiên ở Trung Quốc. (Ảnh: Baidu, Weibo).
Tờ China Daily đưa tin, bà Qiao Jie, Chủ tịch bệnh viện khẳng định sự ra đời của cậu bé khỏe mạnh đã bác bỏ những hiểu lầm về phương pháp IVF.
"Dư luận từng đặt câu hỏi rằng các em bé ống nghiệm có thể sinh sản tự nhiên và liệu thế hệ tiếp theo của các em có khỏe mạnh hay không", bà Qiao nói thêm.
Một số người đàn ông được chào đời nhờ phương pháp IVF ở Trung Quốc nay đã trưởng thành và làm bố theo cách tự nhiên.
Trong số đó, anh Luo Youqun từng chào đời tại một bệnh viện ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam năm 1988, đã lập gia đình và có con đầu lòng vào tháng 4/2016.
Mặc dù sự tiến bộ của Trung Quốc trong công nghệ hỗ trợ sinh sản theo sau các nước phát triển, quốc gia này đã đạt được tiến bộ nhanh chóng ở lĩnh vực này trong vài thập kỉ qua.
Tính đến năm 2016, số lượng các cơ sở y tế được cấp phép thực hiện kĩ thuật IVF tại Trung Quốc đã lên đến 451 cơ sở và 23 cơ sở đã được cấp phép duy trì các ngân hàng tinh trùng, theo Ủy ban Y tế Quốc gia.
Bà Qiao cho biết công nghệ hỗ trợ sinh sản đã được quảng bá rộng rãi và chịu trách nhiệm với 1 – 2% trẻ em sinh ra ở Trung Quốc. Theo bà, sự phát triển này sẽ giúp đỡ nhiều gia đình hơn trong tương lai, bao gồm cả việc giảm tỉ lệ mắc bệnh di truyền.