Em gái Trịnh Văn Quyết: Là người nhà nhưng không hưởng lợi gì

Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga khai làm theo chủ trương của anh trai Trịnh Văn Quyết, ký các tài liệu "không biết là gì" do em gái Trịnh Thị Minh Huế đưa song không được hưởng lợi.

Bị cáo Nga, 45 tuổi, là người trả lời HĐXX sau cùng, trong phiên xét xử ngày 22/7. Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và em gái út, Trịnh Thị Minh Huế, vẫn bị cách ly từ lúc bắt đầu xét hỏi.

VKS xác định khi xảy ra vụ án, bà Nga là kế toán tổng hợp của tập đoàn FLC, là thành viên HĐQT kiêm phó Tổng giám đốc của công ty chứng khoán BOS, một trong 82 công ty thuộc "hệ sinh thái" FLC.

Trong vụ án, bị cáo Nga bị xác định liên quan trong cả hai sai phạm: khống vốn Faros và thao túng 5 mã chứng khoán.

Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết), ngày 22/7. (Ảnh: Ngọc Thành).

VKS cáo buộc Faros vốn là công ty do ông Quyết mua lại năm 2011 với vốn 1,5 tỷ, sau đó dùng các phương thức gian dối để tăng vốn khống trong 5 giai đoạn, lên gấp 2.866 lần, thành 4.300 tỷ đồng chỉ sau 2 năm.

Để tránh bị phát hiện số vốn khống, lãnh đạo Faros sau đó ký khống các hợp đồng đầu tư với các công ty thuộc "hệ sinh thái" FLC, rải hết số tiền vốn vừa khống được cho các thương vụ không hề tồn tại.

Bà Nga bị cáo buộc ký 50 ủy nhiệm chi tổng 1.327 tỷ đồng (dù thực tế không có việc chuyển tiền) để hợp thức, che giấu vốn góp khống. Bà sau đó ký khống 6 hợp đồng ủy thác đầu tư, nhận 368 tỷ đồng của Faros để phục vụ "dự án", dù Faros chưa bao giờ chuyển tiền cho các công ty do bà Nga đứng tên.

Tại phiên tòa, bà Nga thừa nhận các chữ ký đều là của mình, song thời điểm ký "không biết là gì, không biết ký khi nào". Bị cáo phân trần bà Huế chỉ bảo ký, "không nói để làm gì" và phải đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới "lần đầu tiên" biết đó là hợp đồng ủy thác đầu tư.

Khi bà Nga nói nhận thức thực tế Faros không hề chuyển tiền cho các công ty được ủy thác trong hợp đồng, chủ tọa chất vấn "không nhận tiền thì ký làm gì?".

Bà Nga đưa ra câu trả lời cũ, "lúc đó không biết, làm việc với cơ quan điều tra mới được nói cho biết là để nâng vốn góp vào Faros". Bà khai "hiểu chủ trương của anh Quyết còn tất cả là Huế triển khai".

Ông Trịnh Văn Quyết cùng em gái út, Trịnh Thị Minh Huế, bị cách ly suốt quá trình HĐXX xét hỏi các bị cáo khác. (Ảnh: Giang Huy).

Với sai phạm thao túng 5 mã chứng khoán họ FLC, chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng, bà Nga bị cáo buộc với vai trò Phó Tổng giám đốc của công ty chứng khoán BOS, đã cấp hạn mức mua chứng khoán cho các tài khoản không đủ tiền, không có tài sản thế chấp.

Các tài khoản chứng khoán này, theo cáo buộc, đều do anh em ông Quyết "mượn" giấy tờ tùy thân của người nhà, bạn bè để lập nên và sử dụng để mua bán cổ phiếu, chi phối thị trường.

Bà Nga thừa nhận cáo buộc, cho hay hàng ngày sẽ được bà Huế báo các tài khoản nào cần cấp khống hạn mức và cấp bao nhiêu. Bà sau đó truyền thông tin lại cho nhân viên thực hiện cấp khống tiền cho các tài khoản này.

"Tiền không có thật, nhưng khách vẫn đặt được lệnh để mua", bị cáo Nga khai, song việc dùng mã nào, mua bán bao nhiêu cổ phiếu thì không biết.

Anh trai bị VKSND Tối cao quy kết hưởng lợi tới 700 tỷ đồng từ vụ thao túng thị trường, song bị cáo Nga khẳng định "không được bàn bạc, hưởng lợi gì dù là anh chị em ruột". 

Cựu chủ tịch Faros: Chỉ phụ trách "hình ảnh", không biết công ty làm ăn thế nào

Tương tự em gái ông Quyết, bị cáo Hương Trần Kiều Dung, Chủ tịch HĐQT công ty BOS, kiêm phó chủ tịch thường trực tập đoàn FLC trong phần trả lời 17 phút đã 5 lần nói "không biết, khi làm việc với cơ quan tố tụng mới biết sai".

Giống bà Nga, bị cáo Dung bị cáo buộc đại diện 3 công ty ký khống các hợp đồng mua lại cổ phần của cổ đông, để góp vốn vào Faros tổng hơn 520 tỷ đồng. Tại tòa, bà Dung thừa nhận có ký nhưng khi đó "không hề phụ trách mảng tài chính" nên không biết 3 công ty có chuyển tiền cho các cổ đông hay Faros thật không. Bị cáo nói "đến khi làm việc với cơ quan tố tụng mới biết" thực tế 3 công ty không chuyển tiền.

Theo bà Dung, 3 công ty có các bộ phận kế toán tài chính độc lập, bị cáo không được báo cáo là họ có chuyển tiền thực tế hay không, "khi làm việc với các cơ quan tố tụng mới biết thực tế 3 công ty này không chuyển tiền cho cổ đông", bà Dung nhắc lại.

Để hợp thức hóa vốn khống, bà Dung cũng được giao ký các hợp đồng ủy thác đầu tư. Theo đó, Faros "giải ngân" 48 tỷ đồng cho Công ty FLC Travel do bà Dung đứng tên đại diện pháp luật.

Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC ra tòa ngày 22/7/2024. (Ảnh: Giang Huy). 

"Sau đó FLC Travel có nhận được tiền của Faros không, có được dùng kinh doanh không hay quay trở lại Faros?", chủ tọa truy vấn. Bà Dung đáp, thời điểm đó có rất nhiều hợp kinh tế giữa hai công ty, bị cáo "thấy dòng tiền chảy vào liên tục" nên nghĩ đây là hoạt động kinh tế bình thường.

"Thời điểm đó không biết có thanh toán thực tế số tiền và sau đó được sử dụng vào việc gì. Đến khi làm việc với cơ quan tố tụng mới biết là Faros không chuyển tiền", bà Dung nói.

Sau 5 lần nâng khống vốn, bà Dung bị cáo buộc chuyển nhượng hơn 10 triệu cổ phần Faros (tương đương 100 tỷ đồng) cho Trịnh Văn Quyết để ông này trở thành cổ đông lớn nhất Faros với 52% vốn góp.

Bị cáo Dung khai được ông Quyết chỉ đạo nên ký chuyển nhượng cổ phần cho ông Quyết, nhưng không nhớ có được thanh toán không. "Đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết ông Quyết không thanh toán tiền".

Với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, bà Dung bị cáo buộc với tư cách Chủ tịch HĐQT, là người ký hai nghị quyết của công ty BOS để bà Nga tự do cấp khống hạn mức cho các giao dịch trên 10 tỷ đồng, dù biết các tài khoản không hề có tiền hoặc tài sản đảm bảo. Song cũng giống 4 lần trả lời trước, bà Dung khai: "Tại thời điểm ký không biết vi phạm pháp luật, khi làm việc với các cơ quan tố tụng mới biết".

Nguồn gốc tất cả sai phạm này, theo bà Dung là do xuất phát điểm của bị cáo là phó tổng giám đốc FLC phụ trách mảng xúc tiến đầu tư và phát triển dự án, bị ông Quyết thuyết phục sang kiêm nhiệm các công ty khác, trong đó có BOS.

"Anh Quyết chỉ đạo bị cáo làm chức này, bị cáo cũng đã từ chối vì hoàn toàn không có kinh nghiệm chuyên môn, không hề tham gia đầu tư chứng khoán. Thực sự nếu bị cáo không muốn đến BOS, chỉ có cách nghỉ việc tại FLC. Bị cáo đã báo cáo rất rõ là chỉ đứng về mặt hình ảnh còn hoàn toàn không quản lý điều hành gì, hoàn toàn không quan tâm đến hoạt động của BOS", Chủ tịch BOS khai.

Theo bị cáo, dù là chủ tịch, nhưng khi được thêm vào nhóm Viber của BOS, bà Dung không bao giờ tương tác, nên không biết có việc cấp khống hạn mức mua cổ phiếu cho tài khoản không đủ tiền. Song bà Nga ngay sau đó khẳng định "bị cáo nghĩ những người trong nhóm đó đều biết".

Hôm nay, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi với các bị cáo còn lại. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.