FLC trễ hẹn thanh toán hơn 1.100 tỷ đồng trái phiếu, đang tiếp tục đàm phán để gia hạn

FLC đang chậm thanh toán tổng cộng hơn 1.110 tỷ đồng, trong đó gốc trái phiếu là 996,86 tỷ đồng và lãi (tạm tính) là hơn 113,5 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa đăng tải bản công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu FLCH2123003 của CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC), kí ngày 29/12/2023 vừa qua. 

Theo đó, FLC đang chậm thanh toán tổng cộng hơn 1.110 tỷ đồng, trong đó gốc trái phiếu là 996,86 tỷ đồng và lãi (tạm tính) là hơn 113,5 tỷ đồng. 

FLC cho biết hiện công ty đang trong quá trình đàm phán với trái chủ. Trong trường hợp Hội nghị Người sở hữu trái phiếu này thông qua phương án gia hạn, công ty dự kiến thanh toán trước ngày 28/12/2025 (tức gia hạn thêm 2 năm so với kỳ hạn ban đầu). 

Lô trái phiếu trên được phát hành vào ngày 28/12/2021 với khối lượng phát hành là 115.000 trái phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng/tp, huy động 1.150 tỷ đồng, kỳ hạn là 24 tháng, dự kiến đáo hạn và ngày 28/12/2023.

Trước đó, tại ngày 15/9 và ngày 3/10 năm ngoái, FLC đã mua lại trước hạn một phần trái phiếu thuộc lô này, tổng khối lượng mua lại là 154 tỷ đồng. Do đó, khối lượng đang lưu hành hiện tại là 996 tỷ đồng. 

Chiều ngày 22/12/2023, tức một tuần trước ngày đáo hạn, FLC đã tổ chức lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản để xin gia hạn thêm 2 năm, lãi suất cố định áp dụng là 13%/năm và miễn toàn bộ lãi phạt chậm trả nợ gốc, lãi cho FLC đối với các phần nợ gốc, lãi đã đến hạn thanh toán.

Đồng thời, công ty cũng đưa ra 4 phương án thanh toán cho trái chủ . Song, trái chủ không thông qua bất cứ phương án nào.

Như vậy, có thể thấy, tính đến ngày 29/12/2023 vừa qua, công ty vẫn đang tiếp tục đàm phán để xin gia hạn trái phiếu. 

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường ngày 2/1 vừa qua (không đủ điều kiện tiến hành họp), ông Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc của FLC cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều đối tác của FLC đang trong tình trạng khó khăn, mất khả năng thanh toán, không thể liên hệ, không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh. FLC do đó phải đối mặt với tình trạng khó thu hồi một số khoản công nợ. 

Cũng theo ông Công, nếu tiếp tục ghi nhận và theo dõi trên sổ sách kế toán sẽ không phản ánh được chính xác hoạt động của doanh nghiệp, do đó, cần hạch toán ngoại bảng và xử lý các khoản dự phòng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. 

Tag:
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.